Câu chuyện từ cổ vật còn sót lại
Theo các cơ quan chức năng TP.Hải Phòng, tấm bia đá này có niên đại khoảng 309 năm, với kích thước 1,36m x 0,5m. Trên bia có khắc chữ Hán với tên bia tạm dịch là “Hưng công tạo tượng”, tên chùa là “Hưng Long tự bi ký”, tọa lạc tại “Kinh Môn phủ, An Dương huyện, Hạ Lý xã, thời Vĩnh Thịnh nhị niên 1706”. Trên bia đá khắc danh sách các phật tử công đức tại chùa. Tượng nghê đá có kích thước 0,4m x 0,5m, tuy nhiên, tượng đá này bị mất phần đuôi. Hai cổ vật trên là do bà Bùi Thị Sự (SN 1941, ngụ số 48 Tiền Đức, phường Trại Chuối) cùng các phật tử thành tâm đã cất công tìm kiếm suốt thời gian qua.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên người dân phát hiện ra tấm bia đá cổ. Năm 1980, ông Bùi Văn Phòng (SN 1941, hiện ngụ ở xã Lê Thiện, huyện An Dương) - chủ cũ của ngôi nhà mà bà Đào Thị Hường đang ở - trong khi đào móng xây nhà cũng phát hiện ra tấm bia đá, do không xác định được đó là tấm bia cổ, ông Phòng tiếp tục san lấp và dựng nhà để sinh sống.
Để phát hiện ra vị trí hai cổ vật, bà con phật tử phường Trại Chuối đã tìm hiểu về lịch sử khu đất thiêng này. Tại cuốn “Lịch sử Đảng bộ phường Thượng Lý” được Nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2009, trang 17 ghi rõ: “Chùa Hạ tọa lạc trên khu đất phía Tây Nam làng, khu vực kho Phốt pho hiện nay, chưa biết khởi công từ bao giờ.
Đông đảo phật tử hoan hỷ bên tấm bia đá cổ vừa đào được. |
Tương truyền, có một người dân làng Hạ được báo mộng hãy ra bờ sông ở phía Tây Nam làng rước tượng Phật về thờ. Các vị chức sắc cùng dân làng phát hiện bên sông Rế có một pho tượng Phật bằng đá tọa trên tòa sen, cao khoảng 2m, đưa về làng. Khi đưa pho tượng đến giữa khu đất trống thì không sao chuyển được nữa.
Dân làng cho là đắc địa, liền góp công của xây dựng chùa tại đó (khi đó đất Trại Chuối thuộc làng Hạ Lý). Chùa là điểm đến liên lạc của cán bộ kháng chiến nên giặc Pháp đã phá chùa vào năm 1947. Dân làng Hạ rước 3 pho tượng Tam Thế về thờ tại đình Hạ và dỡ một số gạch chuyển về tu bổ đình”. Hiện, một phần đất của chùa Hạ trước đây do Cty Cổ phần Vật tư nông nghiệp 1 sở hữu, phần đất còn lại do bà con trong vùng xây nhà dựng cửa.
Từ những nhân chứng sống
Sau khi tìm hiểu về lịch sử mảnh đất và những cổ vật trên, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã tìm gặp ông Bùi Đình Oanh (SN 1927, ngụ số 52 Bãi Sậy, phường Trại Chuối), bậc cao niên sinh ra và lớn lên tại làng Hạ xưa để tìm hiểu về ngôi chùa. Làng Hạ nay chia làm 3 phường: Hạ Lý, Thượng Lý và Trại Chuối. “Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường theo cha đến chùa Hạ lễ Phật. Lúc này, ông sư Dưỡng trụ trì chùa. Tôi vẫn nhớ như in, khuôn viên chùa rộng chừng chục hecta. Chùa có một cây xoài to, bên trong còn có cả một khu nghĩa trang”... ông Oanh minh mẫn kể lại.
Cận cảnh tượng nghê đá. |
Ngoài ông Oanh còn có bà Nguyễn Thị Tám (SN 1930 - một nhân chứng của làng Hạ còn sống sót sau bom đạn chiến tranh. Bà cho biết: “Khi Tây kéo đến bắn phá, chùa Hạ trở thành nơi liên lạc của cán bộ cách mạng. Ngày 24/4/1947, giặc Pháp kéo đến khám xét chùa thì thấy có một tuýp đạn. Thấy vậy, chúng liền phá tan chùa, đập vỡ hầu hết các pho tượng. Tôi cùng một số người trong làng phải đi bới lấy phần gạch lành còn sót lại để gánh về đình Hạ. Khi ấy, tôi tìm thấy 3 pho tượng, pho thì gãy cổ, pho thì gãy tay, chân và đem về đình Hạ gắn lại. Từ đó, tôi nhận trách nhiệm trông nom đình Hạ. Hiện nay, 3 pho tượng cổ này vẫn được thờ trên ban thờ Phật ở đình Hạ”.
Không chỉ người dân, ngay cả những cán bộ đã nghỉ hưu của Cty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp 1 cũng xác nhận điều này. Ông Tạ Văn Hy (SN 1945, ngụ số 4 Tiền Đức) cho biết, năm 1983 ông Hy được phân công làm thủ kho của Kho vật tư nông nghiệp cấp 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Cty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp 1), Chùa Hạ khi đó chỉ còn tường xây xung quanh, phía trên còn dầm, kèo bằng bê tông. Cty đã dùng vải bạt, nilon để lợp tạm làm kho chứa xi măng, xăng dầu rộng khoảng hơn 70m2. Nền chùa Hạ khi đó có chỗ còn lát gạch chỉ”.
Ước mong về việc phục dựng ngôi chùa
Trải qua những biến cố về thời gian, lịch sử, đến nay gần 1.000 người dân sinh sống tại khu vực chùa Hạ xưa đã đồng lòng ký vào Đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền TP.Hải Phòng muốn phục dựng lại chùa Hạ.
Ông Bùi Đình Oanh |
Đại đức Thích Tục Khang, Phó trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo TP.Hải Phòng khẳng định, địa phận làng Hạ xưa có đầy đủ thiết chế văn hóa như các công trình tín ngưỡng: Đình, chùa, miếu tiêu biểu như đình Hạ, chùa Hạ, chùa Am… Trải qua năm tháng kháng chiến, nơi đây không còn tồn tại một địa điểm tâm linh nào. Hiện nay, số phật tử tại phường Hạ Lý, Thượng Lý, Trại Chuối rất đông, khoảng 10.000 người. Vì vậy, việc phục dựng chùa Hạ xưa kia không chỉ thỏa lòng tâm linh của bà con mà còn thể hiện sự tri ân, báo ân với một địa điểm tâm linh đã từng làm căn cứ cách mạng thời kỳ bấy giờ.
Liên quan đến những cổ vật mới được khai quật, ông Nguyễn Hải Bình, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hồng Bàng cho hay, chính quyền đã đưa bia đá cổ và tượng nghê đá về bảo quản tạm thời tại trụ sở UBND phường Trại Chuối, sau đó bàn giao cho Bảo tàng TP.Hải Phòng theo đúng Luật Di sản. Ông Bình cũng cho biết, nguyện vọng phục dựng lại ngôi chùa của người dân là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, theo quy hoạch của Hải Phòng thì khu vực này là đất đô thị.
Hiện nay, tâm nguyện của bà con phật tử nơi đây khao khát, mong muốn phục dựng lại chùa Hạ trên nền đất xưa để bà con phật tử địa phương có nơi gửi gắm niềm tâm linh, gìn giữ những giá trị lịch sử./.