Tìm thế độc lập cho Kiểm toán Nhà nước

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Đinh Tiến Dũng, vấn đề tồn tại nhất hiện nay là địa vị pháp lý của KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp nên không tránh khỏi khó khăn khi  xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động KTNN. 

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Đinh Tiến Dũng, vấn đề tồn tại nhất hiện nay là địa vị pháp lý của KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp nên không tránh khỏi khó khăn khi  xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động KTNN. Hôm qua (24/7),  Hội thảo quốc tế bàn về vấn đề này đã được KTNN và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức...

 

Cơ quan chuyên môn hay công cụ kiểm tra?

Theo Luật KTNN, “KTNN là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật...”; “Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quộc hội sau khi trao đổi thống nhất với Thủ tường Chính phủ...”.

Nhiều ý kiến cho rằng thuật ngữ “chuyên môn” trong quy định này chưa phản ánh đúng bản chất là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất của quốc gia. Mặt khác, Luật KTNN quy định như vậy nhưng cả Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ- mặc dù mới được sửa đổi, bổ sung sau khi Luật KTNN được ban hành - cũng không có nội dung nào quy định về vấn đề này.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh- Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam - vấn đề quan trọng là nhận thức và quan điểm. Nếu chỉ coi KTNN là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật như quy định hiện hành thì thực chất KTNN không phải là cơ quan thuộc một trong ba nhánh quyền lực nhà nước  pháp quyền mà chỉ là cơ quan chuyên môn giúp việc cho Quốc hội, HĐND có tính độc lập cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ về mặt chuyên môn. Do vậy các điều khoản quy định liên quan đến KTNN sẽ bổ sung và chỉnh sửa trong các chế định liên quan Quốc hội, HĐND, Chính phủ và UBND các cấp....

Nhưng, nếu quan niệm KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, không thuần túy là cơ quan chuyên môn mà là cơ quan của một nhánh quyền lực của nhà nước, cơ quan thuộc nhánh quyền lực tư pháp phục vụ Quốc hội, HĐND kiểm tra, kiểm soát việc thực thi quyền lực về tài chính nhà nước, về ngân quỹ quốc gia trong hệ thống pháp quyền Việt Nam thì cần thiết có một mục trong Chương X về TAND, VKSND, trong đó đưa ra một số quy định về địa vị pháp lý, tính độc lập của hoạt động  KTNN, về Tổng KTNN, các Phó Tổng KTNN, về quan hệ phục vụ của KTNN với Quốc hội, HĐND các cấp...

Chỉ độc lập khi được quy định trong Hiến pháp

 “Sự độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao (CQKTTC) là nền tảng cho việc thực hiện chức năng của nhà nước, từ đó phục vụ cho công việc của Quốc hội, trực tiếp củng cố vị thế và vai trò của Quốc hội trong chức năng giám sát và kiểm soát...”- ông Josef Moser Chủ tịch Tòa Thẩm kế Áo, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế các CQKTTC (INTOSAI) - lưu ý. Ông Josef Moser cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Sự độc lập chỉ được đảm bảo nếu vị trí đó được xác lập trong luật, có địa vị pháp lý cao và từ đó được ghi trong Hiến pháp”.

Theo chuyên gia này, CQKTTC phải hoạt động độc lập với đơn vị được kiểm toán, được bảo vệ khỏi các tác động từ bên ngoài. Sự độc lập này đảm bảo việc chuẩn bị báo cáo về kết quả kiểm toán được cân đối đáng tin cậy và khách quan, không chỉ tối quan trọng đối với một nền hành chính công minh bạch mà còn đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ, củng cố niềm tin của quần chúng vào bộ máy hành chính của nhà nước.

Được biết, ở tất cả các nước có cơ quan KTNN, những vấn đề cơ bản về địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan KTNN, Tổng KTNN đều được quy định trong Hiến pháp của mỗi nước.

TS Đinh Trung Tụng- Thứ trưởng Bộ Tư pháp:

Nguyên tắc quan trọng và cơ bản nhất trong hoạt động của KTNN là đảm bảo tính độc lập bằng pháp luật. Địa vị pháp lý của KTNN dù trực thuộc ngành lập pháp, hành pháp hay độc lập với cả hai ngành này hay trực thuộc Tổng thống (hay Nhà vua) cũng đều thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập theo quy định trong Hiến pháp và các đạo luật khác.

Mặc dù khó có thể đạt được sự độc lập một cách tuyệt đối vì CQKTTC là một bộ phận thuộc cơ cấu trong bộ máy nhà nước, nhưng về nguyên tắc, CQKTTC phải được trao quyền độc lập cấn thiết về mặt chức năng và tổ chức để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Mức độ cần thiết này phải bảo đảm được sự bảo vệ đầy đủ của pháp luật để chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài bởi các quyền năng chính trị...

Thanh Lan

Đọc thêm