Tín dụng chính sách nâng cao cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) - Các chính sách tín dụng dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi hơn 10 năm qua đã góp thêm sức mạnh thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS, giúp người dân mạnh dạn vay vốn, chuyển dời tư duy sản xuất, giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, bình xét cho vay hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay đổi cơ chế hỗ trợ

Có thể nói, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất đánh dấu một một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS cũng như quan điểm của Chính phủ trong việc chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ “cho không” sang “cho vay”.

Từ đây, cùng với các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung, các chính sách mang tính đặc thù, riêng có với độ phủ ngày càng rộng và sâu đã tạo thêm những hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi và DTTS - “lõi nghèo” của cả nước”.

Đó là Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 với việc phủ rộng thêm tín dụng chính sách đối với hộ DTTS ra 9/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008 - 2010. Tiếp đến cuối năm 2013, Chính phủ tiếp tục kéo dài các chương trình này và mở rộng cho vay đối với hộ DTTS để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm trong các Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg.

Đặc biệt, với sự tham mưu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.

Chính sách mới này không chỉ tích hợp và tiếp nối các chính sách tín dụng đặc thù cho trước đó, mà đã khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đây như mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách đến hộ người Kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay tối đa bằng mức cho vay và thời hạn vay tối đa bằng chương trình cho vay hộ nghèo.

Chính sách mới này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất, kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, tạo động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có những bước chuyển mới trong nhận thức với tín dụng chính sách xã hội, với sự chủ động ủy thác ngân sách địa phương qua NHCSXH, xây dựng những chương trình phát triển kinh tế riêng biệt cho người dân vùng núi và DTTS địa phương để tăng tốc giảm nghèo.

Lan tỏa chính sách nhân văn

“Là cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ quan tâm đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, đặc biệt đối với vùng DTTS và miền núi luôn được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cũng là vùng phên giậu quốc gia, NHCSXH đã luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với đồng bào DTTS một cách nhanh, hiệu quả nhất”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nói.

Phương thức giải ngân, thu nợ tại xã đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS sống tại vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi.

Đến 31/8/2019 có trên 14,6 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 30,4 triệu đồng/hộ, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

Tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã tạo được lòng tin của Đảng đối với dân và dân đối với Đảng, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Đến cuối tháng 8/2019 dư nợ cho vay khu vực miền núi và DTTS đang đạt 2.342 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo dựng sinh kế và cải thiện đời sống cho 163.694 hộ. Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi và DTTS vẫn là một thách thức trong những năm tới.

Tốc độ giảm nghèo của hộ DTTS còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để giảm nghèo DTTS không chỉ đi đồng tốc với giảm nghèo chung cả nước mà còn phải có những bứt phá mạnh hơn để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập và đời sống giữa chính người nghèo ở các vùng miền và hướng tới ngày càng rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.

Đọc thêm