28 tuổi, Hữu mới cưới vợ. Vợ Hữu khá xinh xắn, phốp pháp, ăn to, nói lớn, làm chủ một tiệm quần áo trên phố . Lúc Trâm (vợ Hữu) về ra mắt gia đình anh, mẹ anh đã không thích cô. Mẹ bảo trông mắt cô ướt, đa tình (thực ra mẹ sợ cô đa dâm, mắt lá răm, lông mày rậm), sẽ làm tổn hại tới anh. Cái lý thuyết xưa cũ ấy khiến một người Tây học như anh "dị ứng", phản đối cực lực và mặc cho mẹ không ưa, sau một thời gian ngắn tìm hiểu anh quyết cưới Trâm bằng được.
Trâm ít học, chỉ hết lớp 12 nhưng nhờ "ra đời" sớm nên cô khá lọc lõi, biết chiều chồng, biết nịnh ngon, dỗ ngọt và đặc biệt rất biết làm cho Hữu tự hào về bản thân. Cô luôn tỏ ra tôn sùng và phục tùng chồng, anh là nhất, là riêng, là tất cả. Hữu vốn tính sĩ diện cao, tự cao tự đại, gặp đúng người "siêu nịnh" nên cứ mềm dần như cọng bún. Chẳng biết từ khi nào, Hữu ngả theo Trâm, tin cô tuyệt đối, Hữu luôn nói rằng người yêu Hữu 100% như Trâm, chỉ có chồng trong mắt như Trâm, là người sẽ không bao giờ dối anh, dù chỉ là những lời nói dối vô hại.
Hữu nào biết, sau lưng anh, Trâm chẳng ưa gì bà mẹ chồng khó tính, lắm điều, lại soi mói cô từng đường đi, nước bước. Thực ra, mẹ Hữu chỉ muốn "đưa con dâu vào quy củ" nhà mình, bớt cái tính nanh nọc bà thấy ở cô mà bằng thâm niên một cô giáo dạy học lâu năm bà nhìn là thấy. Hồi đầu, lúc vắng Hữu, bà gọi Trâm xuống nhà nhỏ to, rù rì tâm sự về chuyện Hữu đã lớn lên như thế nào, tính cách ra sao, thích gì, ghét gì. Rồi bà tranh thủ dạy dỗ con dâu phải biết kính trên, nhường dưới, làm tròn trách nhiệm của một dâu trưởng.
Trâm nghe, khó chịu ra mặt, cô ra ngoài xã hội cũng có kém cạnh gì ai, bạn bè phường buôn còn nể cô một phép vì cô chịu khó đọc trên mạng chuyện chiều chồng, chăm con, vô vàn bí quyết. Trâm luôn nghĩ thầm trong đầu "bà già biết gì mà dạy dỗ, con bà tôi xỏ dây thừng vào mũi, dắt đi khắp thành phố được ấy chứ. Chỉ cần không chiều theo ý tôi, tôi "chiến tranh lạnh", chẳng cho động chạm là đã đủ cuống lên rồi".
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Mẹ Hữu dần dà biết được rằng Trâm ngoài mặt thì nghe bà nói nhưng thâm tâm thì "việc ai người đó làm". Bà giận lắm, nhất là một hôm, tình cờ lên nhà Hữu chơi (hai vợ chồng Hữu ở riêng vì anh còn có 2 em gái chưa lập gia đình, ở chung với bố mẹ), bà bắt gặp Trâm đang xếp bằng đánh bài với bạn phường buôn. Bà gọi ngay Hữu để "mách" đồng thời răn đe con dâu "mày còn chơi cờ bạc tao gọi công an tới xích cổ". Trâm giận tím mặt, nghĩ mẹ Hữu xỉ nhục mình trước mặt bạn bè, quyết tâm lên kế hoạch làm cho bà "mất dâu, mất con".
Thoạt tiên, Trâm tỏ ra hối lỗi, chui vào lòng Hữu "nịnh" anh, em chỉ chơi vui, bạn bè có chuyện ăn mừng kéo đi hát karaoke nhưng chỗ đó phức tạp, nên em rủ mọi người về nhà đánh bài cho hết thời gian, đỡ nhớ anh. Vừa may, dịp đó Hữu đang đi công tác thật, vốn tin vợ, Hữu bỏ qua ngay. Tuy nhiên, mẹ anh cứ róng riết gọi điện bắt anh phải dạy vợ khiến cho Hữu bực dọc, nghĩ bà cố chấp. Được thể, Trâm "mách" chồng: mẹ anh muốn làm mất mặt vợ chồng mình, em thấy cậu Tuấn, công an phường đã gọi em hỏi có phải nhà mình chứa cờ bạc không anh ạ.
Chuyện vốn nhỏ, chẳng to tát gì nhưng Hữu nghe xong giận dữ nghĩ mẹ muốn bôi xấu vợ chồng anh, Hữu đùng đùng gọi điện mắng mẹ xa xả, chẳng để bà kịp thanh minh nửa lời. Sau cú điện thoại đó, Hữu hùng hồn tuyên bố với vợ: em không cần phải sang thăm nom bà nữa, để bà phải biết mà nhận ra sai lầm mà thay đổi. Bà sống như thế này là đẩy con, đẩy cháu ra xa.
Kế hoạch đã thành công phân nửa. Trâm "mở cờ trong bụng", tận hưởng những ngày "không có con mắt giám sát của mẹ chồng". Mẹ Hữu vì tự ái với con, cũng không gọi điện nhắc nhở anh về thăm bố mẹ, hai cô em gái đi học suốt ngày cũng không mắt nào để ý tới nỗi buồn trong mẹ.
Gần nửa năm sau ngày đó, Trâm có thai, Hữu vui lắm, càng cưng chiều vợ. Bao nhiêu thời gian trong tuần, hễ đi làm thì thôi, có thời gian là Hữu về đưa vợ đi dạo, đi chơi. Vài lần anh ngỏ ý đưa Trâm về thăm bố mẹ nhưng Trâm không đồng ý, bảo về nhìn thấy mẹ anh em lại ức chế. Cứ thế, Hữu không còn thời gian nào để về qua nhà bố mẹ.
Cho tới một hôm, Hữu đang làm việc ở cơ quan thì cô em gái hốt hoảng gọi tới báo mẹ anh đã nhập viện được dăm hôm, tình hình khá căng. Hữu tất tả chạy vào viện, nghe em kể mẹ vì nhớ thương con, đau lòng vì bị con bỏ bê mà như măc chứng tự kỷ, đêm đêm mẹ không ngủ, cứ lọ mọ tìm trong ký ức ảnh anh hồi bé, quần áo anh mặc hồi bé. Gần đây, Trâm còn nhắn nhe bà rằng vì bà quá đáng nên Trâm đẻ con cũng không cho bà bế. Cô em gái kể xong chuyện, vừa khóc vì tức giận vừa yêu cầu anh "xử lý vợ" nếu không hai chị em cô sẽ lên "làm cho ra chuyện".
Hữu đau xót nhìn mẹ, lại nhớ gần đây Trâm càng ngày càng "nghiện" chơi bài, đánh lô tô. Cô viện cớ hàng ế ẩm, buồn nên chơi cho vui nhưng anh linh cảm dường như mẹ anh đã đúng về cô con dâu ngang bướng, khéo che dấu này. Nhưng bây giờ anh biết phải làm sao, đứa con của anh và Trâm đang dần lớn lên trong bụng cô. Đây nào phải thời điểm anh "vạch trần" thủ đoạn "lý gián" của cô. Cứ thế, Hữu gục đầu bên mẹ, nhìn gương mặt hốc hác của bà, lòng rối như tơ vò...
Lời bàn của chuyên gia tâm lý
Chuyên gia tư vấn Việt Sơn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng trong trường hợp này, chỉ có một "lối thoát" cho Hữu là thẳng thắn trò chuyện với vợ để hóa giải mẫu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Bản chất câu chuyện là mẹ Hữu muốn có một cô con dâu theo "fom" của gia đình mình chứ bà không có động cơ xấu, chia uyên, rẽ thúy. Hữu và vợ anh cần xin lỗi mẹ để lập lại không khí hòa bình trong gia đình và mẹ của Hữu cũng cần có sự rộng lượng, cảm thông và bỏ qua cho vợ chồng anh.
Vợ của Hữu còn thương yêu chồng nhưng do bản tính đành hanh nên mới hành xử nông nổi, sai trái, cô cũng rất cần được chỉ dạy và hiểu ra vấn đề. Riêng thói mê cờ bạc, anh Hữu cần ngăn chặn ngay, tránh gia đình rơi vào thảm cảnh vì vợ nghiện cờ bạc, đánh mất lòng tin của mọi người.
Đặc biệt, vợ Hữu đang có thai, do đó cần tìm phương pháp tiếp cận tâm lý, tế nhị để cô không bị sốc. Đây là việc rất khó nhưng nếu như Hữu thực tâm muốn hóa giải thì anh vẫn có thể làm được, với sự trợ giúp của chính người mẹ đã thương yêu, nuôi nấng và lo lắng cho anh, ngay cả khi anh đã lập gia đình và từng "bất hiếu" với bà.