“Giải cứu” các TCTD bị kiểm soát đặc biệt: Cần cơ chế đặc biệt cho người làm nhiệm vụ “tháo ngòi nổ”

(PLO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Dự án Luật).
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa  (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến

Ranh giới mong manh

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, UBTVQH đã bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), các vụ đại án liên quan đến các TCTD xét xử những năm gần đây đã chứng tỏ thực trạng hết sức phức tạp, khó khăn, nhất là việc giải quyết hậu quả các TCTD yếu kém và hậu quả pháp lý của những người có liên quan. Chính vì vậy việc phân công con người hoặc buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt. “Bởi lẽ cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên thì không ai dũng cảm xung phong vào “giải cứu” các TCTD được kiểm soát đặc biệt”, ĐB Vượt bày tỏ quan điểm.

Theo ông Vượt, qua tìm hiểu, nhiều cán bộ có năng lực, trách nhiệm sang làm nhiệm vụ này được ví như đang tháo “ngòi nổ” của quả bom, vì việc cơ cấu và xử lý một TCTD yếu kém rất phức tạp, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong khi đó, quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt cần có các quyết định, giải pháp xử lý hậu quả thậm chí không có tiền lệ, cũng như chưa có quy định pháp luật rõ ràng nhằm ngăn chặn kịp thời, giải quyết rủi ro làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của cả hệ thống TCTD, nhất là đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Chính vì vậy, ĐB cho rằng cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém ngay tại dự thảo Luật nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém. Con người vẫn là nhân tố quyết định để tái cơ cấu các TCTD hiệu quả.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Thắng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank) nêu cụ thể hơn: “Có thể nói anh em vất vả khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có, thực hiện công việc rất nặng nề. Nhiều công việc luật không quy định rõ ràng, ranh giới giữa trách nhiệm và chịu trách nhiệm rất mong manh. Họ rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, Quốc hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong trường hợp đã cống hiến hết mình, đã công tâm, trung thực trong công việc”.

Không dùng ngân sách trong quá trình tái cơ cấu

Báo cáo giải trình tiếp thu cũng cho biết, nhiều ĐBQH đề nghị không quy định tại dự thảo Luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD. “UBTVQH xin tiếp thu, không quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế, đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét, đề xuất những nội dung về các chính sách thuế, khẩn trương trình UBTVQH xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và tập trung soạn thảo để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế có liên quan tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV để đảm bảo cơ chế pháp lý đồng bộ để xử lý các TCTD yếu kém” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết, các cử tri có băn khoăn về chuyện xử lý các ngân hàng yếu kém thì có sử dụng ngân sách hay không. Các quốc gia khác đều thừa nhận công khai chuyện lấy tiền thuế của dân để xử lý nhưng phải kèm theo phương án tái cơ cấu để phục hồi ngân hàng yếu kém và sau đó bán lại khi thấy có lời. Chúng ta “giải cứu” để đạt được cái gì, chứ không nên né tránh nói là không dùng đến ngân sách trực tiếp nhưng lại sử dụng gián tiếp. Cụ thể là chúng ta cho vay với lãi suất 0%, cái đó nếu như ảnh hưởng, chúng ta cũng phải xác định ảnh hưởng bao nhiêu để báo cáo cho cử tri, nhân dân biết. Và cuối cùng sự ảnh hưởng đó sau bao nhiêu năm đạt hiệu quả gì, chúng ta phải trả lời trước cử tri, không nên né tránh và hoàn toàn có thể thiết kế cơ chế để chúng ta minh bạch.

ĐBQH Đinh Duy Vượt cũng đề nghị cần có tiêu chí toàn diện, bổ sung các quy định, giải pháp về nguồn lực phù hợp tùy từng thời điểm với từng TCTD nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh trường hợp người gửi tiền rút tiền gây ra hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền làm phá sản các TCTD. 

Đọc thêm