Phát triển nhà ở xã hội ở các thành phố lớn còn chậm

(PLVN) - Tại tọa đàm “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động (CNVCNLĐ) và vai trò của Công đoàn Việt Nam” diễn ra ngày 18/12, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Công đoàn Việt Nam đã và đang có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo tốt nhất việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCNLĐ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những năm qua, Công đoàn đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm công đoàn”… góp phần tháo gỡ những khó khăn, vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tháo gỡ để nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới. Một trong những vấn đề nổi cộm là nhà ở xã hội. Trong thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại các thành phố lớn đã được triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức như bán, cho thuê, cho thuê mua. Đây là một chủ trương đúng đắn.

Nhưng đến nay, việc đầu tư phát triển loại hình nhà ở này vẫn còn khá chậm bởi những khó khăn về nguồn vốn, ưu đãi thu hút đầu tư, những vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất khi phát triển các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới; những khó khăn về trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. 

Ngoài ra, vấn đề về các công trình phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa, thể thao như: Nhà tập thể thao đa năng, nhà sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, khu vui chơi giải trí sau giờ làm việc còn thiếu so với nhu cầu đời sống tinh thần của công nhân lao động. 

Cùng với đó, nhu cầu nhà trẻ, trường mầm non, trường học, trạm y tế… tại các khu vực tập trung đông công nhân rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu còn hạn chế. Các trường công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ dưới 36 tháng, trong khi đó các trường tư thục có học phí cao so với thu nhập của công nhân, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư… 

Đọc thêm