“Soi” thông tin dự án bất động sản không dễ!

(PLO) - Hàng rào pháp định về ngành xây dựng nói chung và thị trường địa ốc nói riêng đến nay đã cơ bản hoàn chỉnh. Việc tiếp cận những kiến thức nền cũng đã dễ dàng hơn, thuận tiện hơn nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, muốn hạn chế tối đa hoặc tránh rủi ro trong các giao dịch bất động sản, người mua vẫn phải liên tục cập nhật những chế tài, quy định có tác động trực tiếp tới lĩnh vực này.

Để chọn mua một sản phẩm bất động sản, người mua nhà hiện nay đều 'soi' rất kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư. Ảnh: Vnexpress
Để chọn mua một sản phẩm bất động sản, người mua nhà hiện nay đều 'soi' rất kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư. Ảnh: Vnexpress

Bên cạnh những thông tin xoay quanh chuyện dự án A, chủ đầu tư B sắp bung hàng, công bố sản phẩm ra thị trường, giới hành nghề trung gian và cả nhà đầu tư thứ cấp vẫn coi vấn đề 'lách luật' của doanh nghiệp bất động sản là đề tài chưa bao giờ hết 'hot'. Những dự án quy mô với mức đầu tư càng 'khủng', đặc biệt là thời gian 'đắp chiếu sau khởi công' cũng như 'tái khởi động' càng nhiều lần thì lại càng kích thích dư luận.

Nếu chỉ khoanh vùng nội đô, những ai quan tâm đến thị trường bất động sản Hà Nội cũng có thể nêu được vài tên tuổi dự án đã làm tốn đủ giấy mực của báo chí lẫn bình phẩm của giới làm nghề. 
Đơn cử như dự án Landmark 51, Vinafor là đơn vị đứng tên trong liên danh chủ đầu tư bên cạnh Sông Đà 1.01. Nhưng để nắm được nguồn vốn 'nuôi' dự án, phải đọc rất kỹ tài liệu báo cáo tài chính từ Sông Đà 1.01 mới có thể tìm được phần nào đáp số – ông Quang, một người từng lên kế hoạch mua một suất căn hộ tại dự án này tiết lộ.

Giữ kín thông tin về dự án cũng là cách mà chủ đầu tư một dự án chung cư cao cấp khu vực gần ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám đã áp dụng suốt thời gian dài.

Thông tin về dự án này được mô tả khá ít ỏi trên trang chủ của chủ đầu tư (hacc.. ). Mới đây khi được một ngân hàng nhận bảo lãnh (sau khi một tỷ trọng nhất định dự án đã qua tay phân phối của một doanh nghiệp đối tác khác), để tìm được thông tin 'chính thống' về sản phẩm dự án, khách hàng đều được chỉ dẫn tìm tới đơn vị phân phối mới này.

Bà Lê Hải, một trong những khách hàng có nhu cầu mua tại dự án nhận xét, đây là dự án đã được môi giới tích cực mời chào khách hàng đóng tiền vào các suất căn hộ trong suốt thời gian 2-3 tháng vừa qua. “Chủ đầu tư dự án vốn rất 'kiệm lời', nhưng bằng sự khéo léo, tôi đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý (nghĩa vụ thuế đất, tiến độ thi công và cả nghĩa vụ bảo lãnh) của dự án thông qua chính đội ngũ nhân viên môi giới”.

Đáng lưu ý, không ít người mua nhà đang cập nhật các kiến thức về tài chính – kế toán xoay quanh năng lực chủ đầu tư. Chẳng hạn, một bài học điển hình về trường hợp dự án đã triển khai, thu tiền của khách nhưng lại 'bất động' dài dài, để truy tìm 'dấu vết' số tiền mà chủ đầu tư đã thu của các Thượng đế.

Về nguyên tắc chung, theo Chuẩn mực kế toán 14 lẫn sự thay đổi đã được cụ thể hóa trong Thông tư 200/2014/TT-BTC, doanh thu bán hàng phải được ghi nhận sau khi doanh nghiệp đã thực hiện chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua.

Đối với các giao dịch bất động sản, theo quy định cũ, đa phần các chủ đầu tư đều hạch toán theo phương pháp POC – phần trăm tiến độ thực hiện. Trong quy định mới (Thông tư 200), khoản tiền người mua trả trước sẽ được ghi vào 'tài khoản người mua trả tiền trước', hoặc thu tiền đặt cọc hợp đồng. Theo đó, trong Báo cáo tài chính soát xét giữa năm và báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm đều quy chiếu rõ vấn đề này.

Đọc thêm