Sửa đổi thông tư 36: Cần có lộ trình phù hợp

(PLO) - Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã thu hút sự quan tâm của dư luận và đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan. 

Sáng ngày 15/3/2016 tại TP.Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Thông tư 36, thị trường bất động sản được gì, mất gì?”. 

Hội thảo có sự tham dự của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea), các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp bất động sản và nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

Chuyên gia kinh tế  Đinh Thế Hiển cho rằng điều chỉnh Thông tư 36 (TT36) để đưa tín dụng về tiêu chuẩn là cần thiết, giúp thị trường bất động sản (BĐS) cân bằng cung – cầu, tránh nguy cơ đóng băng, giảm giá do thừa cung! Tạo hiệu quả cho doanh nghiệp làm ăn tốt, ổn định thị trường mua nhà để ở, cho thuê và đầu tư trung dài hạn, hạn chế đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường…

Còn Tiến sĩ Bùi Quang Tín – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM có quan điểm khác: Dự thảo vẫn có những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường BĐS và tổ chức cũng như cá nhân tham gia vào lĩnh vực này. Tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40% thì ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn, đặc biệt là cho vay đối với các giao dịch BĐS.

Theo ông Tín thì việc giảm tỉ lệ như trong dự thảo cũng nhằm mục đích quản trị tốt hơn về rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay, nhưng vẫn còn nhiều cách khác trong quản trị hiệu quả rủi ro thanh khoản của chính ngân hàng mình như thanh tra, giám sát, chứ không chỉ giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nếu điều chỉnh TT36, các doanh nghiệp ít nhiều đều bị tác động bởi các điều kiện vay bị ràng buộc chặt chẽ hơn, lãi suất sẽ tăng lên từ 1 – 2%/năm …

Ông Tín đề nghị nếu TT36 điều chỉnh, bổ sung thì cần có lộ trình và cùng lúc nên phối hợp với các bộ, ngành khác để phát triển đồng bộ những thị trường khác trong hệ thống tài chính tại Việt Nam. 

Giám đốc điều hành Bản Việt Land Đinh Duy Trinh bức xúc: “Việc siết chặt tín dụng BĐS không những gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn khó khăn cho người dân. Nhiều dự án bị tê liệt, làm ảnh hưởng trầm trọng thị trường BĐS. Hiện nay doanh nghiệp và khách hàng đều hoang mang, thời điểm này là chưa thích hợp để sửa đổi TT36”.

Ông Phạm Lê Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty BĐS Hưng Lộc Phát trình bày tham luận của mình : “Thị trường vốn của nước ta còn rất mỏng, phân phối không đều, áp lực đè nặng lên ngân hàng rất lớn. Việc điều chỉnh TT36 tác động đến các chủ đầu tư. Nhưng đối với Hưng Lộc Phát, chúng tôi khẳng định không bị ảnh hưởng, bởi các dự án đã và đang đầu tư như Hưng Phát, Hưng Phát Silver Star, The Golden Star đều không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, tôi đề nghị các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra một chủ trương, một chính sách thì phải nghiên cứu kỹ, chính sách đó cũng cần có thời gian hợp lý hơn, đừng thay đổi nhanh chóng quá! Thị trường BĐS mới bắt đầu khôi phục niềm tin, nếu thay đổi đột ngột sẽ không tốt, nên phải điều chỉnh từ từ”. 

Dự án The Golden Star của Cty Hưng Lộc Phát
Dự án The Golden Star của Cty Hưng Lộc Phát

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoRea phát biểu: Nếu sửa đổi TT36 theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%, thì có thể có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua. Chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS, làm sụt giảm nguồn cung, tăng dự án và sản phẩm dở dang…

Vì thế HoRea kiến nghị 2 phương án: Một là, thời điểm này đừng nên sửa đổi TT36. Nếu bắt buộc phải sửa đổi thì nên thực hiện “theo hướng có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng” và “theo lộ trình giảm dần”.

Phương án hai, nên sửa đổi, bổ sung khoản 5 điều 17 TT36 như sau: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn theo tỉ lệ tối đa: ngân hàng thương mại 50%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài 50%. Đối với “các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS” vào “nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%” như quy định cũ.

Đại diện NHNN chia sẻ: Trước khi đưa ra Dự thảo, NHNN đã tính toán trên nhiều mặt và mức độ tác động đến thị trường BĐS. Thông tư này nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Song hiện nay chỉ mới là dự thảo, nên cũng cần phải có lộ trình nhất định để góp ý và thực hiện. 

Đọc thêm