Tín dụng tuy tăng chậm hơn nhưng dòng vốn được kiểm soát chặt chẽ hơn

(PLO) - Đó là nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) trong báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế- tài chính tháng 4/2018. NFSC cũng cho rằng việc giảm lãi suất trong năm nay là khó khăn do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn 2017.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo của NFSC cho biết, đến cuối tháng 4/2018, tín dụng ước tăng khoảng 4,3% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,6%). Tín dụng bằng VND ước tăng 4,1%, chiếm 91,9% tổng tín dụng; trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 6,3%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%).  Tín dụng trung dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại. Trong 4 tháng đầu năm 2018, tín dụng trung dài hạn tăng khoảng 5,3% trong khi tín dụng ngắn hạn tăng khoảng 3,2%. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn khoảng 53,3% (cuối năm 2017 là 47,2%). 

Đáng chú ý, tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực công nghiệp chuyển biến đáng kể. Tỷ trọng cho vay vào lĩnh vực công nghiệp tăng lên 22,1%, (cuối năm 2017 là 19,7%). Trong khi tỷ trọng cho vay hộ gia đình giảm còn 16,5% (cuối năm 2017 là 17%). Tỷ trọng cho vay các ngành nghề khác ổn định. 

Trong 4 tháng đầu năm, thanh khoản  của hệ thống tổ chức tín dụng tương đối dồi dào. Tính đến cuối tháng 4/2018, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) ở mức 87,9% (cùng kỳ năm 2017 là 88%). Trong đó, LDR bằng VND là 89,8%; LDR bằng ngoại tệ là 71,7%. 

Lãi suất liên ngân hàng tuy tăng nhẹ so với cuối tháng 3/2018 song vẫn ở mức thấp. Cụ thể, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 1,5% (tăng 0,5 điểm % so với cuối tháng 3/2018), lãi suất 1 tuần ở mức 1,6%, lãi suất 1 tháng ở mức 2,0% (tăng 0,6% và 0,3% so với cuối tháng 3/2018). Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn vẫn đang thấp hơn khoảng từ 1,7 – 3,3 điểm % so với cùng kỳ năm 2017. 

Tính đến cuối tháng 4/2018, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 39 nghìn 673 tỷ đồng.  Lãi suất huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp tương đối ổn định. Lãi suất huy động bình quân ở mức 5,2%, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2017. Lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,9%, trong đó lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 7%-11%; lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 2,4%-7%.

Theo NFSC, do áp lực lạm phát năm 2018 lớn hơn năm 2017 nên việc giảm lãi có thể gặp khó khăn. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt, chủ động hơn nhằm giữ lãi suất ổn định.

Báo cáo của NFSC cho biết, lạm phát tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,05% so với đầu năm và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tiếp tục duy trì ở mức ổn định, tăng 1,34% so với cùng kỳ năm 2017.  

Đọc thêm