Ngày 1/2/1918, trong giới báo chí buổi đầu của đất Nam Kỳ, xuất hiện một tờ báo mới giữa đất Sài Gòn: Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới). Và người chủ bút của tờ báo ấy là bà Sương Nguyệt Anh.
|
Bà Sương Nguyệt Anh nổi tiếng không chỉ vì là nữ chủ bút đầu tiên của đất Nam ta, lại còn là chủ bút của tờ báo đầu tiên dành riêng cho giới nữ mà còn bởi bà chính là con gái của nhà nho, thầy đồ nổi tiếng toàn cõi Nam kỳ lục tỉnh, tức là cụ đồ Chiểu.
Khai sinh là Nguyễn Xuân Khuê, bà là con gái thứ tư trong số 7 người con của cụ đồ Chiểu. Một số báo viết bà là Nguyễn Ngọc Khuê, hoặc Nguyễn Thị Ngọc Khuê nhưng phần đa cho rằng, phải là Xuân Khuê mới hợp, bởi chị bà là Kim Xuyến, chị lót Kim thuộc mùa thu, em lót chữ Xuân là phải. Ngoài tên Xuân Khuê, bà lấy hiệu là Nguyệt Anh. Bà sinh năm Giáp Tý (1864), hai năm sau khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ lọt vào tay Pháp bởi Hiệp ước Nhâm Tuất (1862).
Được nuôi dạy bởi người cha yêu nước, hay chữ nức tiếng đất Nam kỳ buổi ấy, Nguyệt Anh cùng với Kim Xuyến được nhiều người biết đến là giỏi thơ, tốt chữ, văn nhân gần xa xưng tụng là “nhị Kiều”.
Tài năng thơ phú của bà, không chỉ lúc ra làm chủ bút tờ Nữ giới chung mới phát tiết, mà đã nức tiếng đồn từ thuở xuân xanh. Hình dung của bà khi đến tuổi 50, được miêu tả là “hình trạng nho nhã ốm yếu, tính nết điềm đạm hiền lành” (Điếu cổ hạ kim thi tập - Nguyễn Liên Phong).
Dạo cô Khuê đương tuổi xuân xanh, cụ đồ Chiểu sống ở đất Ba Tri, Bến Tre, kiếm kế sinh nhai bằng nghề dạy học và bốc thuốc. Cô Năm Xuân Khuê được nhiều học trò biết đến nên cứ gặp dịp là trêu ghẹo. Có hai anh chàng là Giảng và Xương, buổi ấy đang theo học ở trường quan Ngự sử Lê Đình Lượng, hay đến nhà mượn tiếng chơi cờ và bình luận thơ văn để dò ý cô Khuê. Cô nhân đó liền đọc vế đối: “Đằng tiểu quốc, sự Tề hồ? Sự Sở hồ?”. Nghĩa là:
Đằng quốc xưa nay phận nhỏ nhen,
Trên chi Tề, Sở ép hai bên.
Quay đầu với Sở e Tề giận,
Ngoảnh mặt về Tề sợ Sở ghen.
Hai anh chàng suy nghĩ lung lắm. Rồi anh Xương đối lại rằng: “Ngã đại trượng, phạt Quách hỹ, phạt Sở hỹ”. Nghĩa là:
Có ai đương nổi gậy dài ta,
Ngang dọc tung hoành đủ lối mà.
Đánh Quách ghê hòn quân xếp lá,
Phá tan binh Sở tiếng đồn xa.
(Trích Sương Nguyệt Anh - Nam Xuân Thọ)
Nghe xong, cô Khuê không lấy làm vui, quay gót vào buồng trong, rồi sai tiểu đồng gửi ra cho hai anh kia đôi câu rằng:
Chiêu Quân nhan sắc nghe ra uổng, Tây Tử phong lưu nghĩ lại buồn.
Vương Chiêu Quân và Tây Tử (tức Tây Thi) là hai trong “tứ đại mỹ nhân” Trung Hoa đẹp người mà duyên phận long đong. Nào ngờ, hai câu thơ ấy, như dự báo cái tình duyên không tròn của Nguyệt Anh suốt cuộc đời. Dù văn thơ trác tuyệt trong giới nữ nhi miền Nam, được mệnh danh là Đoàn Thị Điểm của đất Bến Nghé, Đồng Nai, dung nhan cũng thuộc dạng ưa nhìn nhưng đến năm 25 tuổi, cô Khuê chưa trao thân gửi phận nơi nào.
Sau khi cha mất, Xuân Khuê ở cùng anh trai là thầy Ba Sang Nguyễn Đình Chúc tại Ba Tri. Bấy giờ, có tên phủ nọ theo Tây, mến tài sắc của bà mong được kết duyên. Không cam phận “nâng khăn sửa túi” cho kẻ ăn cơm Tây, bà từ chối. Không lấy được cô Khuê, tên tay sai kia lấy làm căm tức, gây khó dễ cho gia đình bà. Anh em bà Khuê phải dắt díu nhau dời về Cái Nứa, rồi Rạch Miễu, Mỹ Tho.
Ở đây, bà Xuân Khuê gá nghĩa cùng ông phó tổng góa vợ Nguyễn Công Trình ở cầu Rạch Ông, có với nhau con gái Nguyễn Thị Vinh (sau này bà Vinh kết duyên cùng ông Mai Lương Ngọc, có con gái Mai Huyền Hoa, là vợ của nhà báo, nhà văn nổi tiếng Phan Văn Hùm). Đang đầm ấm, nào ngờ con gái mới 2 tuổi, ông Trình đã sớm rời cõi trần, từ ấy bà nguyện thủ tiết.
Biết vậy, nhưng nhiều người ngưỡng mộ, vẫn muốn được kết duyên cầm sắt với nữ thi sĩ. Nhiều người gửi hương tình qua thơ văn để mong bà để ý, kể ra không ít, nào thầy Bảy Nguyện đất Mỏ Cày, rồi ông phủ Học, ông bái Liễu đất Mỹ Tho, hay văn hữu Võ Sâm… nhưng hết thảy đều bị bà chối khéo bằng tâm sự qua thơ với quyết tâm “Dòm thấy bụi trần toan đóng cửa, Ngọc lành chi để thẹn danh ô”.
|
Gia cảnh bần hàn, sau đó bà phải dạy chữ Nho để kiếm sống. Sau khi tờ Nữ giới chung ra đời đầu năm 1918 tại đất Sài Gòn, do ông Trần Văn Chim làm chủ nhiệm, bà được mời làm chủ bút của báo.
Tiêu chí của tờ báo là: “Vậy nên tiếng chuông này, dường than thở, dường khuyên lơn, dường khiêu khích. Than là than chị em ta, bấy lâu ẩn chốn khuê môn, nhọc nhằn thân sản dục, ghe phen khổ cực với nhân quần luống công hưởng chút công tấm mẳn, khuyên là khuyên chị em ta, đem phấn son mà trang điểm tài nghề, đem đức hạnh mà trau dồi nhan sắc. Khích là khích chị em ta; tua biết gái lành thi duyên toại, chớ nói rằng chồng quý thì ắt vợ sang. Dầu cho giá đúc nhà vàng mà không( dung), hạnh, công, ngôn thò cũng hổ”.
Tiếc rằng, không lâu sau đó, tờ báo đình bản, tương truyền là do bị hụt vốn; bà lại mắc bệnh đau một con mắt, đành rời đất Sài Gòn về ở nhà người em thứ bảy Nguyễn Đình Chiêm tại Mỹ Chánh Hòa. Bệnh thêm nặng, và cũng giống như người cha, đôi mắt bà bị lòa trong những năm cuối đời. Ngày 12 tháng 11 năm Canh Thân (tức ngày 4/1/1921) bà mất, thọ 58 tuổi.
Ông Thái Bạch, nhân viết về cụ Nguyễn Đình Chiểu, đã trân trọng ngợi ca bà: “Bà là một người phụ nữ đầu tiên làm chủ bút một tờ báo ở nước ta, đồng thời là một người đàn bà có Nho học uyên thâm và văn chương xuất chúng cuối cùng của đất nước trong thời đại bút lông đã phải thay vào bằng bút sắt, bút chì”.
Còn bà Âu Dương Lâm, cháu gọi bà bằng cô ruột, qua hai câu thơ điếu dưới đây đã tổng kết được cái nghiệp của bà: “Trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ. Trăm năm danh rọi chói vừng ô”.
Lại nói, sau khi chồng mất, bà Nguyệt Anh quyết chí “sương cư thử tiết” nên đặt thêm chữ Sương, lấy đó làm bút hiệu của mình. Nhưng lâu nay vẫn có sự nhầm lẫn, nơi thì gọi Sương Nguyệt Anh, nơi ghi rằng Sương Nguyệt Ánh.
Phải xem trong Úc viên thi thoại của Đông Hồ, mục “Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh? Hay Nguyệt Anh thị?” vấn đề này ngõ hầu mới giải được. Theo đó, nhà thơ Đông Hồ (1906 - 1969) cho hay, cụ Đốc Phủ sứ Tô Ngọc Đường là bạn văn của nữ sĩ Nguyệt Anh, từng có ghi về bài thơ Linh Sơn nhất thụ mai và bài Hựu bà Nguyệt Anh làm khi thăm Điện Bà Tây Ninh năm 1901: “Những bài thơ này là của bà sương phụ thầy Phó tổng Tính làm ra, bà bút hiệu là Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu”.
Nguyễn Liên Phong khi viết Điếu cổ hạ kim thi tập, lúc ấy bà Nguyệt Anh còn sống, cũng có ghi rằng: “Cô Nguyễn Thị Khuê, tự Nguyệt Anh, người ở tỉnh Bến Tre quận Ba Tri, là con gái ông Đồ Chiểu”. Thêm đó, ông Phan Văn Hùm, người nổi tiếng với tác phẩm Ngồi tù Khám Lớn, là cháu rể, lấy cháu gái Mai Huyền Hoa của nữ sĩ, cũng đã có nhiều bài viết về bà. Như trên báo Phụ nữ tân văn, ông có bài “Sương Nguyệt Anh và đạo tam hùng”. Vậy là những người thân thuộc với bà đa phần đều xác nhận rõ ràng cái tên Sương Nguyệt Anh bà dùng trên văn đàn sau khi chồng mất.
Dĩ nhiên, theo nhà thơ Đông Hồ cho biết, có lúc bà lại dùng bút hiệu khác, như bút hiệu Miếu giang Nguyệt Anh thị trong bài thơ Lĩnh Sơn nhất thụ mai (Miếu giang là quê chồng bà, chỉ địa danh Rạch Miễu). Còn sự nhầm lẫn mà gọi Sương Nguyệt Ánh của một số người dành cho bà, hẳn là từ cái cớ được lấy từ một câu trong bài thơ Vịnh hoa mai trên núi Điện Bà Tây Ninh của nữ sĩ. Nguyên văn câu đó là: “Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng. SƯƠNG pha bóng NGUYỆT ÁNH màu ngân” (Phần in hoa chúng tôi tự viết để bạn đọc nhận rõ)…/.