Tình người nơi rốn lũ vùng biên

(PLO) - Là huyện vùng biên lại mới được thành lập nên Ia Hdrai được đánh giá là huyện đặc biệt khó khăn về nhiều mặt. Trong những ngày qua, khi cơn lũ lớn đột ngột quét qua càng khiến cuộc sống của người dân nơi đây trở nên tiêu điều, xác xơ… Nhưng trong cảnh hoang tàn đó người ta vẫn thấy những hình ảnh ấm áp tình người. 
Các chiến sĩ công an, bộ đội không quản khó khăn giúp người dân thu dọn đồ đạc, dựng lại nhà cửa sau cơn lũ.
Các chiến sĩ công an, bộ đội không quản khó khăn giúp người dân thu dọn đồ đạc, dựng lại nhà cửa sau cơn lũ.

Cơn lũ lịch sử 

Đêm 8/8, ngày 9/8/2018, cơn lũ lớn bất ngờ quét qua địa bàn các xã biên giới Ia Dal, Ia Tơi thuộc huyện Ia Hdrai (tỉnh Kon Tum) khiến nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, hàng ngàn diện tích hoa màu của bà con nông dân bị ngập úng. Vốn là huyện có địa hình khá cao so với những địa phương khác nên chuyện bị lũ lụt hay ngập úng đối với người dân nơi đây rất bất ngờ. Thậm chí, nhiều người khẳng định rằng đây là lần đầu tiên họ thấy lũ quét ập đến nhanh và hung dữ như vậy. 

Anh Võ Xuân Thắng một người dân trú tại Thôn 3, xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh dòng nước lũ bất ngờ ập xuống: “Từ bé tới giờ tôi mới thấy cơn lũ lớn như vậy, nước từ đầu nguồn đổ về quá nhanh, gia đình tôi chỉ kịp chạy thoát thân. Đồ đạc trong nhà cùng với xưởng gỗ và hàng hóa của khách hàng đặt làm bị cuốn trôi hết, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng”. 

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Ia Dal (huyện Ia Hdrai), mức thiệt hại ban đầu tạm tính có 25 căn nhà bị ngập, 11 căn nhà trong diện di dời khẩn cấp. Cũng vào điểm khi dùng lũ quét qua ngày 8/8, tại đập tràn suối Trung Đoàn có 1 xe máy, ông A Dé1 và ông A Qué (cùng thường trú tại làng Tảng, xã la 0, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bị nước cuốn nhưng rất may không có bị thiệt hại về người.

Lũ quét bất ngờ cuốn trôi nhiều nhà cửa và gây ngập úng diện rộng
Lũ quét bất ngờ cuốn trôi nhiều nhà cửa và gây ngập úng diện rộng

Cũng theo báo cáo của xã, do cơn lũ ập đến bất ngờ lại vào ban đêm nên người dân không kịp di dời nhà cửa, tài sản mà chỉ kịp bỏ chạy để bảo toàn tính mạng. Do đó, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế là khá nặng nề.

Nhiều nông sản, hoa màu của bà con trên địa bàn xã bị nước cuốn trôi hoặc ngập úng nặng. Trên địa bàn xã Ia Dal có khoảng 134 ao nuôi bị tràn gây thiệt hại về thủy sản cho bà con. Bên cạnh đó, mưa lũ chảy mạnh, xiết khiến cho hệ thống giao thông bị hư hỏng nên rất nhiều thôn làng bị cô lập. Theo đó, một số thôn làng như: thôn 2, 5, 6, 7, 8 và thôn la Der và thôn Chư Hem bị cô lập.

Ông A Nhin thuộc xã Ia Tơi buồn rầu đứng nhìn dòng nước quái ác đã cuốn trôi đi tất cả gia tài, hi vọng của gia đình mình: “Năm vừa rồi, nhà mình có đi vay mượn ngân hàng được gần 100 triệu đồng về để đầu tư mô hình kinh tế VAC (vườn - ao - chuồng) với hi vọng phát triển kinh tế gia đình. Đàn bò đang chuẩn bị vào thời kì sinh sản và bán thịt, ao cá cũng chỉ đợi khoảng hơn tháng nữa là có thể bán. Vậy mà, chỉ trong một đêm tất cả đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ biến tôi trở thành người trắng tay…”.

Nỗi niềm riêng của ông A Nhin cũng chính là nỗi lo lắng chung của nhiều hộ gia đình tại huyện Ia Hdrai nơi bị cơn lũ bất ngờ quét qua. Cuộc sống của người dân nơi đây vốn dĩ đã khó khăn nay càng trở nên tiêu điều, xác xơ.

Sẻ chia trong bão lũ

Ngay sau khi xảy ra cơn lũ, chính quyền xã Ia Dal đã huy động mọi lực lượng tiến hành tìm mọi cách tiếp cận các điểm ngập lụt để phối hợp giúp người dân sơ tán và lập các chốt chặn không cho người dân vào khu vực ngập sâu. 

Theo lãnh đạo UBND xã này, đó là cách duy nhất để tránh tình trạng thiệt hại về người. Do người dân trong khu vực đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nên hiểu biết còn hạn chế, nhiều khi không đánh giá hết độ nguy hiểm của dòng nước lũ mà bất chấp để vượt qua. Bên cạnh đó, UBND xã Ia Dal đã bước đầu có hỗ trợ cho 16 gia đình trong diện ngập úng nặng với tổng số tiền là 24 triệu đồng.

Với các hộ dân khác thì chính quyền huyện, xã đã cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước suối, thuốc chữa bệnh… nhằm khắc phục tình trạng khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, UBND huyện Ia Hdrai đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc, công an, dân quân, quân sự huyện cùng di chuyển ra các điểm bị ngập úng nhằm giúp nhân dân thu nhặt tài sản, làm vệ sinh, khám bệnh, phát thuốc và tặng các nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con.

Lũ quét gây ngập úng diện rộng
Lũ quét gây ngập úng diện rộng

Bộ đội biên phòng các đồn trên địa bàn huyện và các vùng giáp ranh cũng nhanh chóng cử lực lượng ra hiện trường để giúp đỡ người dân, cũng như có các biện pháp đề phòng, ngăn chặn sẽ có những cơn lũ ập đến tiếp theo. Nhìn cảnh những cán bộ chiến sĩ công an, dân quân, bộ đội không quản khó khăn, nguy hiểm dầm mình trong dòng nước lạnh giúp đỡ người dân khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng. 

Một chiến sĩ chia sẻ: “Nhìn người dân chỉ sau một đêm trở thành người trắng tay mọi người trong đoàn đều cảm thấy vô cùng xót xa. Nhằm giúp người dân có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này chúng tôi đều tự nguyện dành một phần công sức nhỏ của mình giúp bà con có thể sớm ổn định lại cuộc sống, không phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” sau lũ…”.

Một người dân tại điểm bị lũ cô lập hoàn toàn cho biết: “Lúc đầu, mọi người trong khu vực đều cảm thấy rất hoang mang, tuyệt vọng vì bị lũ cô lập không thể vượt ra bên ngoài. Thế nhưng, khi nhìn thấy những cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội không quản nguy hiểm tìm cách vượt qua dòng thác lũ đến để động viên, giúp đỡ bà con thì hầu hết mọi người cảm thấy an tâm và ấm lòng hơn rất nhiều. Họ không chỉ không quản tính mạng đến tiếp tế cho người dân và còn rất nhiệt tình giúp đỡ mọi người thu dọn tài sản còn sót lại, dựng lại những ngôi nhà hư hỏng… Bà con nơi đây cảm thấy rất mừng và cảm ơn đã được cán bộ quan tâm, chia sẻ trong những lúc khó khăn như thế này”.

Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) khẳng định: “Cơn lũ không gây thiệt hại về người, còn tài sản chưa thống kê được hết trong đó có 10 điểm dân cư bị ngập úng và cô lập nước đã rút. Còn thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, trước mắt huyện huy động các lực lượng rà soát di dời tất cả những hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tổ chức thu dọn các điểm sạt lở, làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cấp thuốc và các nhu yếu phẩm để nhân dân yên tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống”.  

Đọc thêm