Tình người ở Làng Hữu Nghị Việt Nam

(PLVN) - Làng Hữu Nghị Việt Nam, nơi những cựu chiến binh và những đứa con của họ đang ngày đêm vật lộn với cơn đau do di chứng của chất độc da cam/dioxin, hậu quả của hai cuộc chiến tranh ác liệt để lại, nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của tình người và lòng nhân ái, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “Ðền ơn đáp nghĩa”.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi, động viên trẻ em khuyết tật do di chứng của chất độc da cam/dioxin đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi, động viên trẻ em khuyết tật do di chứng của chất độc da cam/dioxin đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Làng.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), ngày 23/7, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Làng Hữu nghị Việt Nam.

Làng Hữu nghị Việt Nam thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập năm 1998, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, già yếu có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em khuyết tật do di chứng chất độc da cam/dioxin là con, cháu người có công với cách mạng.

Làng Hữu nghị Việt Nam là biểu tượng đoàn kết quốc tế vì hòa bình và hữu nghị, sự hợp tác giữa CCB Việt Nam với CCB và tổ chức vì hòa bình hữu nghị 6 nước: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Canada nhằm xoa dịu nỗi đau da cam ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chỉ hơn 10 năm (1961-1971) Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% số đó là da cam trên 1/3 diện tích miền Nam Việt Nam.

Chất độc đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ con người phải hứng chịu. 

Từ buổi đầu đón nhận 6 CCB và 9 trẻ em, đến nay Làng Hữu nghị Việt Nam đã đón nhận hơn 7.000 lượt CCB, TNXP - nạn nhân chất độc da cam/ đioxin của các địa phương từ tỉnh Quảng Bình trở ra các tỉnh phía Bắc được đến điều dưỡng, chăm sóc, chữa trị bệnh tật và gần 700 cháu do ảnh hưởng chất độc da cam /dioxin, các cháu bị nhiều loại bệnh tật khác nhau như di tật vận động, teo cơ, mù câm điếc, tăng động... và thiểu năng trí tuệ. Các cháu về đây không chỉ được nuôi dưỡng mà còn được chăm sóc, dạy dỗ và đào tạo nghề. 

Ông Nguyễn Thắng Long, Giám đốc Làng Hữu Nghị Việt Nam cho biết: “Hiện Làng thường xuyên điều dưỡng, chăm sóc luân lưu trên dưới 200 người gồm các CCB, cựu TNXP và nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Họ là những người mang nhiều bệnh tật, sức khỏe yếu do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, cán bộ, nhân viên của Làng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng. Nhiều trẻ được quan tâm giáo dục đặc biệt cả về thể chất và tinh thần, tìm được việc làm phù hợp, từng bước hòa nhập cộng đồng”.

Ngoài trung tâm y tế tại Làng, các trường hợp bệnh nặng đều được chuyển tới Bệnh viện quân đội 103. Để bảo đảm hậu cần, tại Làng có vườn rau sạch, có khu chăn nuôi lợn, nuôi gà... Từng giờ, từng ngày, các cán bộ, nhân viên của Làng luôn cùng sống, cùng phục vụ các CCB và các em bị ảnh hưởng chất độc da cam với tất cả trách nhiệm cao cả của mình. 

Trong 120 em được nuôi trong Làng, có đến 2/3 là bị thiểu năng trí tuệ, công việc chăm sóc đòi hỏi phải vô cùng kiên trì và tâm huyết. Đối với những em bị khuyết tật nhưng nhận thức bình thường sẽ được xếp vào các lớp học văn hóa, học nghề hoặc phục hồi chức năng, còn những em nhận thức chậm sẽ được xếp vào những lớp giáo dục đặc biệt.

Ngoài các lớp học giáo dục đặc biệt, Làng có 4 lớp học nghề: tin học văn phòng, thêu tranh, may đo và làm thiệp, làm hoa trang trí. Qua việc lao động, vận động, các em phần nào phục hồi chức năng, nâng cao trí lực, để hướng các em có được một nghề sau này có thể tự xoay sở trong cuộc sống.

Đến nay, Làng đã tổ chức cho 570 cháu về hòa nhập cộng đồng, về gia đình, các cháu đã biết giúp đỡ gia đình; 70% các cháu biết tự nấu cơm và chế biến món ăn đơn giản (tự phục vụ), góp phần xóa đi những mặc cảm, làm dịu đi nỗi đau da cam với gia đình và xã hội.

Đánh giá cao kết quả, việc làm của cán bộ, nhân viên Làng Hữu nghị Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Những hoạt động của Làng rất có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh”.

 Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nổi bật là chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công như: Thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách, người có công; xây tặng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; chung sức xây nông thôn mới; tu sửa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ… Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên các chiến trường; tập trung khắc phục hậu quả do bom mìn, chất độc da cam/dioxin để lại…

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và Đoàn công tác đã trao quà của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tặng các CCB, cựu TNXP và con cháu người có công bị nhiễm chất độc da cam/dioxin đang được chăm sóc tại Làng Hữu nghị Việt Nam.

Nhân dịp Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang, Bắc Giang.
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh.
Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) đã đến thăm, tặng quà các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, Hà Nam. Trung tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm TCCT đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) và thăm, tặng quà các gia đình chính sách tại địa phương. 

Đọc thêm