Tỉnh táo trước mạng xã hội về nạn gieo rắc mê tín

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mê tín dị đoan vốn luôn là vấn đề nhạy cảm và nhức nhối trong xã hội từ trước đến nay. Đặc biệt là khi thời đại 4.0 lên ngôi, càng ngày càng có nhiều người lợi dụng mạng xã hội như một công cụ để gieo rắc mê tín đến cho nhiều người hơn. Từ đó gây nên những hệ quả khó lường cho xã hội nói chung và những người mù quáng tin vào mê tín nói riêng.
Tỉnh táo trước mạng xã hội về nạn gieo rắc mê tín

Vô số loại hình mê tín trên mạng

Ở Việt Nam bấy lâu nay, mê tín dị đoan vốn không phải hiện tượng lạ lẫm gì trong đời sống xã hội. Nói rằng mê tín dị đoan có từ thuở “khai thiên lập địa”, từ khi xã hội loài người xuất hiện cũng đúng một phần nào đó. Cho đến nay mê tín dị đoan có mặt trong mọi nền văn hóa, chỉ khác biệt ở mức độ và cách thức con người điều khiển bản thân như thế nào.

Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, giờ đây mê tín dị đoan đã được coi là sự tin tưởng một cách mê muội vào điều hoang đường, dị thường, không hợp với tự nhiên, không có cơ sở khoa học và cần loại trừ khỏi cuộc sống. Nhưng vẫn còn khá nhiều người mù quáng tin vào mê tín dị đoan. Đặc biệt là đối với những người mong muốn đổi vận, phát tài, hay những người gặp khúc mắc trong cuộc sống mà không thể giải quyết được,…

Các hình thức mê tín dị đoan ở nước ta được thể hiện rất đa dạng qua nhiều hình thức như: Lễ bái, cúng tế, xem tướng, bói toán,… Nhưng nếu như ngày trước người dân phải đến trực tiếp các địa điểm như đền, chùa hay nhà riêng của các “thầy, cô” thì mới có thể thực hiện được các hành vi mê tín thì giờ với sự phát triển của công nghệ 4.0, mê tín dị đoan đã có những biến thể phù hợp với thời đại thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,… Nhờ đó mà các “thầy, cô” chỉ cần ngồi nhà online và phán mà cũng kiếm ra tiền.

Giống như ở ngoài đời thực, trên mạng cũng có vô số các loại hình tâm linh với thủ đoạn tinh vi và khó lường. Trong đó, mạng xã hội được sử dụng để “buôn thánh, bán thần” điển hình nhất có lẽ là Facebook. Lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội này, không ít người đã khoác trên mình những tên gọi như “thầy đồng”, “cô đồng” để kiếm tiền trên lòng tin của nhiều người. Không khó để bắt gặp những nick Facebook lấy mác “đồng cốt” có số lượt theo dõi và lượt thích lên đến hàng chục nghìn.

Những “thầy, cô” này chuyên tự nhận mình là có căn ông này, bà kia, ăn lộc trời,… nên có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của con người. Sau đó, mỗi ngày thông qua livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán với lượt tương tác rất cao, lên đến hàng nghìn người mỗi tối. Hình thức xem bói thì rất đơn giản, chỉ cần cung cấp tên tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán,… hay cả số điện thoại, số chứng minh nhân dân,…

Chỉ với vài động tác tráo bài tú lơ khơ rồi trải bài ra, là các “thầy, cô” đã có thể phán chuyện tiền tài, tình cảm, chuyện từ nhà ra ngõ của người xem rồi. Thậm chí phán cả những câu chuyện tâm linh như nhà có người âm quậy phá, duyên âm,… đánh trúng vào tâm lý mê tín của mọi người.

Từ đó các đối tượng thu tiền của “con mồi” thông qua hình thức cúng lễ giải hạn hoặc bán các đồ liên quan đến tâm linh như vòng thỉnh chùa, bùa may mắn, chỉ đỏ,… Với giá cúng lễ giải hạn thường dao động từ 1 triệu đến 5 – 6 triệu cũng có, tuỳ vào mức độ tin tưởng của “con mồi” mà các “thầy, cô” ra giá. Nói đây là trò lừa bịp, lợi dụng lòng tin bởi chỉ một sợi chỉ đỏ hay một tờ giấy vô tri vô giác mà các đối tượng bán với giá 100 – 1 triệu. Ví dụ 100 người mua thì họ đã thu được 10 triệu rồi. 

Còn với mỗi buổi giải hạn, các đối tượng thu được rất nhiều tiền nhưng người cần giải hạn thì không tham gia trực tiếp. Chỉ nhận được hình ảnh bàn lễ cùng với những lời lẽ ngon ngọt: “Cô ăn lộc tứ phủ làm việc cửa quan 5-6 năm nay, chuyện tâm linh cô không nói sai cũng chưa ai từng chê trách, nay cô đã làm lễ giải hạn cho con rồi con yên tâm. Khi nào nhà con có kết quả rồi đừng quên báo lại cô nghe con”. Đôi khi một bàn lễ nhưng lại được trưng dụng cho rất nhiều người, đúng là vừa không mất nhiều công mà lại được nhiều tiền.

Hình ảnh Kumanthong trên Tiktok.
Hình ảnh Kumanthong trên Tiktok. 

Bên cạnh Facebook, mới nổi thời gian gần đây và vô cùng “hot” trong giới trẻ còn có nền tảng xã hội Tiktok. Cũng có cùng tính năng livestream như Facebook và có nhiều người xem nên đây cũng nơi béo bở để các đối tượng “săn mồi”. Trên đây bói toán hay buôn bán tâm linh đều đủ cả nhưng đặc biệt còn có một hình thức mới đó là livestream bán Kumanthong. 

Hình ảnh cô gái livestream để búp bê Kumanthong trước camera với lon nước ngọt và rất nhiều bánh kẹo được hàng nghìn lượt xem và bình luận mua bán qua lại. Không chỉ một mà có rất nhiều tài khoản đều đăng tải những clip nội dung như vậy. Tài khoản có tên P.H.T có hơn 27.000 lượt theo dõi đã đăng hàng trăm clip với cùng nội dung mua bán Kumanthong. Trong một đoạn clip, tài khoản này đăng hình ảnh một búp bê Kumanthong kèm lời nhắn: “Con mới về nước, con chuyên về đỏ đen, làm ăn. Ba mẹ nào đánh bài, cá cược, cầu xin số lô đề nên thỉnh con nha. Con độ về đỏ đen rất mạnh…”.

Có thể thấy được, mạng xã hội giờ đang trở thành “đất dụng võ” của các “thầy, cô đồng” rởm nhằm kiếm chác tiền từ những người mê tín dị đoan. Không chỉ một mà vô số các loại hình mê tín đang ngang nhiên hoành hành khắp các trang mạng xã hội mỗi ngày. 

Cần tỉnh táo trước những chiêu trò

Dẫu đã có rất nhiều bài báo, tin tức cảnh báo mọi người cần phải cảnh giác với các chiêu trò mê tín dị đoan từ bao lâu nay. Nhưng vẫn có rất nhiều người “ngu muội” tin vào những lời nói ngon, nói ngọt của các đối tượng để rồi bị lừa. 

Trường hợp của chị L.H.T (37 tuổi, Hà Nội), có tham gia xem bói online của một “cô đồng” trên Facebook và bị lừa số tiền lên đến 6 triệu. Theo lời chị kể, năm ngoái chị có xem bói online và được “cô đồng” phán cho là năm nay năm tuổi nên rất hạn, sẽ bị mất của và sức khoẻ, gia đình dễ đổ vỡ. Cô còn phán chắc nịch: “Đây là cái hạn kinh khủng nhất trong cung mệnh đời con, nếu không làm lễ giải hạn thì con sẽ mất hết cả tiền tài, danh vọng”. Nghe thấy thế, đánh trúng tâm lý yếu bóng vía, chị L.H.T vội vã nghe theo lời “cô đồng” thực hiện lễ giải hạn. Chị đã làm hai lần dâng lễ, một lần 2 triệu và một lần 4 triệu. 

Sau khi làm lễ một thời gian sau chị L.H.T vẫn bị mất tiền, làm ăn thua lỗ. Khi quay lại hỏi “cô đồng” thì cô lại kêu: “Hạn này của con mạnh quá, cúng bái như thế vẫn chưa đủ, lại còn có người âm phá nữa. Cô khuyên con nên đầu tư thêm 5 triệu nữa, cô làm lễ dâng lên chùa, đảm bảo hết hạn”. Nghe đến đây chị L.H.T mới tỉnh ra và biết là mình bị lừa. Thực chất chả có giải hạn gì ở đây cả, chỉ là chiêu trò moi tiền của “cô đồng” mà thôi.

Những trường hợp bị lừa tiền giống như chị L.H.T không hề ít, thậm chí còn có người bị lừa nhiều hơn. Nhưng có một sự thật là những nạn nhân bị lừa chỉ biết ngậm ngùi tự trách bản thân quá tin vào mê tín dị đoan chứ không thể làm gì khác. Bởi với mỗi thoả thuận như vậy đều là nạn nhân tự nguyện, không có sự ép buộc và danh tính của các “thầy, cô đồng” cũng không rõ ràng. Khi có dấu hiệu bị bại lộ, nhiều “thầy, cô đồng” đã nhanh chóng cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Có thể thấy được tình trạng kinh doanh vấn đề tâm linh đang ngày càng tràn lan và phát triển bởi lợi nhuận khủng mà nó mang lại. Nhất là khi những quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tạo kẽ hở, tạo điều kiện cho những kẻ “buôn thánh, bán thần” online lách luật tinh vi. Chưa kể, không ít người lợi dụng niềm tin của con người không chỉ để trục lợi về mặt kinh tế mà còn để gieo rắc những điều kỳ quái, gây hoang mang trong cộng đồng hoặc muốn được nổi tiếng.

Chính vì những bất cập đó nên mỗi người cần phải tự bảo vệ chính mình khỏi những chiêu trò lừa đảo mê tín dị đoan. Cần nâng cao nhận thức rõ rằng mê tín dị đoan là hiện tượng tiêu cực, cần phải bài trừ khỏi xã hội. Và cuối cùng là hãy giữ cho mình sự tỉnh táo trước mạng xã hội – công cụ gieo rắc mê tín dị đoan của rất nhiều đối tượng xấu, đừng để “tiền mất, tật mang” ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình. 

Đọc thêm