Chưa gặp mặt vẫn quyết định cưới
Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp, Trịnh Thu Hường (SN 1979) là nhân viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Do đặc thù công việc, chị theo học một lớp tiếng Anh nên thường lên mạng tìm bạn nước ngoài nói chuyện để nâng cao trình độ. Avatar (hình đại diện) bằng hình ảnh súng ống của một người vừa “bụp” vào nick của mình khiến Hường tò mò. Và sự tò mò này dường như là sự tình cờ của số phận, khi nó là nguồn khởi phát những cuộc chuyện trò kéo dài hàng tiếng đồng hồ mà không có dấu hiệu dừng lại giữa hai người.
Kamal Dangi (SN 1971) là con trai của một gia đình danh gia vọng tộc của Ấn Độ. Bố anh từng là Cựu bộ trưởng, được nhiều người dân Ấn Độ ở nhiều vùng yêu mến. Kamal đã có thời gian phục vụ trong lực lượng cảnh sát rồi chuyển sang quân đội. Cảm thấy không phù hợp với môi trường này, anh lại xin nghỉ.
Kamal ra quân nhưng vẫn ham mê cầm súng, anh gia nhập làng thể thao, trở thành một vận động viên bắn súng và cũng đã “găm” cho mình vài huy chương trong các giải thể thao toàn quốc. Trong những lúc rỗi rãi, Kamal thường lên mạng chuyện trò với những người ở cách xa mình, bởi dường như anh cảm giác không hợp với cuộc sống xung quanh. Và một lần tình cờ, anh đã gặp được nhân duyên của đời mình.
Một chàng trai độc thân chuẩn bị bước vào “ngưỡng ế” và một cô gái gần 30 chưa có người yêu không hiểu sao lại hợp nhau một cách kỳ lạ. Kamal cảm thấy cô gái ấy rất đặc biệt, nhất là cách trò chuyện tưng tửng không giống với phần đông phụ nữ. Họ nghiện nói chuyện với nhau đến độ hôm nào mà không nói chuyện với nhau được 2 tiếng là không yên, không làm được việc gì và cũng chẳng thể ngủ được.
Sau nửa năm “chát chít” qua lại, Kamal ngỏ lời yêu. Hường lưỡng lự vì thời gian quen nhau chưa nhiều, sợ chưa hiểu hết nhau. Cô dùng nhiều lời lẽ để nói về những khó khăn sẽ nảy sinh nếu hai người yêu nhau. Cô cũng nhân tiện bảo “hình em gửi có chỉnh sửa rồi đấy, bên ngoài không được như thế đâu”… nhưng Kamal bảo “không quan tâm” và vẫn quyết liệt tỏ tình, đồng thời muốn có câu trả lời ngay.
Bị “dồn vào chân tường”, Hường có chút lo lắng nên đề nghị cứ tiếp tục làm bạn. Kamal phản ứng mạnh mẽ, bảo rằng: “Với tôi không có chuyện bạn bè gì giữa hai người khác giới đến từ hai đất nước xa lạ. Nếu bạn không đồng ý, chúng ta sẽ chấm dứt nói chuyện”.
Hường nhớ lại: “Quả thật, để nhận lời yêu một người chưa bao giờ gặp mặt là điều khiến mình rất băn khoăn nhưng giây phút ấy, sự quyết tâm của anh như một động lực nên mình đã nhận lời”.
Chưa đầy 2 tuần sau anh ra quyết định “qua Việt Nam xin cưới em”. Hường choáng váng. Hai người chưa từng gặp mặt. Hai gia đình cũng chưa biết gì về nhau. Tâm sự về chuyện của mình để nhận được lời khuyên thì toàn những ý… bàn lùi. Nào là “Biết đâu đây là cái bẫy của bọn buôn người”, “Có thể cậu ta được thuê đi cưới hộ cho một lão già đang ngồi trên xe lăn nào đó” … Có hàng trăm lời khuyên, hàng ngàn lý do để mọi người cho rằng đây là một cuộc hôn nhân vô cùng mạo hiểm.
|
Vợ chồng chị Hường. |
Ngay cả gia đình cũng rất hoài nghi và can ngăn chị phải suy nghĩ thật kỹ. Chị quyết định bảo với Kamal chờ thêm khoảng một năm nữa hãy nghĩ đến chuyện cưới xin bởi bản thân anh lúc ấy vẫn chưa có công việc ổn định. Kamal thành thật bảo “nhưng anh đã nhiều tuổi rồi”. Chỉ bằng một chia sẻ thật thà như thế, Hường đồng ý để gia đình anh sang Việt Nam gặp mặt gia đình và hỏi cưới luôn.
Đi cùng Hường bất cứ nơi đâu…
Ở bên kia biên giới, gia đình anh cũng vô cùng ngỡ ngàng khi nghe anh bảo mang lễ vật sang Việt Nam cưới một cô gái quen qua mạng. Họ ngỡ ngàng một phần vì Kamal từng tuyên bố “sẽ ở vậy suốt đời” chỉ vì e ngại những cuộc sống vợ chồng mà anh từng chứng kiến. Cũng có nhiều lời can ngăn Kamal rằng: “Cô ấy và cậu chưa từng gặp nhau, chỉ vài cuộc trò chuyện mà đồng ý làm vợ thì thật kỳ lạ. Nếu cô ấy là người đàng hoàng thì chắc chắn không có quyết định vội vàng như thế”.
Gia đình anh mừng nhưng vẫn lo lắng cuộc hôn nhân khác biệt về văn hóa sẽ có nhiều hệ lụy, sợ cô gái Việt Nam sẽ không thể làm quen được… Nhưng mặc kệ những can ngăn, anh vẫn tin vào cảm giác của bản thân và đặc biệt là thứ “tôn giáo tình yêu” đang tồn tại giữa hai người.
Ngày 25/3/2006, gia đình Kamal xuất hiện ở sân bay Nội Bài. Hai người chỉ có 5 ngày để chụp ảnh cưới, làm các thủ tục ăn hỏi theo đúng truyền thống Việt Nam. Sau đó, gia đình anh về nước còn Kamal được yêu cầu ở lại Việt Nam ba tháng để bố mẹ vợ xem “có đủ độ tin cậy hay không”.
Nhưng chỉ được một tháng, visa hết hạn nên anh phải về nước. Vừa tiễn chồng về Ấn Độ, Hường lại nhận được lời khuyên “nên làm đơn xin nghỉ việc” vì làm trong môi trường quân đội không được phép lấy chồng ngoại quốc. Hụt hẫng vì xa chồng mới cưới lại mất công việc, Hường buồn bã. Kamal vì thương nhớ vợ, vội vàng thu xếp xin quay trở lại Việt Nam đưa Hường về Ấn Độ sinh sống.
Sau khi về Ấn Độ được vài tháng, Hường mang bầu và nghén nặng. Đồ ăn quê chồng lại không hợp khẩu vị nên để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con, họ quyết định trở lại Việt Nam. Lúc này khó khăn mới thực sự bắt đầu bởi cả hai đều không có việc làm.
Hường tâm sự: “Trước khi cưới, mình vẫn cho rằng mình rất dễ thích nghi với cuộc sống nên sống ở đâu cũng được, miễn là được ở bên nhau. Công việc sẽ từ từ có, không thể chết đói được nên dù biết anh chưa có nghề nghiệp, mình cũng chưa một lần do dự. Nhưng đến khi bập vào cuộc sống gia đình mới biết đời không như mình tưởng tượng. Tuy nhiên, những khó khăn này lại càng làm vợ chồng mình gắn bó và yêu thương nhau hơn”.
Hường thì mang bầu, chồng Hường không biết tiếng Việt. Thương các con, bố mẹ chị quyết định sẽ hỗ trợ hai vợ chồng một thời gian, chờ khi cháu ngoại cứng cáp thì sẽ để họ tự bươn chải với cuộc sống. “Khi nghe bố mẹ vợ bảo sẽ hỗ trợ, tôi rất bất ngờ, thực sự bất ngờ. Bởi ở đất nước tôi, đàn ông muốn lấy vợ phải có nhà cửa ổn định, có việc làm đàng hoàng và phải chịu trách nhiệm nuôi vợ”, Kamal vừa kể vừa nhìn vợ đầy dịu dàng, dường như anh chưa thể quên được cảm xúc của mình khi nghe quyết định của bố mẹ vợ.
Hiện tại, công việc kinh doanh của anh chị rất phát triển dù lần kinh doanh đầu tiên thất bại. Cuộc sống hiện nay có được cũng bắt nguồn từ nhiều lần hai vợ chồng đi về Việt Nam - Ấn Độ để tìm ra được môi trường sống thích hợp nhất. Cửa hàng đá quý của họ rất đông khách và phần nhiều là khách quen, dù ở một vị trí khá khuất trên đường Đại Cồ Việt.
Chị Hường nhìn chồng đầy biết ơn rồi tâm tình: “Kamal rất chiều vợ. Nếu không vì mình, chắc chắn anh sẽ không chịu ở Việt Nam đâu vì trong thâm tâm, anh rất yêu quê hương và muốn định cư lâu dài ở Ấn Độ”. Kamal hiểu được điều người vợ vừa chia sẻ với tôi, anh nhìn vợ cười rồi ngọng nghịu nói: “Ở đâu cũng được, miễn là vợ hạnh phúc thì Việt Nam hay bất kỳ nước nào anh cũng sẵn sàng”./.