Tổ chức thi hành pháp luật: Nhiều hạn chế

 Tình trạng pháp luật không được thực thi triệt để xảy ra trên nhiều lĩnh vực (quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn vệ sinh thực phẩm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...), mà nguyên nhân chính là từ yếu tố con người.

 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ đã bước đầu tạo nên những chuyển biến khá cơ bản, tích cực cả về nội dung, hình thức của hệ thống các văn bản pháp luật và kỹ thuật lập pháp làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hội nhập quốc tế. Song song với việc hoàn thiện pháp luật là những chuyển biến tích cực trong tổ chức thi hành pháp luật.

Ảnh :MH

Những kết quả này đã được chính các chuyên gia của Cơ quan phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao và coi đó là nền tảng cho Việt Nam tiếp tục củng cố hệ thống pháp luật, hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN như mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, “vấn đề của Việt Nam không phải là ở qui định pháp luật mà là ở thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống”.

Thực vậy, so với công tác xây dựng pháp luật, công tác tổ chức thi hành pháp luật bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Ông Nicholas Brooth (Cố vấn chính sách về pháp quyền và tiếp cận công lý – UNDP tại Việt Nam) dẫn chứng, qui định pháp luật Việt Nam về quyền đến trường của trẻ em có HIV/AIDS là rất tốt nhưng nếu không trường nào nhận thì các em có HIV/AIDS cũng không thể được đi học, hay quyền của người vợ được thừa kế tài sản của chồng đều được qui định nhưng trong thực tế, vẫn nhiều người vợ không được hưởng chút gì trong khối tài sản đó...

Tình trạng pháp luật không được thực thi triệt để xảy ra trên nhiều lĩnh vực (quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn vệ sinh thực phẩm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...), mà nguyên nhân chính là từ yếu tố con người.

Vậy là một lần nữa, vấn đề thực thi pháp luật lại được nhắc đến như một hạn chế, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật và bộ máy quản lý Nhà nước của nước ta. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật là cần thiết không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà trong cả những giai đoạn tới.

Trong đó, cần tổ chức chuyên trách tại các bộ, ngành chính quyền địa phương thực hiện công tác theo dõi tinh hình thi hành pháp luật, xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, phát triển các cơ sở đào tạo luật và chức danh tư pháp để đủ điều kiện đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu thực thi pháp luật...

Có như vậy, việc thực thi pháp luật mới đạt yêu cầu!

Hương Giang 

Đọc thêm