Đơn cử như ngày 26/11, đoạn phát trực tiếp được đăng tải trên trang cá nhân của một người sống tại Hà Tĩnh đã làm cho dư luận kinh sợ vì mức độ dã man. Đoạn phát trực tiếp 6 phút ghi lại cả quá trình nhóm thanh niên gồm 5 người đã ra tay giết hại một chú khỉ nghi hoang dã, rồi ăn óc sống của chú khỉ bị giết.
Trong khi cơ quan công an còn đang tiến hành điều tra và xử lý vụ việc, thì dư luận lại tiếp tục sôi sục với những hình ảnh do một thanh niên khác đăng tải lên Facebook hình ảnh giết hại khỉ rừng ghê rợn. Cạnh dòng chữ “Hà Tĩnh đón chào cậu ba cũng là đầu tháng làm tí cho may mắn nà” là những hình ảnh chú khỉ bị giết chết, cạo sạch lông nằm co quắp...
Không chỉ có khỉ mà bất cứ động vật hoang dã nào cũng có thể trở thành “mồi nhậu”, thành “chiến công” của những người thiếu hiểu biết và tàn nhẫn với động vật. Đầu năm nay, một nhóm ngư dân trên biển đã khiến dư luận bàng hoàng khi đăng tải lên mạng quá trình hành hạ và giết hại một chú rùa biển: Nhóm người này cưỡi lên rùa biển để chơi đùa, sau đó lột mai, mổ bụng ăn thịt, và quay cận cảnh chú rùa bị mổ bụng, trong khi nội tạng còn thoi thóp, khiến nhiều người yêu động vật phải rớt nước mắt.
Không chỉ giết hại động vật hoang dã để ăn thịt và khoe “thành tích” ăn nhậu, một bộ phận thanh niên khác còn có thú vui bệnh hoạn là hành hạ thú vật, vật nuôi để làm trò vui. Cộng đồng mạng, đặc biệt là những người yêu chó, mèo đang rất phẫn nộ trước hành vi độc ác của một thanh niên có nick Facebook Tiger Nguyễn. Anh này đã đăng tải clip mình quẳng một con mèo con vào chuồng một bò sát để con vật này ăn thịt chú mèo. Đáng nói là chú mèo này do anh ta đi xin được của một người nuôi mèo khác với lý do “về nuôi”. Cách đó không lâu, một nam thanh niên khách đã đăng tải clip nhốt chú mèo vào lồng rồi dìm xuống nước nhiều lần cho đến chết cùng với những lời nói hết sức nhẫn tâm, phản cảm.
Những sự việc đối xử tàn nhẫn với động vật như thế liên tục xảy ra trong thời gian này đặt ra một câu hỏi: Phải chăng đang tồn tại một sự lệch lạc, méo mó trong nhận thức của một bộ phận người trẻ Việt, dẫn đến coi những hành động mang tính dã man là bình thường, thậm chí tự hào?
Để bảo vệ động vật hoang dã, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tính hiệu lực của pháp luật trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào cá nhân, cơ quan thực thi. Và vì thế mà “nước mắt” động vật hoang dã vẫn chảy. Đã đến lúc, cần có sự giáo dục, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về ý thức bảo vệ động vật hoang dã, về hành xử và tình yêu thương đối với các giống loài khác, để không có những tội ác có thể nảy mầm từ những xuất phát điểm sai lệch như thế!