Tôn giả La Hầu La chứng quả A La Hán khi mới 20 tuổi

(PLVN) - Mật hạnh là việc làm thiện hạnh giữ kín không tiết lộ, nhân gian thường nói đó là tích âm đức hay còn gọi là âm công. Có quan niệm cho rằng làm việc nhân đức trên dương gian đều được ghi công ở âm phủ.
Tôn giả La Hầu La chứng quả A La Hán khi mới 20 tuổi

Chứng quả A La Hán lúc 20 tuổi

Ví như ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh của đức Phật, mỗi ngày cầm bình bát khất thực, rửa chân ngồi thiền, hành hóa thuyết pháp, khiến chúng sinh nhập Phật tri kiến, chính là mật hạnh. Lại ví như La Hầu La sám hối sửa lỗi, giữ vững thanh tịnh giới hạnh, trở thành đệ nhất mật hạnh trong đệ tử Phật.

Hình ảnh Sa di La Hầu La trong Giáo hội Nguyên thủy cho đến ngàn sau vẫn là hình ảnh tuyệt đẹp của một thiên thần bé nhỏ, xuất gia từ lúc ấu thời và cuối cùng cũng đã sánh vai với chư Thánh trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Ngài không chỉ mở đường cho chính mình, mà còn mở đường cho vô số chú tiểu bé nhỏ khác trên khắp thế giới, trong mọi thời đại, bước vào vòm trời cao rộng siêu thoát của nếp sống Thiền môn.

Ngài là con ruột của thái tử Tất Đạt Đa. Sau khi xuất gia thì La Hầu La là người có quyền thừa kế vương vị của thành Ca Tỳ La. Năm Ngài lên bảy tuổi cũng là lúc đức Phật về thăm lại quê nhà lần đầu tiên, Ngài đã thân hành theo Phật và đức Phật đã giao việc giáo hóa cho Tôn giả Xá Lợi Phất.

Để tẩy trừ được thói vương giả, quen chỉ tay năm ngón của La Hầu La nên đức Phật bảo Xá Lợi Phất giao cho La Hầu La công việc hàng ngày quét dọn tinh xá. Một hôm khác, Tôn giả cùng với Xá Lợi Phất vào thành khất thực, có một số thanh niên mất dạy đã bỏ cát cùng với cơm vào trong bình bát, rồi dùng gậy đánh lên đầu của La Hầu La. Nhìn gương mặt bừng bừng tức giận La Hầu La, Tôn giả Xá Lợi Phất ôn tồn khuyên bảo:

Nếu là đệ tử Phật, người nên có tinh thần nhẫn nhục, không nên cưu hận trong lòng mà thay vào đó nên luyện tập tâm từ bi thương hại cho chúng sanh, vinh nhục khen chê không đáng để chúng ta quan tâm. Đức Phật đã dạy rằng trên thế gian này không có một sức mạnh nào sánh bằng sự nhẫn nhục.

Sự việc này sau khi Phật biết Phật đã dạy thêm rằng: Này La Hầu La! Người không biết nhẫn nhục không thể thấy Phật, thuận Pháp, gần Tăng, thường bị đọa lạc vào đường dữ. Có nhẫn nhục mới có bình an, mới tiêu trừ được họa hoạn, khai thông trí tuệ.

Trí tuệ tối cao là con đẻ của nhẫn nhục. Người có trí tuệ mới thấy được quả báo thâm viễn, khắc phục sân tâm, thường hành tinh tấn, thể hiện chân tinh thần và chân ý nghĩa của Phật pháp hòa hợp với thế tục mà không bị ô nhiễm. Nhẫn nhục là tăng thượng duyên của đạo pháp, giúp hành giả sớm chứng giải thoát.

 

Nhờ vào sự giáo hóa của Phật và Xá Lợi Phất nên La Hầu La dần bỏ được tính nóng nảy của thói vương giả. Duy chỉ có cái tật hay nói dối, bông đùa để nhằm mua vui thì không sửa được. Nhằm giúp La Hầu La sửa tật này, một hôm Phật bảo La Hầu La mang cho Ngài một chậu nước để Phật rửa chân, rửa chân xong, đức Phật bảo:

Nước này không thể uống được vì đã ô uế. Nước đã ô uế không dùng được, tâm cũng vậy, mang danh xuất gia mà không tinh tấn tu học, không giữ gìn lời nói, lòng tràng đầy ba ô uế thì cũng như chậu nước này vậy. Đã không dùng thì nên bỏ đi.

Phật bảo La Hầu La mang chậu nước đi đổ, một lát sau La Hầu La mang chậu không về. Phật nói tiếp: Chậu này không dùng được vì mặt chậu bám đầy chất dơ. Chậu dơ không dùng được, thân thể cũng thế, mang danh xuất gia mà không tu giới định huệ, không thanh tịnh thân khẩu ý, mình dính đầy ba độc cấu uế thì có khác gì cái chậu dơ này. Đã không dùng đến thì thà đập bể còn hơn. Phật đá nhẹ vào khiến cái chậu vỡ làm đôi. Hỏi: Nhà ngươi có tiếc cái chậu không?

Thưa không, vì là chậu dơ, La Hầu La đáp. Này La Hầu La nhà ngươi không tiếc cái chậu dơ như thế nào thì Tăng đoàn không tiếc người dơ như thế ấy. Mang danh xuất gia mà không giữ uy nghiêm, hý ngôn lộng ngữ thì ai mà thương mến nhà ngươi cho được.

Sau đó, đức Phật chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình. “Cái gương dùng để làm gì?”, Ngài hỏi. “Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi”, La Hầu La đáp. Đức Phật lại dạy: “Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm”.

Từ đó, La Hầu La thề quyết tâm hoán cải, nghiêm trì giới luật, tinh tấn đạo tâm, suốt ngày kín tiếng lặng hơi, quyết luyện mật hạnh. 

Tu như vậy mấy năm liền mà vẫn không có kết quả, nhưng nhân một hôm chỉ nghe một câu nói của Phật mà thoát nhiên khai ngộ. Hôm ấy đi du hóa Phật nhìn cảnh đẹp xung quanh mà bảo với La Hầu La rằng:

Hãy nhìn vào cảnh vật sum suê kia rồi sau đó nhìn vào tâm của mình, để xem thử có cái gì đứng yên một chỗ không? Vô thường! Vô thường tất cả! Nên biết như thế mà đừng để tâm chấp trước vướng mắt vào đâu hết.

Sau một thời gian chăm chú luyện mật hạnh, câu nói trên đây của Phật như có sấm đập vào màn nhĩ, khiến La Hầu La thấy choáng váng bèn xin đức Phật cho phép về tịnh xá ngồi thiền.

Phật du hóa về cho gọi La Hầu La lên bảo: Này La Hầu La! Thầy đã chứng được tận cùng của mật hạnh rồi đấy. Giờ đây hãy mở rộng lòng từ bi, dung nạp tất cả chúng sanh vào lòng. Dung nạp tất cả chúng sanh vào lòng thì tội ác dứt trừ. Bờ đại giác đã gần kề. Lúc đó La Hầu La mới 20 tuổi.

La Hầu La nhập Niết Bàn

Về sự đản sinh và niết bàn của La Hầu La có hai truyền thuyết: Một thuyết cho rằng La Hầu La ra đời năm Thái tử Tất Đạt Đa 19 tuổi, thuyết khác cho rằng La Hầu La chào đời năm Thái Tử Tất Đạt Đa 25 tuổi. Về năm Niết Bàn của La Hầu La cũng có hai truyền thuyết. Một thuyết nói La Hầu La Niết bàn trước Phật vài năm, thuyết khác ghi khi Phật Niết Bàn La Hầu La còn quỳ bên Phật. Theo truyền ký Da Du Đà La cùng tuổi với Phật, nhưng niết bàn năm 78 tuổi như thế là trước Phật 2 năm. Còn La Hầu La niết bàn không quá 50 tuổi trước cả Phật và Da Du Đà La.

Trong hàng Thánh chúng, La Hầu La là vị tu chứng trẻ nhất, lúc mới 20 tuổi. Đúng là mê nhất kiếp ngộ nhất thời, vừa vâng lời Phật bỏ tính ham chơi của tuổi trẻ, tu chẳng bao lâu La Hầu La liền chứng thánh vị. Lúc còn là chú tiểu và cả lúc đã thọ sa di, La Hầu La biểu thị tính hồn nhiên, thơ ngây, nghịch ngợm của tuổi trẻ ngày xưa. 

Bởi thế sau khi nghe giáo huấn của Phật và Tôn Giả Xá Lợi Phất, La Hầu La đã dễ dàng loại trừ những trò chơi trêu chọc nghịch ngợm và gia công trau dồi oai nghi tế hạnh, để chứng thánh quả. 

Người xưa có nói: "Hữu hoạn bất tài, hà hoạn vô vị", nghĩa là chỉ sợ không tài, lo gì không có địa vị. Đối với cuộc đời, người có tài đức nếu vì một lý do nào đó không thành công thì cũng thành nhân. Tôn giả La Hầu La nhờ âm thầm bỏ công rèn luyện oai nghi tế hạnh nên đã trở thành vị Mật Hạnh Đệ Nhất ngay lúc tuổi còn trẻ.

Trong công tác của giáo đoàn, dù không có những hoạt động sôi nổi như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên... nhưng đã chứng Thánh quả A La Hán, Mật Hạnh đệ nhất, La Hầu La đã có vị thế lâu dài trong hàng Thánh chúng Thập đại đệ tử của Đức Phật.

Đọc thêm