Hạnh bố thí của Tu Bồ Đề
Trong các sách sử, các đệ tử Phật đều có ghi chép lịch sử hoặc nhiều hoặc ít, riêng Tu Bồ Đề không có ghi chép về gia thế dòng họ. Tuy nhiên trong kinh điển Bắc Tông có chép về truyền thuyết sự tích của Tu Bồ Đề qua một vài chi tiết.
Tôn giả chào đời ngay trong lúc gia đình như thiếu may mắn, tất cả tài sản vơi cạn, kho lẫm trống trơn một cách khó hiểu. Cả nhà đều lo sợ, nhiều người cho là điềm lạ kéo đến quan sát luận bàn và cuối cùng đều quyết đoán đứa trẻ ra đời là một điềm lành, ngày sau đứa bé sẽ trở thành một nhân vật phi thường.
Dựa theo sự quyết đoán của số đông, bà mẹ đặt tên cho đứa bé là Tu Bồ Đề, có nghĩa là không sanh hay Thiện Cát, tốt lành, hay Thiện Hiện, hiện điềm tốt. Quả thật về sau gia đình gặp nhiều điều may mắn, trở lại giàu có, tiền của tràn đầy. Tuy tuổi còn nhỏ Tu Bồ Đề không mấy thiết tha với tài lợi, cha mẹ cho bất cứ một vật gì Tu Bồ Đề đem bố thí hết cho người thiếu thốn. Với trí thông minh xét thấy muôn vật đều hư giả, trống không, tự thể cũng mất khả năng chủ động, bởi thế khi gặp Đức Phật Tu Bồ Đề liền xin xuất gia.
Vì sẵn có từ tâm hay thương người nghèo khó, từ hồi còn nhỏ ở với cha mẹ Tu Bồ Đề thường đem của cải ban bố cho người. Nhiều lần bị cha mẹ rầy la, Ngài vẫn không từ bỏ hạnh bố thí. Bởi thế sau khi theo Phật mỗi sáng đi khất thực, Tôn giả không nỡ dừng bước trước cửa những ngôi nhà lụp xụp xơ xác, có vẻ nghèo nàn, dù xa đến đâu Ngài cũng đến khất thực những gia đình giàu có.
Đức Phật giảng pháp cho 5 đại đệ tử. |
Với phong cách khất thực của Tôn giả, các đệ tử của Phật cho là khác thường và chẳng rõ vì sao? Bởi theo pháp hành hóa của Phật, Tỳ kheo phải tuần tự khất thực trước mỗi nhà dù nghèo hay là giàu đều phải dừng bước để cho người gieo giống phước điền. Đằng này, mỗi sáng ra khỏi Tịnh Xá Tôn giả tách đoàn đi riêng và tránh xa nhà nghèo, dù đôi lúc phải mang bát không về, chịu đói. Có người hỏi lý do, Ngài giải thích:
Khất phú hay khuất bần cũng đều vì lợi ích chúng sanh cả, nhưng khất người nghèo là tước đoạt phần ăn của họ, vả lại nếu không có vật thực để cúng dường người nghèo có thể sinh buồn tủi, thế là vô tình đã gieo ưu sầu cho người.
Trong chúng đệ tử Phật ngược với Tu Bồ Đề, có Ngài Ma Ha Ca Diếp lại chỉ khất thực nhà nghèo, tránh xa nhà giàu. Vì theo Ca Diếp người giàu đã có thừa phước báu khỏi cần đem phước báu lại cho họ, người nghèo mới cần đem gieo trồng phước báu, để mai sau khỏi bị nghèo túng. Bởi thế người xuất gia cần đem ruộng phước đến cho người gieo giống phước đức.
Thái độ của hai Ngài đã trở thành hai thái cực, nên đã bị Đức Phật quở trách. Theo Phật con người cần giữ tâm quân bình, không được phân biệt, thiên kiến. Người đứng lằn ranh này tất phải đối đầu với lằn ranh kia, cuộc đời vì có đối kháng mà tương tranh, mất bình đẳng gây nên nhiều thảm họa.
Vị Tổ đầu tiên của phái Bắc Tông và cả Bát Nhã Tông
Trong hàng Thánh chúng, Tu Bồ Đề dùng trí quán chiếu soi thấy tánh không của các pháp, thể chứng lý không, từ đó Tôn giả thường nói lý không và các oai nghi tế hạnh đều biểu thị lý không. Tương truyền một hôm, tại động Kỳ Xà Quật trên núi Linh Thứu, trong lúc đang vá áo, Tôn giả dùng trí quán chiếu biết Đức Phật du hóa phương xa sắp trở về.
Tôn giả ngưng việc vá áo định đi đón Phật nhưng liền nghĩ rằng: Phật là bậc vô ngã, pháp thân không tịch vắng lặng, ngã và ngã sở đều không, tuyệt dứt đối đãi. Phật đã từng nói không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả, các pháp rỗng lặng pháp tánh biến khắp không gian và thời gian. Pháp thân Phật ở đâu mà chẳng có, vì thế ta đi đón Phật có thể bị Phật quở trách là người hành tà đạo.
Sau khi suy nghĩ, Tôn giả ngồi vá áo một cách bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bấy giờ trên đường trở về, Phật được Tăng đoàn và đông đảo quần chúng chuẩn bị đón tiếp vô cùng trang trọng. Trong số đó có Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc, vị chứng thần thông đệ nhất bên nữ, vận dụng thần thông để đón Phật trước nhất. Khi gặp Phật Liên Hoa Sắc đảnh lễ và bạch Phật:
Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ có phép thần thông con hay tin Thế Tôn về và đến đây chờ đảnh lễ Thế Tôn trước hơn ai hết. Trước nét hân hoan của Liên Hoa Sắc, Phật mỉm cười từ tốn nói rằng:
Liên Hoa Sắc! Người nghinh đón ta trước tiên chẳng phải là ngươi. Nhìn bốn phía chẳng thấy ai, tất cả đều còn ở sau xa, với vẻ hoài nghi bàng hoàng, Liên Hoa Sắc quỳ thưa:
Bạch Đức Thế Tôn! Con vận dụng sức thần thông khi đến đây chẳng thấy có ai cả. Thế ai là người đón Đức Thế Tôn trước con? Trong lúc Liên Hoa Sắc vừa chấm dứt câu hỏi, Ca Diếp và Tăng đoàn từ từ tiến đến. Đợi chúng Tăng quy tụ đông đảo, Phật mỉm cười nói với tất cả mà cũng để trả lời cho Liên Hoa Sắc, Phật nói:
Này các Tỳ kheo! Ta cám ơn tất cả, các ông đã không quản xa xôi để đến đây đón ta, nhưng người gặp ta trước tiên chính là Tu Bồ Đề. Hiện giờ tại núi Kỳ Xà Quật, Tu Bồ Đề đang chiếu quán tánh không của các pháp.
Người thấy thể tánh rỗng lặng như như bất động, chính là người trực tiếp nghinh đón ta trước nhất. Trong giáo đoàn của Phật, chỉ có Tôn Giả Tu Bồ Đề nhận thức sâu sắc về không tánh của các pháp, hiểu thấu đáo không lý và thật chứng không trí, bởi thế Ngài được tôn xưng là bậc Giải Không đệ nhất.
Khi còn tại thế lúc nói Kinh Bát Nhã, Đức Phật xương minh lý tính chân không diệu hữu của các pháp duyên sinh, Tôn giả được thừa nhận là bậc đã chứng đắc về không trí và không lý. Mãi đến hơn 600 năm sau, với luận lý Bát Nhã Bồ Tát Long Thọ mới triển khai thành giáo nghĩa Bát Nhã, xây dựng thế giới quan chân không diệu hữu của giáo hệ Bắc Tông qua con đường trung đạo.
Hiện nay trong Đại Tạng chữ Hán có đến 720 quyển kinh thuộc về hệ Bát Nhã. Từ xưa, đầu mối của giáo hệ Bắc Tông, kinh Bát Nhã là nguồn mạch, nếu không có kinh Bát Nhã thuyết lý chân không diệu hữu thì các trào lưu tư tưởng thuộc hệ Bắc Tông không thể hình thành và tồn tại đến ngày nay. Bởi thế chúng ta có thể nói: Tôn Giả Tu Bồ Đề là vị Tổ đầu tiên của phái Bắc Tông và cả Bát Nhã Tông. Ngài là bậc đã tu quán bằng không trí Bát Nhã.
Nhìn chung qua cuộc đời và đạo nghiệp của Tôn Giả Tu Bồ Đề, có hai điểm đáng cho chúng ta noi gương: Hạnh bố thí và Trí giải không. Hai điểm đó lại tương quan với nhau. Nhờ thấu rõ tánh không của các pháp duyên sinh là không, là giả danh, là vô ngã, tôn giả Tu Bồ Đề mới không ích kỷ, tham lam, chấp ngã, luôn đem của cải bố thí cho người nghèo thiếu. Lại nhờ xả ly, bố thí, Ngài mới thực sự biểu thị cho sự tu chứng tánh không của các pháp, để trở thành bậc Giải Không Đệ Nhất trong hàng Thánh chúng.