Ông cho hay nhiệm kỳ này Thủ tướng đã làm việc trực tiếp 8 lần với TP để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để giúp TP HCM tiến nhanh hơn, mạnh hơn... Ông điểm lại một số đề xuất của TP mà Trung ương đã nhiệt tình ủng hộ thời gian qua như mô hình chính quyền đô thị, lập TP Thủ Đức, phát triển TP HCM trung tâm tài chính quốc tế...
Tốc độ tăng trưởng bình quân của TP trong 4 năm liên tiếp luôn hơn 7,7%; thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2,4 lần, năng suất lao động cao nhất bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước nhưng nhờ năng suất lao động cao mà TP đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước. TP cũng là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỉ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước...
Nếu đưa ra một phép so sánh, có thể nói quy mô kinh tế của TP HCM lớn hơn Việt Nam trước năm 2005, thậm chí lớn hơn một số nước trong khu vực. Diện mạo TP đã thay đổi rất nhiều, ngày càng xanh sạch đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, xứng đáng trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu của cả nước.
“Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để”, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng TP vẫn còn nhiều hạn chế như: Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí; động lực tăng trưởng mới vẫn còn trên định hướng, chưa định hình rõ nét; quy hoạch đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển; khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển; cải cách hành chính chưa được như mục tiêu; và đặc biệt “tinh thần dám nghĩ, dám làm còn hạn chế”...
Với tinh thần cả nước vì TP và TP vì cả nước, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, TP tiếp tục đề xuất và Trung ương sẽ lắng nghe, ủng hộ giúp TP phát triển mạnh hơn nữa. “TP HCM cần tiên phong trong việc tạo ra những cơ chế, chính sách đột phá để có thể huy động được tất cả các nguồn lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.
Trước đó, trong diễn văn khai mạc, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá yếu kém lớn nhất của Đảng bộ TP là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Nguyên nhân đã được nhận diện, Chính phủ đã có những động viên khích lệ và đường hướng chỉ đạo. Quan trọng nhất hiện nay, có lẽ là Trung ương cần cụ thể hóa những “cơ chế, chính sách đột phá” một cách rõ ràng, chi tiết nhất có thể, để TP phát triển hơn nữa, làm tốt hơn nữa, tránh tâm lý e ngại “đi trên dây”. Tin rằng những vướng mắc TP đang kiến nghị Trung ương tháo gỡ, như “tắc” sổ hồng, sẽ sớm được giải quyết.