TP Hồ Chí Minh: Một gia đình chính sách bỗng dưng bị mất 10.000m2 đất

(PLO) - Một gia đình có công với cách mạng, 3 liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến nhưng sau ngày đất nước thống nhất con em họ lại bị tước quyền lợi đối với 10.000m2 đất sở hữu hợp pháp.
Bà Trần Thị Y ngồi xe lăn kêu cứu đòi quyền lợi suốt hơn 30 năm qua

Bị đẩy khỏi mảnh đất gia đình

Bà Trần Thị Y (SN 1941, phường 25, quận Bình Thạnh) trình bày, những năm 1950, ông nội bà là Trần Văn Quới và con cháu có khai hoang diện tích hơn 25.000m2 đất (thuộc địa bộ 197, bản đồ 183, tờ bản đồ thứ 5), xã Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Gia Định, (nay là phường 25, quận Bình Thạnh). Vùng đất này vốn là sình lầy, hoang dại nên việc khai phá, cải tạo đất kéo dài hơn 2 năm. Năm 1960, ông Quới chia đứt cho 4 anh em bà Y phần đất 12.000m2 và có lập văn bản, địa bộ, có chứng nhận của chính quyền lúc bấy giờ.

Gia đình bà Y có 3 liệt sỹ, trong đó bố ruột và bố dượng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, đến năm 1967, anh trai cả của bà cũng hy sinh nên chưa một ngày được hưởng sản nghiệp ông bà để lại. Bố và anh trai mất sớm, bà Y lại bị bại liệt từ bé, cuộc sống mấy mẹ con khốn khó, phụ thuộc vào làm nông trên phần đất nói trên.

Năm 1985, Ban Kiến thiết Dầu Tiếng (BKTDT) thuộc Bộ Thuỷ lợi (nay là Cty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng – Phước Hoà) tiến hành chặt phá hoa màu, san ủi lấp và tiến hành xây dựng vào ban đêm. “Xây dựng móng nhà xong, đơn vị này mới đưa cho mẹ tôi một tờ giấy, bảo ký vào. Sau mẹ tôi nói tờ giấy đó có việc trả tiền đền bù hoa màu, số tiền 180.000 đồng, ngoài ra không có giấy tờ gì nữa”, bà Y kể lại đồng thời cho biết, việc đền bù hoa màu lúc đó bản thân bà không hề hay biết.

Sau khi bị lấy đất một cách oan uổng, bà Y khiếu nại liên tục từ năm 1986 đến sau này, hơn 30 năm gõ cửa các cơ quan từ địa phương đến trung ương, thế nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, theo bà Y, BKTDT sau khi lấy đất chẳng những xây nhà cho công nhân viên ở mà còn sử dụng đất cho thuê, hưởng lợi mấy mươi năm trên xương máu của gia đình bà.

Có phải là thu hồi đất?

Đó là câu hỏi mà bà Y và gia đình đau đáu suốt hơn 30 năm qua. Bà Y kể mình trước đây không hiểu biết, mất đất thì kêu cứu khắp nơi, dần dần mới nhận ra vụ việc có quá nhiều uẩn khúc. Như giả sử đất của gia đình bà bị thu hồi thì cơ quan nào thu hồi, thu hồi vì lý do gì? Bà không hề hay biết, bởi bà và gia đình chưa từng thấy quyết định thu hồi đất ra làm sao.

Trong khi đó, BKTDT được quận Bình Thạnh giao đất thì quyết định giao đất này cũng không được trao cho 3 chị em bà Y, vốn là những người đứng tên sở hữu đất. Kỳ lạ hơn, cho tới ngày 20/9/2016, bà làm đơn yêu cầu quận Bình Thạnh cung cấp hồ sơ, văn bản liên quan vụ việc thì mới được cung cấp được quyết định này, tuy nhiên chỉ là bản phô tô và có dấu hiệu tẩy xoá, sửa chữa, không phải bản sao y.

Theo tài liệu bà Y cung cấp, Quyết định 573/QĐ-UB ngày 10/12/1984 của UBND quận Bình Thạnh (bà Y trích lục được) có dấu hiệu tẩy xoá nội dung. Văn bản thể hiện việc cấp cho BKTDT phần đất 1ha (thuộc các mốc chuẩn F2C10, 10, L’ và L cách mốc số 6 53m theo bản đồ cắm mốc Viện Quy hoạch và KHHT xây dựng thiết lập) để xây dựng trụ sở làm việc và nhà ở, đồng thời yêu cầu đơn vị này đền bù hoa màu, nhà cửa trên đất. Ngoài ra không hề đề cập có hay không có quyết định thu hồi đất của bà Y?

Ông Tạ Miên Linh, người đại diện uỷ quyền cho bà Y cho rằng, việc quận Bình Thạnh giao phần đất 1ha của gia đình bà Y cho BKTDT là không minh bạch, như không có quyết định thu hồi đất, nếu có tại sao không thông báo cho chủ sở hữu được biết? Việc thu hồi đất cũng không áp dụng theo quy định lúc bấy giờ, gây thiệt hại cho gia đình. Cụ thể, không hề xét đến việc “trả thù lao cho người có công khai phá một cách thích đáng” quy định tại Quyết định 318/CP ngày 10/9/1979 của Hội đồng Chính phủ.  

Trong khi đó, đối với Quyết định giao đất 573, quận Bình Thạnh cũng không hề thông báo đến gia đình bà Y. Về quyết định nói trên, ông Linh đặt nghi vấn, nơi làm việc của Ban KTDT là ở hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) và theo ông được biết, cán bộ nhân viên đã được cấp đất ở nhưng đã bán trước khi về TP HCM. Và việc quận Bình Thạnh giao cả 1ha đất để đơn vị này xây trụ sở làm việc và nhà ở có tuỳ tiện, lãng phí? Thực tế cho thấy, đơn vị này chỉ sử dụng một phần, diện tích còn lại thì phần bỏ trống, phần cho thuê. Nói cách khác, BKTDT cũng không thực hiện đúng theo Quyết định 573.

“Gia đình tôi có nhiều công lao cho cách mạng, 2 liệt sỹ trong kháng chiến chống Pháp, 1 liệt sỹ kháng chiến chống Mỹ, gia đình không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất để chia cho bất cứ đối tượng nào. Thời chiến chịu nhiều mất mát nhưng ngày hoà bình, gia đình tôi bị mất đất một cách không thể hiểu nổi, bản thân tôi bị bại liệt, tới nay già yếu vẫn một thân một mình nhưng hơn 30 năm gõ cửa khắp nơi, vụ việc vẫn chưa được giải quyết”, bà Y khổ sở.

Báo PLVN tiếp tục thông tin về vụ việc. 

Đọc thêm