Loại trà đắt đỏ có tiếng
Trà Phổ Nhĩ lâu nay lừng danh thiên hạ về dược tính quý báu của nó. Giống như rượu vang hảo hạng, trà Phổ Nhĩ để càng lâu càng ngon. Loại trà này có giá lên tới 3,5 triệu nhân dân tệ/kg (khoảng 12,5 tỷ đồng/kg). Năm 2005, nửa ký trà Phổ Nhĩ 64 năm tuổi đã được đấu giá thành công ở mức 132.556 USD (khoảng 3 tỷ đồng).
Trà Phổ Nhĩ là đặc sản xuất xứ từ Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Loại trà này còn có nhiều tên gọi khác như Trà Kim Qua Cống, Nhân Đầu Cống, thế nhưng phổ biến hơn là cái tên Phổ Nhĩ.
Trà Phổ Nhĩ là nhóm trà có thể nói là đắt đỏ nhất thế giới vì 2 lý do. Thứ nhất là trà Phổ Nhĩ thường được làm từ giống trà cổ thụ (có thể trồng hoặc mọc hoang). Cụ thể, nguyên liệu để làm loại trà này là shan tuyết cổ thụ. Cây trà được trồng trên núi cao ở vùng Vân Nam hàng chục năm rồi mới bắt đầu thu hoạch để chế biến. Sau khi tuyển những lá trà đủ chất lượng thì gốc trà vẫn được giữ nguyên, tiếp tục chăm sóc cho nhiều mùa sau bởi cây trà càng lâu năm thì sẽ càng cho ra loại trà thượng hạng. Có cây đến hàng trăm năm tuổi vẫn còn được sử dụng tốt.
Thứ hai, giống như rượu vang ủ lâu năm, trà Phổ Nhĩ sau khi lên men đạt tiêu chuẩn thì càng để lâu, càng ngon, càng đắt tiền. Theo đó, lá trà Phổ Nhĩ được lên men hoàn toàn ở trạng thái rắn và khô, tách hết nước trong lá trà, nhưng giữ lại các vi sinh vật có trong lá trà cổ thụ để chuyển loại bỏ hết chất xấu, giữ lại chất tốt trong lá trà. Quá trình lên men tự nhiên này rất tốn thời gian, có khi mất vài năm, nén lại thật chặt thành đủ hình dạng, phổ biến nhất là hình tròn với một lỗ hõm ở giữa mới tạo nên một bánh trà hoàn hảo.
Trà ngon và đủ chất lượng phải bảo có hương thơm trầm dịu, hậu vị sâu. Chất dinh dưỡng trong lá trà phải phong phú, nước trà đậm, khí trà mạnh mẽ và giữ được hương rất lâu trong miệng.
Nổi tiếng giảm cân, đẹp da, tốt cho sức khỏe
Trà Phổ Nhĩ có thể chia làm hai loại là Phổ Nhĩ Sống và Phổ Nhĩ Chín. Theo đó, trà Phổ Nhĩ lên men nhân tạo thường được gọi là trà Phổ Nhĩ Chín, thường dùng để giảm cân. Trà chín rất giàu các nguyên tố vi lượng, polypeptide, các axit amin và khoáng chất, giảm thiểu chất kích thích đối với dạ dày. Vì vậy khi đói bụng uống trà chín không gây cảm giác khó chịu, đối với người hay táo bón và thải độc kém thì uống trà Phổ Nhĩ khi đói là tốt nhất, cũng là cách nhanh nhất để giảm cân.
Pha trà Phổ Nhĩ Chín nên sử dụng nước sôi 100°C, dùng nước trà thứ tư sau ba lần rửa tráng trà. Vào sáng sớm khi chưa ăn gì, hãy uống một tách trà ấm nóng khoảng 200ml, khoảng 1 – 2 giờ sau sẽ muốn đi vệ sinh, sau một thời gian uống sẽ hình thành thói quen đi vệ sinh buổi sáng.
Đối với bữa trưa và bữa tối, uống một ly ấm trà Phổ Nhĩ Chín trước khi ăn khoảng một tiếng, lúc bụng đói, không chỉ giúp giải độc đường ruột, cũng làm tăng cảm giác no khiến việc ăn đồ ăn ít hơn, mang lại hiệu quả giảm cân tốt hơn.
Còn trà Phổ Nhĩ Sống thường dùng để thanh lọc cơ thể. Loại trà này được lên men trong thời gian khá ngắn, hoặc trà tích trữ mà không qua lên men, trên thực tế công dụng giảm cân của trà sống là nhờ trà giàu polyphenol, có hiệu ứng tương tự trà xanh, trà Ô Long. Thí nghiệm đã chứng minh polyphenol trong trà có thể ức chế quá trình tổng hợp và phân giải tế bào mỡ, duy trì ổn định lượng sterol và mỡ trong máu, rất hữu ích để giảm chất béo hoặc ngăn ngừa bệnh béo phì.
Thời gian uống trà sống tốt nhất là 1 giờ sau bữa ăn, sẽ giúp cơ thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, hấp thu, phân giải thức ăn, giúp hiệu quả thải chất độc khỏi cơ thể đạt được tối ưu. Trà sống có tác dụng khử dầu mỡ và giúp làm sạch chất thải độc tố đã bám vào thành trong của ruột thời gian dài rất hiệu quả.
Cả trà Phổ Nhĩ sống và chín đều có hương vị độc đáo riêng, nước pha vó vị chát dịu, hậu ngọt, màu nước đỏ, sáng, hương vị nồng hậu thơm mát, có phảng phất mùi gỗ thông và mùi của mộc nhĩ xào, mùi thơm của trà được bảo quản trong thời gian dài. Những người mới uống sẽ thích trà Phổ Nhĩ Chín, nhưng người uống trà lâu năm sẽ thích lưu trữ và khám phá hương vị Phổ Nhĩ Sống hơn. Cả hai loại trà Phổ Nhĩ đều được đóng bánh, mục đích là để tiện lưu trữ và vận chuyển. Do vậy ngoại hình không quyết định đến chất lượng của trà.
Không chỉ giảm cân, thanh lọc cơ thể, từ hàng ngàn năm nay, trà Phổ Nhĩ còn là một loại dược phẩm có giá trị cao đã được nhiều sự ủng hộ, tôn sùng của nhiều người và có rất nhiều lời ca tụng, khen ngợi đã được sách xưa ghi nhận. Người xưa đã đúc kết lại những hiệu quả đặc biệt của Phổ Nhĩ trong việc phòng chữa bệnh bao gồm: lợi gan, sáng mắt, giúp tinh thần tỉnh táo, bổ não, bồi dưỡng sức khoẻ, thoải mái, sảng khoái tinh thần, có lợi cho tiêu hoá, giải độc, giảm đầy hơi, thanh nhiệt, tan đờm, tan mỡ, phòng bệnh, trừ bệnh, làm đẹp da…
Trà Phổ Nhĩ được sử dụng để cải thiện sự tỉnh táo và tư duy sắc bén và cũng được sử dụng để giảm cholesterol cao. Trà Phổ Nhĩ có chứa caffein, mặc dù không nhiều chất caffein như các loại trà khác. Caffeine kích thích hệ thống thần kinh trung ương, tim và các cơ. Trà Phổ Nhĩ còn chứa chất chống oxy hoá và các chất khác có thể giúp bảo vệ tim và mạch máu. Trà Phổ Nhĩ còn có tác dụng để giảm cholesterol vì, không giống như các loại trà khác, nó chứa một lượng nhỏ chất hoá học gọi là lovastatin. Lovastatin là một loại thuốc theo toa dùng để giảm cholesterol. Các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn đôi khi gây ô nhiễm trà Phổ Nhĩ có thể làm cho chất lovastatin trong chu kỳ sống bình thường của chúng. Nghiên cứu trên động vật còn cho thấy trà Phổ Nhĩ có thể làm giảm lư
ợng chất béo trong máu được gọi là triglycerides cũng như cholesterol lipoprotein mật độ thấp và “cholesterol xấu” (LDL). Nó cũng có thể làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao “cholesterol tốt” (HDL).
Uống trà là nghệ thuật
Trà có ngon hay không còn dựa vào cách pha trà có chuẩn chỉ hay không. Để có được bình trà ngon, ban đầu cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu gồm một bộ ấm trà tử sa, một lượng trà vừa đủ đã được tách ra khỏi bánh. Người pha trà có thể sử dụng dao, một vật nhọn hay bất cứ thứ gì có thể tách được trà Phổ Nhĩ ra khỏi bánh và hạn chế lá bị vỡ.
Cũng như các loại trà khác, khi pha trà Phổ Nhĩ cũng cần thực hiện theo các bước: Tráng ấm trà, cho trà vào và đổ nước sôi dưới 95 độ C vào để đánh thức trà, lắc đều và đổ nước đi ngay.
Sau đó, tiếp tục đổ nước ở nhiệt độ dưới 95 độ C vào và được ngâm từ 45 giây đến 1 phút là có thể sử dụng. Khi rót nước ra sử dụng nên để lại một chút trà trong ấm, để khi chế thêm nước thứ 2 vào trà vẫn đậm đà, thơm ngọt và chỉ cần ngâm trong 30-45 giây là có thể sử dụng.
Lưu ý, trà Phổ Nhĩ không được bảo quản đúng cách, nó sẽ bị mốc như thức ăn thông thường. Nếu trà Phổ Nhĩ bị mốc, mà không được xử lý ngay, sẽ tạo ra rất nhiều vi khuẩn có hại, có thể gây ra ung thư nghiêm trọng, chúng ta nên loại bỏ nó đi không dùng nữa./.