Chương trình không chỉ tôn vinh nét đẹp trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc đến với công chúng trong và ngoài nước mà còn đa dạng hóa hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, thu hút khách du lịch bằng những trải nghiệm hấp dẫn. Tham gia chương trình, du khách sẽ được tham quan nghệ thuật sắp đặt liên quan tới Tín ngưỡng thờ Mẫu, hòa mình vào không gian âm nhạc chầu văn, thưởng thức các đặc sản ẩm thực đặc trưng Hà Nội.
Chương trình trải nghiệm có sự tham gia của Tiến sĩ, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đức Hiển, phụ trách chuyên môn và trực tiếp tham gia diễn xướng. Theo ông Nguyễn Đức Hiển, tiêu chí xây dựng chương trình phải bảo đảm tính thiêng, sự uy nghi của các vị thánh thần, đồng thời có tính nghệ thuật, diễn tả được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng. Sau một thời gian thử nghiệm, đơn vị tổ chức sẽ tiến hành khảo sát, nếu chương trình nhận được sự hưởng ứng của khách nước ngoài, sẽ thuyết minh nội dung bằng tiếng Anh, góp phần quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam.
Cũng trong hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cuối tuần qua đã diễn ra Tọa đàm “Nếp áo thanh xuân” thuộc khuôn khổ Lễ kỷ niệm 4 năm ngày thành lập CLB Phụ nữ với Di sản Văn hóa nhằm tôn vinh áo dài - trang phục truyền thống của dân tộc cũng như phát động các hoạt động sắp tới của dự án “Nếp áo thanh xuân” do Mạng lưới Di sản Kết nối, cùng với Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam điều hành, dưới sự bảo trợ của Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện.
Sự kiện nổi bật trong buổi tọa đàm là hoạt động trao tặng hơn 500 chiếc áo dài cho cô giáo và các em học sinh đại diện ba trường THPT tiêu biểu thuộc diện miền núi khó khăn ở các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An và Thanh Hóa.
“Là một trường miền núi, việc các em học sinh có cơ hội mặc áo dài là vô cùng khó khăn. Vậy nên, chương trình này rất ý nghĩa với trường chúng tôi bởi vì các em sẽ có cơ hội được khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống. Thầy trò chúng tôi rất vui và vinh dự khi được nhận món quà này!” - chia sẻ từ cô giáo Hiệu phó Trường THPT Cẩm Thủy, Thanh Hóa.