Sinh ra nơi xứ có tiếng là “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,/Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say”. Vùng đất mà nơi đầu thế XX, bao nhiêu anh hùng, nghĩa sĩ nổi dậy, phát khởi những phong trào yêu nước lan tỏa khắp nơi nơi, để về sau, Trần Cao Vân cũng trở thành một anh hùng được lưu danh trong sử sách.
Thuở đầu xanh anh hùng nuôi chí lớn
Quê họ Trần, trong “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng dịch trung thiên và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916” cho biết, thuộc làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Đây cũng là vùng đất sản sinh ra những anh tài như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu… Nói đến Trần Cao Vân, nơi “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng”, ta biết ông có tên là Trần Công Thọ, khi đi học lại lấy tên Trần Cao Đệ, lúc tham gia hoạt động cứu nước, mới lấy tên là Trần Cao Vân.
Cha chí sĩ yêu nước, là cụ Trần Công Trực, lên 8 tuổi, Trần Cao Vân đã mồ côi mẹ. Nhờ được cha chăm chút, quan tâm, nên Trần Cao Vân vẫn được học hành đủ đầy.
Theo lời những bậc cao lão trong làng đồng thời với nhà yêu nước, ta được biết đôi nét về hình dung của ông: “một hình vóc trung dung, khuôn mặt vuông vức, trán cao, đôi mắt sâu và sáng quắc, lại thêm năm chòm râu dài tha thướt trông ra thật uy nghi”. Ẩn nơi vóc dáng ấy, là một “chí cả, mưu cao” có tiếng thông minh, hiếu học, tính ôn hòa, chí cương quyết, thờ cha mẹ chí hiếu.
Cũng như nhiều nam nhi bấy giờ, Trần Cao Vân cũng theo đòi nghiên bút. Cái chí lớn của cụ, đã phát lộ ngay từ lúc chưa hoạt động cứu nước: “Từ lúc tuổi trẻ, cụ đã có một tinh thần mới, tinh thần cách mệnh!”.
Cứ xem giai thoại còn để lại thuở đi học, được ghi nơi “Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển”, ta đã thấy được chí lớn của họ Trần. Ấy là năm 13 tuổi, đương học trường làng, một hôm nhân đêm trăng, đương lúc học trò đang học, ngay giữa trường treo cái đèn, ông giáo ra câu đối:
“Đèn treo giọi sáng bốn phương nhà”.
Trần Cao Vân lúc ấy, tuổi dù nhỏ hơn bao bạn học khác, đã nhanh trí, đứng lên mà đối lại:
“Trăng tỏ khắp soi muôn cụm núi”.
Cái chí chọc trời khuất nước hiển hiện ngay trong câu đối ấy. Lại có hôm thầy đồ được người hàng xóm tặng cho mớ hành hương làm giống. Cụ cử lại tức cảnh ra vế đối:
“Hành tàn giống không mạnh”.
Câu đối vừa có nghĩa là giống hành không mạnh, tức giống không tốt. Nghĩa khác là khi đáng “hành” động hay lúc đáng “thoái” phải theo phép đạo Khổng Mạnh. Lại Trần Cao Vân ứng khẩu đáp lời thầy”:
“Cải hóa con càn khôn”.
Câu đối lại vừa có nghĩa là nói đến giống cải non, đến lúc nó “hóa”, nảy nở xanh tốt, thì con cải ngày “càng khôn”, tức là cây càng lớn.
Ấy, anh hùng phát lộ chí lớn như thế đó.
Bỏ mộng bút nghiên, cứu nước nhà
Năm Nhâm Ngọ (1882), nhằm khoa thi Hương, trong “Người xưa đất Quảng” cho biết, ở tuổi 17, Trần Cao Vân lều chõng chuẩn bị ra đất kinh kỳ Huế đi thi. Khổ nỗi, gần đến ngày lên đường lai kinh ứng thi, chàng thanh niên lại bị đau nặng. Vậy là khoa ấy đường công danh bị lỡ bước. Lại thêm biến cố xảy ra sau đó. Khi thành Hà Nội bị thực dân Pháp đem quân ra chiếm lần thứ hai, Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết. Linh cữu cụ Hoàng Diệu được đưa về an táng tại quê nhà.
Hành động của vị Tổng đốc đồng hương gây niềm xúc động mạnh trong trí não chàng thanh niên họ Trần. Thế rồi liên tiếp sau đó, như ghi chép trong “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng dịch trung thiên và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916”, ta được biết, biết bao biến cố của nước, của nhà dồn dập đến: nào là mẹ kế mất, em thơ phải chăm.
|
Trần Cao Vân |
Nào là vua Tự Đức băng hà, rồi Huế bị Pháp chiếm… Chính bởi thế “càng thúc giục cụ Cao Vân, càng làm tâm trường cụ thêm bao phấn khích! Cụ cảm thấy cái mộng cử nghiệp dù đạt thành cũng chả làm gì! Cái danh vọng ông cống, ông nghè dù có được, cũng không thiết thực đối với thời thế hiện tại! Thế là cụ toan bỏ quách công việc học, công việc làm văn làm bài, một công trình đã mười năm đeo đuổi, để thay vào một công việc gì mà cụ tưởng nó thiết thực hơn”.
Năm Ất Dậu (1885) ấy, Trần Cao Vân từ biệt gia đình, lánh đời vào tu nơi chùa Cổ Lâm cùng bạn là Võ Thạch (Thừa Tô). Theo bài viết “Chí sĩ Trần Cao Vân” đăng trên Xưa và Nay số 470 (tháng 4/2016) thì chính ở đây, Trần Cao Vân nghiên cứu Dịch lý và “bắt đầu hình thành học thuyết “Trung thiên dịch”.
Trong khi ấy, nơi đất Quảng Nam, phong trào Nghĩa hội diễn ra mạnh mẽ, nhưng rồi như “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng” cho hay, phong trào bị đàn áp, “kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến”. Chùa Cổ Lam là nơi nhiều tín đồ yêu nước ghé chân cũng bị địch theo dõi. Cực chẳng đã, năm Tân Mão (1891), họ Trần về làng dạy học, rồi năm Nhâm Thìn (1892) phải đưa vợ con vào đất Bình Định để hoạt động với vỏ bọc thầy đồ kiêm địa lý xứ Quảng.
Chính tại đất này, chí sĩ họ Trần quen với Võ Trứ, người tạo nên một biến cố lớn nơi đất Phú Yên năm Mậu Tuất (1898), và dĩ nhiên, Trần Cao Vân cũng có sự liên đới.
Ngục Phú Yên giam giữ
Nơi chùa Đá Bạc, có vị thầy chùa giỏi y thuật, giúp biết bao dân nghèo. Nơi đất Bình Định, khởi nghĩa Mai Xuân Thưởng bị đàn áp, nghĩa quân tan tác. Trong số ấy, có Võ Trứ. Sau khi khởi nghĩa của anh hùng họ Mai thất bại, Võ Trứ về Phù Cát, giúp việc cho thầy chùa Đá Bạc, sau được truyền nghề và có tiếng trong vùng. Trần Cao Vân tìm đến gặp, và chí lớn gặp nhau.
Sau đó, Võ Trứ vào đất Phú Yên hoạt động, gây dựng cơ sở ở 3 huyện miền bắc tỉnh này, được đồng bào hưởng ứng theo về rất đông, còn Trần Cao Vân sau một thời gian ở đất võ, cũng vào Phú Yên.
Thời gian 1897-1898, dân nơi đây bị mất mùa vì hạn hán, cường hào lý dịch thì thúc thuế rất nghiệt. Nhân cơ hội ấy, Võ Trứ lãnh đạo dân chúng nổi dậy hè năm Mậu Tuất (1898). Tiếc nỗi, khởi nghĩa nhanh chóng thất bại. Trần Cao Vân bấy giờ, chính là người cùng với Võ trứ hoạch định đường lối tiến hành.
Cờ nghĩa dựng lên, quy tụ nhiều thầy chùa, thân hào và quần chúng, nhưng sự nghiệp không thành, nghĩa quân bị địch ra quân đàn áp, bắt bớ, nhiều làng bị giặc đốt sạch. Để cứu vãn cho nghĩa binh khỏi chết uổng, Võ Trứ quyết định nộp mình cho giặc.
Lúc ấy, cụ Trần Cao Vân đương bị sốt rét nơi động Bà Thiên, miền thượng du huyện Sơn Hòa, mọi công việc của nghĩa binh, Trứ ủy thác hết lại cho họ Trần. Bắt được Võ Trứ, dù dùng mọi cực hình, nhưng giặc không làm ông khai thêm được điều gì.
Về phần vị quân sư họ Trần, bệnh tạm lui, ông xuống núi, về nhà một người đồng chí huyện Đồng Xuân ẩn náu. Rủi thay có kẻ mật báo, quan huyện liền đem lính tới bắt, rồi sau đó giải ngay lên tỉnh tống giam.
Theo “Quảng Nam trong hành trình mở cõi giữ nước”, thì “ông bị bắt giam ở ngục Phú Yên một thời gian; vì nhờ Võ Trứ đã khảng khái nhận tất cả hậu quả do mình gây ra”.
Trong thực tế, thì khi bị đưa lên tỉnh giam vào nhà lao, bấy giờ Bố chánh Phú Yên là Bùi Xuân Huyến nghi ngờ cụ liên quan đến cuộc khởi nghĩa, nhưng bằng chứng không đủ, lại thêm Võ Trứ nhận hết tội về mình.
Thế là, “Nhà cầm quyền chỉ nghi cụ Cao Vân là “Chánh Minh” và là quân sư của cuộc bạo động ấy, nhưng không đủ bằng cớ để kết án. Tuy vậy, cụ cũng bị tra tấn nhiều trận và bị giam đến 11 tháng rồi mới được trả tự do.
Nhưng đây, mới chỉ là đầu cho những lần bị bắt bớ, kết án và đoạn kết bi tráng về sau của anh hùng họ Trần mà thôi...