Thụ án 6 năm nơi đảo Côn, tháng Chạp năm Quý Sửu (1914), họ Trần được ân xá đưa về đất liền, giam nơi trại giam Hội An, Quảng Nam rồi sau đó được tự do. Ít tháng sau nơi đất Quảng, họ Trần lại tiếp tục với chí lớn còn dở dang…
Mưu toan làm cuộc cách mệnh
Biết được nơi cung đình Huế, vua Duy Tân dù là vị vua trẻ, nhưng có tinh thần yêu nước, đối lập với các quan thầy Pháp, những nhà yêu nước vạch một kế hoạch cho cuộc bạo động; trong đó, vị vua trẻ là lãnh tụ tinh thần để tập hợp đồng bào, cũng như nêu cao tính chính nghĩa của cuộc nổi dậy. Một kế hoạch tiếp cận vị quân vương được vạch ra.
Theo tài liệu số 16 trong hồ sơ 65530 ghi lại lời khai của Trần Cao Vân, thì tháng 2/1916, họ Trần đã gặp Thái Phiên cùng nhau bàn về vận nước; trong đó, chí sĩ họ Trần đã bày tỏ về việc nên có một thủ lĩnh để mưu cuộc khôi phục.
Cuộc hội kiến này, có thể là cuộc hội kiến mà như “Việt sử tân biên” có ghi lại, nơi nhà ông Đoàn Bổng ở Huế với sự tham dự của Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Nguyễn Mậu… Tất cả đồng ý lấy vua Duy Tân làm vai trò chủ chốt và Thái Phiên, Trần Cao Vân có trách nhiệm liên lạc với vị vua trẻ.
Để có thể tiếp cận được vua Duy Tân, “Hai ông bỏ ra một số tiền lớn thu xếp với người tài xế của nhà vua để y thôi việc và nhờ y giới thiệu người khác vào thay. Kết quả Phạm Hữu Khánh tốt nghiệp trường thương mại kỹ nghệ ở Huế được giới thiệu đến làm lái xe cho nhà vua”.
Thông qua Khánh, rồi viên thị vệ Nguyễn Quang Siêu (đội Siêu) tâm tư nguyện vọng của nhà vua được nắm bắt, và hai tháng sau, Khánh dâng lên vua Duy Tân một bức thư của Trần Cao Vân bày tỏ vận nước”, một cuộc gặp được bí mật tiến hành, mà “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi chép là:
“Giả chàng câu ếch bên hồ,
Áo tơi nón lá ngồi chờ ấu quân.
Dạo vườn vua bước thung dung,
Chúa tôi gặp gỡ việc chung luận bàn”.
Sử gia Phạm Văn Sơn miêu tả lại cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, nhằm ngày 12/3 âm lịch, vua ngự xem lính tập ở bãi Trường Thi. Sau khi duyệt binh qua loa, ngài vờ đi dạo mát nơi sông gần đó rồi tới hồ Tĩnh Tâm. Lúc này, Thái Phiên, Trần Cao Vân giả làm người câu cá đã đợi sẵn. Đấng kim thượng trẻ tuổi cùng hai người tương kiến, bàn bạc và thống nhất kế hoạch.
Nội dung cuộc gặp gỡ, “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng “Dịch trung thiên” và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916” ghi đại lược: “Hai nhà cách mạng bày tỏ tình thế trong nước và hải ngoại,… tâu rõ đầu đuôi công cuộc tổ chức chuẩn bị khởi nghĩa… Nhà vua rất đồng ý, hứa sẽ ban mật dụ cho tiện việc thi hành, và khuyên các nhà cách mệnh nên hành động gấp kẻo trễ mất cơ hội”.
Kế hoạch khởi nghĩa đã thống nhất, nên như “Việt sử tân biên” cho biết, thì “Sau ngày ấy mọi chỉ thị đưa ra cho đảng cách mạng đều mang chữ ký “Cô Đào” là bí danh của Thái Phiên. Ngày khởi nghĩa được vua quyết định vào đêm mồng 1 tháng 4 năm Bính Tý (3/5/1916)”.
Nổi dậy bất thành
Về ngày lịch sử năm 1916 ấy, thiết nghĩ, nên xem trong nghiên cứu “Vua Duy Tân 1916”, phần “Cuộc tụ nghĩa trên dòng Hương Giang”, ta sẽ tỏ tường hơn hết.
Đúng ngày ấn định 3/5 dương lịch, trong hoàng cung, vua Duy Tân chuẩn bị bí mật xuất cung. Từ chiều hôm trước, những thủ lĩnh và chiến sĩ xứ Quảng đã lần lượt bí mật về Huế. Thái Phiên đi tàu lửa buổi sáng, Trần Cao Vân đi tàu lửa buổi chiều đến Huế. Lời khai của Thái Phiên cho hay, “Trần Cao Vân chịu trách nhiệm đón và bảo vệ nhà vua, trong khi tôi chịu trách nhiệm chỉ huy các cánh quân lính tấn công kinh thành. Tôi đã phân công việc chỉ huy cụ thể ở từng cánh quân”.
Lực lượng chính của cuộc nổi dậy, là binh lính Việt được giác ngộ, vận động. Quân khởi nghĩa sẽ tấn công đồn Mang Cá và các đồn binh bảo vệ Tòa Khâm sứ, Tòa Công sứ Thừa Thiên để chiếm súng ống, đạn dược. Đồng thời, các tỉnh khác như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi lính khố vàng, khố xanh được vận động trước đó cũng sẽ hưởng ứng theo.
Tiếc rằng, cơ mưu bị lộ từ khi chưa thực hiện. Nguyên do là ngày 30 âm lịch, viên cai khố xanh Võ Cư (Võ An) đã được giác ngộ trước đó đang đóng đồn ở Quảng Ngãi bị đổi đi Đức Phổ. Trước khi đi, Cư dặn em họ là Trung (Huệ) làm lính ở dinh Án sát nên về nhà đừng vào dinh, Trung qua đó biết được kế hoạch.
Chiều hôm ấy, Trung xin phép viên Án sát Phạm Liệu, nhưng lại để lộ sắc mặt khác bình thường, thế là Liệu gạn hỏi, Trung đành khai thật. Việc được báo lên cho Công sứ De Tastes. Chiều mùng một, lính Việt bị lột hết khí giới và tống lao.
Đến giờ đã định, dân chúng các nơi hưởng ứng kéo đến nơi tập trung, nhưng không thấy động tĩnh gì; còn các nhà cách mạng thì bị tầm nã. “Việt sử tân biên” cho hay, Trần Cao Vân sau bị bắt ở làng Hà Trung thuộc huyện Phú Lộc, Huế. Vua Duy Tân và Thái Phiên bị bắt ở chùa Thiên Mụ, đưa về nhốt nơi đồn Mang Cá…
|
Khu mộ chung Thái Phiên-Trần Cao Vân ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế |
Kết tội, đối mặt đoạn đầu đài
Trong Công điện 162S ngày 16/5/1916, Khâm sứ Trung Kỳ gửi cho Toàn quyền Đông Dương, ta biết như sau: “Thượng khẩn: Tòa án bản xứ đã kết án trảm quyết đối với bốn tên có liên quan trong vụ án nổi loạn ở Huế: Thứ nhất: Trần Cao Vân; Thứ hai: Thái Phiên; Thứ ba: Tôn Thất Đề; Thứ tư: Đội Siêu”. Vậy là tên của chí sĩ họ Trần, xướng lên đầu tiên trong những người chịu án tử.
Lại nữa, án trảm quyết ấy, được “Phủ Phụ chính khẩn thiết yêu cầu tiến hành cuộc hành quyết vào ngày mai, Thứ tư, trước khi diễn ra lễ đăng quang của vua mới (tức Đồng Khánh-Người dẫn chú)”.
Để đưa ra được án tử hình đối với những nhà yêu nước trong vụ án ấm mưu khởi loạn có mặt vua Duy Tân, phía Nam triều, tức triều đình Huế đã lập nên một Hội đồng xử án, trong đó có: Hoàng Quảng Phu, tham tri bộ Hình; Võ Liêm, thị lang bộ Binh; Ưng Vân, thị lang bộ Hình; Tôn Thất Uyển, ngự sử Viện đô sát.
Cuộc xét xử được thực hiện từ ngày 7/5, ta biết được tội của Trần Cao Vân qua báo cáo của Phủ Phụ chính gửi Khâm sứ Pháp tại Huế là: “Trần Cao Vân, một người từng bị tù đã được ân xá, không tự xét tình cảnh của mình. Khi được biết vua Duy Tân còn nhỏ đã cùng với Thái Phiên tập hợp đồng đảng đến kinh thành Huế. Sau khi có những tin tức do đội Siêu và tam đẳng Đề cung cấp, đã lừa được vua để vua ra chiếu chỉ bổ nhiệm các ngạch quan lại. Họ còn đưa vua ra khỏi hoàng cung để kêu gọi dân chúng nổi loạn”.
Tòa do Nam triều lập ra, đã căn cứ vào Hoàng Việt luật lệ mà xử, trong đó có điều 23 “Về tội phản nghịch và đại phản nghịch”, Tòa án Nam triều đã khép họ Trần vào tội tử hình theo kiểu “lăng trì”, nhưng có xem xét thành án trảm ngay lập tức và bêu đầu, được miễn lăng trì. Đồng thời “Về tài sản của các can phạm, chiếu theo luật là tịch thu, bán và sung công quỹ”.
Trong “Cụ Trần Cao Vân, người đã đề xướng Dịch trung thiên và đã cùng hoàng đế Duy Tân điều động cuộc cách mệnh năm 1916”, ta được biết thêm rằng, trong phiên tòa xét xử các yếu nhân của cuộc nổi dậy bất thành 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên đã khẳng khái tự nhận hết tội lỗi về phần mình, trong đó, Trần Cao Vân tự nhận là chánh quân sư, còn Thái Phiên là phó quân sư, và “chính công việc bạo động ấy do hai ông chủ trương, thế nên lời án của triều đình đều đổ tội cho các nhà cách mệnh để che chở cho hoàng đế Duy Tân”.
Cuộc nổi dậy 1916 về sau này, có nhiều nhà báo đã tìm hiểu, tranh luận. Riêng với Phan Khôi, đã có nhiều kỳ báo đăng trên “Sông Hương” số 7 đến số 9 thì cho rằng Thái Phiên mới là tay chủ chốt chứ không phải họ Trần.
Tương truyền, trước ngày ra pháp trường thụ án tử, nơi nhà lao Huế, họ Trần đã làm hai bài thơ “di ngôn” tỏ chí mình, trong đó có bài dưới đây:
“Giữa trời đứng sững không thiên,
Nghìn năm nước Việt còn truyền sử xanh.
Chu vương nhân chính đại hành,
Quân dân hợp sức lũy thành đắp xây.
Người thù non nước còn đây,
Trời xanh với tấm lòng này tương tri.
Anh hùng thành bại sá gì,
Nghìn thu lịch sử còn ghi lại đời”.