Trân trọng văn hóa bản địa khi khai thác di sản, thắng cảnh

(PLVN) - Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã quyết định tháo dỡ công trình xây dựng phim trường Kong Island tại vùng lõi quần thể di sản Tràng An. 
Tỉnh Ninh Bình đã quyết định tháo dỡ công trình xây dựng phim trường Kong Island
Tỉnh Ninh Bình đã quyết định tháo dỡ công trình xây dựng phim trường Kong Island

Theo tỉnh này, việc tháo dỡ công trình là do gợi ý của tổ chức UNESCO từ 1 năm nay. Theo khuyến cáo của UNESCO, việc phục dựng phim trường một bộ phim ăn khách của Hollywood tại đây là hoạt động thu hút du lịch bằng sản phẩm giải trí. Tuy nhiên, điều này có thể khiến gây nên những hiểu lầm về văn hóa bản địa đối với du khách.

Sau khi tháo gỡ, một kế hoạch phục dựng làng Việt cổ tại vị trí trên như một bảo tàng văn hóa ngoài trời đã được đề ra.

Có thể nói, quyết định của tỉnh Ninh Bình là một quyết định đáng được ghi nhận bởi tinh thần cầu thị, chấp nhận đánh đổi một sản phẩm du lịch ăn khách theo hướng thị trường để bảo toàn và tìm đến vẻ đẹp nguyên bản của danh thắng. Đồng thời, ý tưởng về bảo tàng văn hóa, làng Việt cổ là một ý tưởng khá hay để có thể cân bằng giữa thu hút du lịch và giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Việt, văn hóa địa phương.

Các nước trên thế giới, có nhiều cách làm du lịch nhưng có một cách hay, được khá nhiều nước phát triển du lịch đặc biệt là châu Á áp dụng đó là bảo tàng mini hoặc mô hình phục dựng văn hóa, show diễn văn hóa, lịch sử ngay tại di tích, danh thắng.

Ví dụ, tại Singapore, du khách đến đảo Sentosa vừa có thể tham quan bảo tàng sáp nổi tiếng, trong đó phục dựng quá trình lịch sử, văn hóa, đời sống, tập quán của người Singapore. Cạnh đó là show trình chiếu, phục dựng và thuyết minh lịch sử dựng nước của Singapore.

Tại Ấn Độ, ngay dưới lòng ngôi đền hồng Akshardham, du khách sẽ được tham gia vào chuyến đi thuyền trên con sông nhân tạo, hai bên là tượng sáp và công trình phục dựng lịch sử nền văn minh Ấn Độ qua các thời đại và hướng tới tương lai.

Đây là một cách làm hay bởi nó khiến thắng cảnh, di tích trở nên sống động và chi tiết hơn. Du khách thông qua những show diễn hay mô hình có thể có thêm những thông tin hay, lý thú về lịch sử, đời sống văn hóa vùng đất ấy. Đồng thời gửi gắm trong đó là niềm tự hào dân tộc, tinh thần đẹp đẽ và nét hay, nét thú vị riêng biệt của người dân, của vùng đất, của di tích.

Chính những "bản mô tả sinh động" sẽ giúp di tích có hồn hơn, được hiểu và yêu quý nhiều hơn.Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những cách làm này vẫn chưa mấy khi được áp dụng trong khai thác di sản, thắng cảnh Việt. 

Đọc thêm