Những “bước phi chiến mã”
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - Cảng tàu khách du lịch chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam |
Với những chiến lược phát triển khác biệt để bền vững, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn thuộc top đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế. Nhìn lại 5 năm gần đây, kinh tế Quảng Ninh đã cho thấy giai đoạn tăng trưởng bứt tốc mạnh mẽ, tỷ lệ tăng trưởng từ 8,8% năm 2014 lên mức 2 con số qua các năm lần lượt là 11% năm 2015, 10,1% năm 2016, 10,2% năm 2017 và 11,1% năm 2018.
Năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11,6%. Nếu năm 2013 GDP bình quân đầu người đạt 2.958 USD/người thì năm 2018 con số này đã tăng gần gấp đôi với 5.110 USD/người.
Để đạt được những thành tựu đó, Quảng Ninh đã xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ khối tư nhân để phát triển. Với những nỗ lực, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, Quảng Ninh không chỉ là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành công trong thu hút đầu tư tư nhân mà còn 2 năm liên tiếp đứng đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) vào năm 2017 và 2018.
Sự tham gia đầu tư của các nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup… đã góp phần thay đổi bộ mặt của tỉnh với hàng loạt các công trình động lực ở nhiều lĩnh vực. Một trong những nhà đầu tư chiến lược tại Quảng Ninh là Sun Group đã song hành với tỉnh, đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển cả 3 đường “không-thủy-bộ” với các công trình điển hình gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (cảng tàu khách chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam); tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cả những công trình quan trọng khác vẫn đang được triển khai như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Sân bay quốc tế Vân Đồn tiếp sức cho du lịch Quảng Ninh bứt phá |
Theo thống kê của tỉnh, từ năm 2014-2018, tổng vốn đầu tư PPP tại Quảng Ninh đạt gần 45.000 tỷ đồng với 44 dự án. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 4.600 tỷ đồng, chiếm gần 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh huy động được gần 10 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở của tỉnh.
Cuộc song hành doanh nghiệp – địa phương
Quay trở lại khoảng chục năm về trước, dù Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới nhưng du lịch Quảng Ninh vẫn còn nghèo nàn, cơ sở vật chất du lịch gần như chưa có gì, hoạt động tham quan trên Vịnh Hạ Long chỉ mới bắt đầu bằng vài chiếc tàu gỗ đưa khách thăm Vịnh. Các hang động trên Vịnh chưa được đầu tư để phục vụ khách du lịch. Hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm còn thiếu và nghèo nàn.
Từ sau Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 05/02/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh mới thực sự đột phá.
Với quan điểm phát triển du lịch Quảng Ninh bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, Quảng Ninh đã tập trung xác định các chiến lược đột phá về thu hút đầu tư, lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách quản lý nhằm giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển du lịch.
Tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp Sun World Halong Complex |
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Diện mạo của Du lịch Quảng Ninh đã thật sự đổi khác. Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh, với nhiều công trình khách sạn, resort 5 sao mà trước đây đi cả Quảng Ninh cũng khó tìm. Điển hình như FLC Ha Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long), Vinpearl Resort & Spa Hạ Long tại Đảo Rều… Cùng với đó là những tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế như Sun World Halong Complex với Cáp treo Nữ hoàng, Khu vui chơi trên đỉnh Ba Đèo, công viên chủ đề Dragon, công viên nước Typhoon…
Đa dạng trải nghiệm, hạ tầng cơ sở hiện đại, đồng bộ, bởi có sự chung sức của những cái tên khủng như Vingroup, Sun Group, BIM Group..., du khách đến với Quảng Ninh cũng tăng ngoạn mục, với những luồng khách mới từ rất nhiều quốc gia trên thế giới như Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc... cho tới Anh, Pháp, Đức, Mỹ...
Năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón trên 12 triệu lượt khách du lịch, đạt 102% so với kế hoạch, tăng 24% so với năm 2017. Lượng khách du lịch 1 năm gấp 10 lần dân số của tỉnh. Trong đó, khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, đạt 105% kế hoạch, tăng 22,1% so với năm 2017; bằng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018.
7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch đến Quảng Ninh là 9,6 triệu lượt, đạt 69% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đạt 3,2 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch 7 tháng đầu năm đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Giáo sư Đặng Hùng Võ từng khẳng định: “Hạ Long - Quảng Ninh đang ở thời kỳ hoàng kim của bất động sản nghỉ dưỡng, khi hàng loạt dự án được đầu tư chuyên nghiệp, quy mô và đồng bộ, hứa hẹn tạo đà thu hút khách du lịch vượt trội”. “Ngôi vương” của Quảng Ninh đang rất gần, bởi đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh là những con “sếu đầu đàn” của ngành du lịch Việt.