Trạng Nguyên Giáp Hải và giai thoại nổi tiếng về bài thơ Vịnh Bèo đối đáp sứ thần Trung Hoa

(PLVN) - Trạng nguyên Giáp Hải (1517 - 1586) người xã Dĩnh Kế, huyện Phương Sơn (theo bia mộ Giáp Hà tìm thấy năm 1998 tại thôn Cốc, xã Dĩnh Trì - nay Dĩnh Kế và Dĩnh Trì đều thuộc TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Con đường mang tên Trạng nguyên Giáp Hải ở Tp Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Giai thoại về thân mẫu

Ông đã phò nhà Mạc 49 năm và từng giữ nhiều chức vị cao, đặc biệt là Thượng thư sáu bộ (Chưởng lục Bộ sự - nắm việc sáu Bộ) kiêm Đông các Đại học sĩ, coi việc ở tòa Kinh diên, tước Kế Khê bá, Thiếu bảo Luân Quận công, Thái bảo Sách Quốc công, được vua ban lá cờ thêu câu đối: Trạng đầu Tể tướng đẩu Nam Tuấn/Quốc lão Đế sư thiên hạ tôn (là Trạng nguyên, Tể tướng cao đẹp như sao Đẩu trời Nam/ Bậc Quốc lão, thày dạy qua thiên hạ đã tôn vinh).

Thân mẫu của ông là Giáp Hà ở làng Công-Luân thuộc huyện Văn Giang. Nguyên trước bà có ba gian nhà làm ở ngay bên đường để cho hành khách ngủ trọ. 

Vào một đêm nọ, bỗng có chú khách vào xin ngủ nhờ, sáng dậy vội vàng ra đi bỏ quên lại túi bạc. Mãi hơn nửa tháng sau mới trở lại hỏi, bà đem túi bạc trao trả cho chủ cũ. Chủ bèn chia ngay cho bà một nửa, nhưng bà không nhận. Vị khách vốn là một thầy địa lý liền bảo bà dẫn ra thăm mộ phần tổ tiên để đặt huyệt mộ cho vượng khí.

Trước khi từ giã, vị khách dặn: "Ví thử sau này có ai gặp sự cấp bách, thì bà phải nên dụng tâm cứu đỡ, tất nhiên sẽ được sự tốt lành".

Thế rồi nửa năm sau, bỗng có một người quê xã Bát Tràng nửa đêm mưa gió gặp nạn xin tá túc. Bà chủ nghĩ thương tình đốt lửa cho sưởi, dọn cơm cho ăn, ăn xong anh kêu rét quá, bà lại lấy chăn ra cho anh ta đắp! 

Nhưng rồi đêm càng khuya trời càng lạnh, bản thân bà lại không có chăn đắp nên đành phải nằm ghé xuống một bên rồi cùng đắp chung một chiếu. "Lửa gần rơm thì cháy", nhưng lại vô tình làm người đàn ông "thượng mã phong". Bà sợ lộ truyện, ngay đêm hôm ấy đem ra chôn giấu tại cánh đồng tha ma phía sau nhà ở. 

Chiêm bái bia thờ Trạng nguyên Giáp Hải.  

Sự thực bà cũng không biết chính giờ phút ấy mình đã thụ thai. Nhưng rồi sau đó mấy tháng, bỗng thấy người khách năm xưa trở lại hỏi rằng; từ khi để mộ ông cụ đến nay bà đã cứu được ai chưa. 

Giáp Hà không dám giấu, bèn đem hết việc trước kể cho người khách nghe. Nghe xong, người khách tò mò hỏi chôn ở chỗ nào. Bà dẫn ra nơi mộ địa, chú đứng ngắm nghía hồi lâu, rồi bảo bà rằng: "Huyện này là huyệt thiên táng (trời cho) nếu bà thụ thai tất nhiên sẽ sinh được Trạng nguyên Tể tướng đó. 

Quả nhiên, sau đó Giáp Hà sinh được cậu con trai trông rất kháu khỉnh. Nhờ có thiên tư sáng suốt. Lớn lên, học rộng nhớ nhiều, văn chương lại càng đặc sắc. Năm 23 tuổi thi đỗ Trạng nguyên năm ấy là khoa Mậu Tuất (1553) niên hiệu Đại Chính nhà Mạc.

Làm thơ Vịnh Bèo 

Triều Mạc chỉ tồn tại 65 năm (1527-1592) ở kinh thành Đông Đô (Thăng Long) đã phải chịu sức ép đe dọa của nhà Minh phương Bắc với chiêu bài “phù Lê diệt Mạc” mà thực chất là muốn xâm lược nước ta một lần nữa. Vận mệnh nhà Mạc ngàn cân treo sợi tóc nhưng vận mệnh đất nước được đặt lên trên hết. 

Trước nguy cơ giặc ngoại xâm tràn sang, vua tôi nhà Mạc nhẫn nhục chịu tội với quân Minh và dùng lời lẽ thiệt hơn để quân Minh không vượt qua biên giới. Kết quả là biên giới không có nạn binh đao mà Mạc Đăng Dung còn được vua Minh phong làm Đô thống sứ, hàm quan nhị phẩm nhà Minh. Tài biện luận ngoại giao đó là do các bề tôi nhà Mạc làm nên nhưng nổi bật là tài năng của Giáp Hải, vị tân Trạng nguyên. Sự đối đáp mềm dẻo mà cứng cỏi của ông được tương truyền qua sự việc Mao Bá Ôn và ông làm thơ Vịnh Bèo. 

Để thăm dò tinh thần vua tôi nhà Mạc và cũng là thể hiện sức mạnh, Mao Bá Ôn làm bài thơ Bèo (Bình thi) gửi vua tôi nhà Mạc. Bài thơ chữ Hán, dịch nghĩa như sau: Xương bé như cái kim trôi theo ruộng nước/ Đến bên mới thấy rễ chẳng cắm sâu/ Gốc rỗng không mà thân cũng rỗng không/ Không dám sinh ra cành lá thì đâu dám có lòng ruột/ Chỉ biết tụm lại đâu biết tản ra/ Chỉ biết nổi lên, đâu biết chìm xuống/ Gặp trận cuồng phong giữa trời/ Bị quét ra hồ ra bể, khó mà tìm thấy. 

Giáp Hải họa lại thơ chữ Hán, dịch nghĩa là: Dày như váy gấm đến kim cũng không xỏ qua được/ Mang áo giáp liền sát (nên) rễ chẳng cần phải ở sâu/ Đường đường tranh lấy mặt nước với mây trắng/ Sóng nước không để mặt trời soi xuống/ Sóng ngàn trùng cũng không phá nổi/ Muôn trận gió thổi mãi mà vẫn không bị chìm/ Không ít cá rồng ẩn nấp dưới đó/ Thái công Lã Vọng cũng không cách nào câu tìm được (cá rồng) đâu.

Vừa mới đỗ Trạng nguyên đã gặp thử thách lớn, Giáp Hải thể hiện lòng tự tôn dân tộc qua bài thơ Vịnh Bèo, rồi lòng yêu nước thương dân của ông còn thể hiện qua các bài thơ viết về sau. Đến thành nhà Hồ, nhớ lại cuộc xâm lăng của quân Minh ngày xưa bắt Hồ Quý Ly, đô hộ nước ta, ông bâng khuâng “Ai đem chữ Hồ chép vào sử nước/ Một chữ như sương mùa thu lưu lại muôn đời…”, ông cảm khái trước cảnh hoang tàn của thành, không giấu nổi lòng căm thù giặc Minh thuở đó “Nhìn những lá úa vàng nhớ lại mối hận cũ…” và khẳng định “Thành xây càng cao mối thù càng nặng mãi”, “Vỗ về dân là vua, ngược đãi dân là kẻ thù”. 

Đến Lam kinh thăm đền miếu thờ Lê Thái Tổ - Lê Lợi, vị anh hùng dân tộc đánh đuổi quân Minh xưa kia, ông không khỏi chạnh lòng “Những tấm bia nằm đổ gợi nỗi thương cảm/ Công đức bình Ngô (thuở nào) còn như màu xanh (của rừng kia)…, ông xúc động làm mấy bài thơ liền về phong cảnh đất Lam Sơn. 

Qua bài “Phụng sắc Bắc sứ thuật hoài” (Vâng mệnh vua đi sứ phương Bắc kể lại nỗi lòng), Giáp Hải thường tâm niệm “Xong việc, thành công, nào mong gì hơn?” và chỉ mong “Thiên tử được thái bình, dân được thái bình”. 

Ba lần dâng sớ can gián Vua

Phụng sự hai triều Vua nhà Mạc, Giáp Hải luôn tỏ ra là người chính trực, hết lòng vì công việc đất nước.

Năm 1578, Giáp Hải dâng sớ cảnh tỉnh nhà vua 6 điều đáng sợ. 

“… Nay chính sự mỗi ngày một bậy… làm lễ tiên tổ… lễ vật kính dâng cẩu thả. Ấy là một điều đáng sợ.

… Nay những người bên cạnh bệ hạ quen thói nịnh hót, dỗ dành chơi bời để cầu hợp ý bệ hạ. Cung cấm là chỗ rất nghiêm mà nay ra vào không cấm kỵ, tuyên bố mệnh lệnh và thu nạp lời can là việc rất cẩn thận mà nay bị che lấp không thông. Ấy là hai điều đáng sợ.

… Nay các quan trên dưới, người không ham lợi mười phần chỉ được hai, ba, còn ngoài ra đắm đuối về lợi cả. Nào nhũng lạm quan tước, nào chiếm đoạt ruộng đất, các quan phiên trấn sách nhiễu và mua rẻ của dân không việc gì là không làm. Ấy là ba điều đáng sợ.

… Nay xem quan lại trong ngoài, kể là chính đáng thì mười người chỉ độ hai, ba, còn đều là gian tà cả. Khi có sắc chỉ truyền việc gì thì quan lại sách nhiễu. Khi có kiện cáo to nhỏ thì đòi tiền đút lót, không biết đâu là cùng. Ấy là bốn điều đáng sợ.

… Nay việc công, việc tư đều bị sách nhiễu khổ sở, dân khó lòng sống được, vậy thì nước nương tựa vào ai? Ấy là năm điều đáng sợ.

… Nay tướng soái trái ngược nhau, mỗi người một ý, quân sao thắng được? Ấy là sáu điều đáng sợ.

Ngoài ra còn nhiều việc trái ngược đạo lý không kể xiết được… xin bệ hạ tự răn, lo sợ, thay đổi việc chính thối nát. Khi lòng dân đã hòa thì ý trời cũng thuận. Nếu bệ hạ chỉ say đắm về sự yên vui, không chịu răn chừa sửa đổi thì sẽ có ngày suy vong, không sao giữ được nữa”.

Năm 1586, Giáp Hải lại có sớ cho Mạc Mậu Hợp. Ông lại cảnh tỉnh vua: … "Tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người ngay, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không gây lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự rong chơi…". 

Năm 1586, Giáp Hải lại có sớ cho Mạc Mậu Hợp. Ông lại cảnh tỉnh vua: … "Tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người ngay, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không gây lợi về tiền của, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự rong chơi…". 

Với những đóng góp của mình, Giáp Hải là nhà văn hóa lớn thời Mạc cũng là nhà văn hóa lớn thế kỷ XVI trong lịch sử nước ta. TP Bắc Giang có đường phố, Trường THPT mang tên ông.

Đọc thêm