* Bài 1: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - (Bài 1): Thuở nhỏ thông Kinh văn, lớn lên vịn ngai vàng
* Những giai thoại kỳ lạ xung quanh cuộc đời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Những lời tiên tri chỉ đường đi nước bước
Tuy ở ẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được triều đình chú ý, thường hỏi han ý kiến về chính trị, có lần còn được mời ra theo nhà vua hành quân, tham dự vào các cuộc chiến trận. Ông nổi tiếng là một bậc tôn sư đạo cao đức trọng, được cả nước kính nể.
Thời đại Nguyễn Binh Khiêm đang sống là thời đại tranh chấp giữa nhiều thế lực. Các phe phái Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn hầm hè đấu trí đấu sức để diệt nhau, mưu sự thịnh vượng cho mình. Nhưng phe nào cũng chưa dám chắc là tương lai có thuộc về họ không. Lớp văn nhân võ sĩ lúc này cũng lúng túng. Có kẻ loay hoay không chọn được đường đi, không biết nên phò tá triều đại nào, dòng họ nào là có nhiều hứa hẹn hơn cả.
Tuy vậy, phe phái nào cũng xem ông như bậc thầy, tìm đến hỏi han kế sách. Uy tín của ông càng thêm lớn. Ông sẵn sàng giúp đỡ ý kiến cho họ, giữ đúng tư cách của mình và luôn luôn thể hiện được tấm lòng ưu ái đối với nhân dân, lòng tha thiết vơi cảnh thái bình, phản đối chiến tranh, xung đột.
Nhà Lê được các bề tôi phò tá, đã chạy vào lập căn cứ ở Thanh Hóa, có cái thế trung hưng. Các danh sĩ ở đất Bắc đều hướng vào vùng đất này, luôn luôn cân nhắc xem nên theo Lê hay ở lại với nhà Mạc.
Trong số những con người đi tìm đường chọn chúa ấy, có cả Phùng Khắc Khoan, người con nuôi của bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm (theo truyền thuyết). Chuyện kể rằng, một ngày, Phùng Khắc Khoan tìm đến quán Bạch Vân, trò chuyện với anh để hỏi han sự thể.
Suốt cả buổi, khi ngồi đàm đạo tình hình đất nước, khi ăn cơm uống rượu với nhau, Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề bảo cho Phùng Khắc Khoan là nên định hướng thế nào. Ông Khoan hơi băn khoăn, nằm trằn trọc mãi khuya mới chợp mắt. Vào lúc trời chưa sáng rõ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cạnh bưồng, đập cửa, nói vọng vào: "Gà đã gáy rồi, sao không dậy? Còn ngủ gì nữa".
Ông Khoan giật mình thức giấc. Ông ngầm hiểu ý của Trạng Trình. Phải chăng ông anh muốn bảo mình là đã đến lúc có thể vào Thanh Hóa với nhà Lê.
Phùng Khắc Khoan vội vàng dậy, sắp đặt hành lý rồi đến chào từ biệt anh. Trạng Trình vẫn không nói gì, đợi lúc ông Khoan quay gót, liền cuốn một chiếc chiếu ngắn ném theo. Nghe tiếng chiếc chiếu rơi phịch cạnh bước chân mình, Phùng Khắc Khoan hiểu ra thêm ý của Trạng. Ông quay đầu lại chào anh một lần nữa, rồi rảo bước nhanh ra đường thôn lý, nhìn hướng Tam Điệp mà vượt núi băng sông. Trạng Trình đã có ý giục ông: "phải hành động nhanh như cuốn chiếu, chứ đừng chăn chờ gì nữa".
Quả nhiên vào Thanh, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng được trọng dụng. Thái sư Trịnh Kiểm rất tin tưởng người phụ tá này, việc gì quan trọng cũng hỏi ý kiến.
Có một việc trọng đại nhất là khi Lê Trung Tông mất (1556), Trịnh Kiểm muốn nhân dịp này để nhà Trịnh thay thế hẳn nhà Lê, vì thực chất sự nghiệp trung hưng, công lao và khả năng đầu ở họ Trịnh mà nên cả. Trịnh Kiểm hỏi ý Phùng Khắc Khoan. Ông Khoan lúng túng không biết trả lời thế nào, xin khất để cho người bí mật ra hỏi ý kiến Trạng Trình.
Người được cử đi kể lại, quan Trạng không bảo ban gì cả. Những câu hỏi trong thư không được ngài trả lời.
"Thế ông được ngài tiếp đãi và trò chuyện ra sao? Hoặc khi tiếp chuyện ông, ngài có nói câu gì với ai không?", Phùng Khắc Khoan hỏi.
"Dạ, ngài tiếp đãi rất chu đáo, nhưng không ứng đáp cho một lời nào. Nhưng tôi có được nghe, giữa lúc nhấp chén trà với tôi, người có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu chuyện cả: "Năm này thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ", người bầy tôi kể. Phùng Khắc Khoan gật đầu: "Đó chính là lời Trạng nói với chúng ta dấy. Ông cố nhớ lại xem Trạng có nói thêm gì nữa không?"
Người bề tôi lại tiếp: "Dạ nếu thế thì còn có mẩu chuyện này. Vừa cạn tuần trà, Trạng đứng dậy xin ra chùa thắp hương. Tôi giữ lễ xin phép đi theo ngài. Đến cửa chùa, nhà sư trụ trì ra đón. Trạng bảo với sư là: "giữ chùa, thờ phật thì ăn oản".
Phùng Khắc Khoan lại gật đầu rồi vội vàng đội khăn mặc áo vào báo lại với Trịnh Kiểm. Thái sư họ Trịnh hiểu ngay ý của Trạng dặn phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài. Nhờ câu chuyện khuyên bảo này mà họ Trịnh phải cố tìm cho được Lê Duy Bang phò lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Lời khuyên cho chúa Nguyễn
Năm 1545, Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay con rể là Trịnh Kiểm. Hai người con ông, em vợ Trịnh Kiểm, tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn đời. Trịnh Kiểm có ý dè chừng mấy cậu sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên đã ngầm ngăn trở. Nhân một dịp thuận tiện, Nguyễn Uông phạm lỗi phải chịu phép gia hình. Nguyễn Hoàng lo cho số phận của mình, cho người kín đáo lên hỏi Trạng Trình xin bày cho con đường tránh âm mưu ám hại của họ Trịnh.
Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và thốt lên một câu: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Câu nói được kể lại nguyên văn, Nguyễn Hoàng được Trạng Trình bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp. Ông vội vàng đến nói riêng với bà chị, lựa lời xin cho ông vào trấn đất Thuận Hóa. Nhờ thế, mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Cũng vào loại thành ngữ có dụng ý khuyên răn này, còn có câu chuyện Trạng bày vẽ cho nhà Mạc. Vào khoảng cuối năm Ất Dậu (1585), tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu mà Trạng Trình cũng đang cơn ốm nặng, gần đất xa trời.
Mạc Mậu Hợp cho người về Bạch Vân vấn an Trạng, luôn thể hỏi thăm tình thế sau này, vạn nhất gặp nhiều biến cố thì nên xử trí ra sao. Nghe nói, Trạng đã bảo nhỏ viên khâm sai: "Cao Bằng tuy tiếu, khả dung sổ thế". Quả nhiên, khi bị nhà Lê đánh bại, họ Mạc đã rút lên Cao Bằng, và còn tồn tại ở đó thêm mấy đời vương triều nữa.
Những giai thoại sau khi Trạng Trình qua đời
Người đời kế rằng, con cháu Trạng Trình mấy chục năm sau (hay mấy trăm năm, mỗi người nói một cách), lâm cảnh đói nghèo sa sút. Nhưng gia đình vẫn giữ được nguyên một phong thư kín, Trạng giao cho, dặn không được mở ra, mà phải để đến đúng giờ ấy, ngày tháng năm ấy thì mang trình tận tay quan sở tại, mà phải gặp cho được quan để quan đích thân mở thư ra.
Con cháu giữ đúng như lời Trạng dạy, tìm đến công đường, nằng nặc xin được yết kiến viên quan. Lúc ấy giữa trưa, viên quan đang nằm nghỉ. Nghe tin con cháu cụ Trạng Trình mang thư đến gấp, quan rất ngạc nhiên không biết vì sao, lồm cồm bò dậy để ra cửa.
Ông vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng rầm một cái: chiếc thượng lương không biết bị mọt ăn rỗng từ bao giờ, rơi ình xuống chính giữa giường ông, làm gẫy đôi mấy chiếc thang giường! Thật là hú vía. Ông mà không kịp dậy nhận thư Trạng, cứ nằm ỳ như mọi hôm thì tan xác chứ còn gì! Cả bọn người nhà và lính tráng chạy vào, ai cũng lè lưỡi, lắc đầu, chúc cho hồng phúc của quan thật là to lớn. Viên quan hoàn hồn mới mở thư Trạng ra xem. Thư chỉ có hai câu: "Ngã giải nhĩ thượng lương chỉ ách/ Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần (Nghĩa là: Cứu ngươi thoát nạn đổ nhà/ Ngươi nên cứu cháu con ta đói nghèo).
Chưa hết ngạc nhiên vì chiếc thượng lương rơi xuống, cả đám đều kinh hoàng vì lá thư! Sao mà Trạng Trình tài giỏi đến mức ấy. Chết cách đây hàng trăm năm, mà Trạng lại biết được rõ ràng ngày này, giờ này thì cái thượng lương của nhà ông quan này bị đổ. Dúng là không có người nhà Trạng đến thì quan lớn còn chỉ là đời! Tài tiên tri của Trạng là như thế đó.
Vào khoảng năm 1831, tiếng đồn về đến kinh thành Huế rằng ở vùng đất Hải Dương đang có âm mưu nổi loạn. Tin mật báo lại cho biết có thể bọn gây loạn hoặc là con cháu Trạng Trình, hoặc đang cầu xin Trạng Trình ứng mộng bảo ban gì đấy.
Triều đình bí mật tin cho Tổng đốc Hải Dương lúc này là Nguyễn Công Trứ phải đi tra xét, ngăn cản khồng cho dân chúng dựa vào tiếng tăm, uy thế của Trạng Trình. Nguyễn Công Trứ vâng mệnh, kéo quân đến Vĩnh Bảo, bắt triệt hạ ngôi đền thờ Trạng.
Lính tráng cứ theo lệnh mà làm. Họ vào khuân các đồ thờ phụng ra, rồi cho đánh đổ các bức tường, hạ những cây cột xuống. Từ trên chỗ đầu giao của một vì kèo, bỗng rơi xuống một cái hộp nhỏ. Nguyễn Công Trứ mở hộp ra. Ông choáng người vì trong hộp chỉ có mảnh giấy ghi sẵn mấy chữ: "Minh Mệnh thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền rồi lại làm đền/ Nào ai cướp đất tranh quyền được ai?"
Thế là lập tức, Nguyễn Công Trứ thảo sớ về kinh xin bãi bỏ lệnh phá đền, rồi cho người xây lại đền như cũ.
(Còn nữa)