Tranh cãi chưa có lời giải về bức tượng giống người thật ở chùa Quán Sứ

(PLVN) - Cách đây hơn 8 năm, bức tượng được cho là của Hòa thượng Thích Bình Lương, người đã có công cưu mang, bảo bọc Bác Hồ trong những người lưu lạc bên đất Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều người đặt nghi vấn bức tượng không phải sự cụ Thích Bình Lương mà giống vị Thiền sư Phra Mongkhonthepmuni nổi tiếng tại Thái Lan. 
Bức tượng sáp được cho là giống Hòa thượng Thích Bình Lương.
Bức tượng sáp được cho là giống Hòa thượng Thích Bình Lương.

Nhà tu hành yêu nước

Thái Lan vốn nổi tiếng với việc làm tượng sáp: tượng có tóc, quấn y giống hệt nguyên mẫu ... và bức tượng được cho là sư cụ Thích Bình Lương đang được thờ trong gian nhà thờ Tổ của chùa Quán Sứ (Hà Nội) cũng xuất phát từ đất nước này. 

Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nguyên trụ trì chùa Quán Sứ) cho hay: Pho tượng được đồn thổi bỗng dưng mọc tóc, thực chất là tượng của vị sư cụ Thích Bình Lương. Đó cũng chính là vị sư có công cưu mang Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người còn hoạt động cách mạng ở Thái Lan. Hòa thượng Thích Bình Lương có tên là Phạm Ngọc Đạt. 

Ông Phạm Ngọc Đạt sinh năm 1882 và lớn lên trong một gia đình có 3 anh em trai tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông cùng hai anh trai và bố đẻ của ông đều từng tham gia phong trào khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Khi phong trào này thất bại ông đã phải sang Thái Lan lãnh nạn và tiếp tục hạt động với phong trào Đông Du của nhà yêu nước Phan Bội Châu. 

Khi sang đất Thái Lan, ông vừa tu hành vừa hoạt động cách mạng tại ngôi chùa có tên Việt là Từ Tế tại thủ đô Băng Kok. Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông đã liên kết với phong trào của Đặng Thúc Hứa.Các phong trào này đều nhằm mục đích là chống thực dân Pháp xâm lược nhằm giải phóng dân tộc, nhưng các tổ chức này không giành được thắng lợi. 

Thiền sư Phra Mongkhonthepmuni nổi tiếng tại Thái Lan.
Thiền sư Phra Mongkhonthepmuni nổi tiếng tại Thái Lan.  

Năm 1926 ông Phạm Ngọc Đạt biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người có chí hướng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới. Vì vậy ông Phạm Ngọc Đạt đã tìm cách liên lạc và đã cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập hợp những người yêu nước, nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động trong những ngày trên đất Thái Lan.

Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hòa thượng Thích Bình Lương bắt đầu từ tháng 7/1929. Trước đó, vào tháng 7/1928, Bác Hồ từ Đức sang Thái Lan. Thời điểm đó, Pháp biết tin Người đang ở Xiêm nên đã phối hợp với cảnh sát Xiêm lúc ấy để truy bắt để giao nộp cho Pháp. Gặp lúc hiểm nguy, Bác Hồ đã lánh nạn vào một ngôi chùa Việt trên đất Thái vào tháng 7/1929. Ngôi chùa đó chính là Từ Tế Tự do Hòa thượng Thích Bình Lương trụ trì. 

Để tránh sự theo dõi và truy lùng gắt gao của cảnh sát Thái Lan và mật thám Pháp, Bác Hồ phải cạo đầu, mặc áo cà sa giả làm sư và ẩn dật trong ngôi chùa này. Sau thời gian trên, Bác hồ mới rời Thái Lan sang Thượng Hải, rồi sang Hồng Kông.

Việc Bác có mặt tại ngôi chùa đã được tác giả Trần Dân Tiên đề cập tới ở cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Nhà xuất bản Sự Thật in năm 1975. Trang 71 cuốn sách này có ghi: “…Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lãnh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động. Sự việc cũng được khẳng định trong cuốn “President Ho Chi Minh” của tác giả Vi Nay Khun U Đôm của Thái Lan. Trang 53 của cuốn này viết: “để che mắt cảnh sát và mật thám Pháp, ông Hồ Chí Minh đã dùng áo cà sa làm vật che thân, bằng cách đi tu ở trong một ngôi chùa của người Việt ở thủ đô Băng Cốc”.

Không chỉ cưu mang Hồ Chủ Tịch, chùa Từ Tế còn là nơi nơi nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1945 sư Bình Lương tiếp tục vận động bà con Việt kiều quyên góp tiền vàng gửi về nước ủng hộ cuộc trường kỳ kháng Pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Việc làm vì đạo pháp gắn với dân tộc của sư Bình Lương được đông đảo Phật tử người Việt và người Xiêm nhiệt thành ủng hộ.

Hòa thượng Thích Bình Lương.
Hòa thượng Thích Bình Lương.  

Tháng 3/1964, nhà sư Bình Lương bị bệnh nặng và có nguyện vọng được về nước để sống những ngày cuối cùng và gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ nguyện vọng này, Việt Nam đã có sự thoả thuận với Hội đồng thập tự Thái Lan và rồi tổ chức một chuyến bay đặc biệt đưa nhà sư về Hà Nội. Khi ấy, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm hoà thượng Bình Lương trong bệnh viện Việt Xô. 

Ngày 20/4/1966, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Hòa thượng Thích Bình Lương qua đời, hưởng thọ 96 tuổi. Tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã được tổ chức chu đáo và trọng thể, từ xưa nay chưa từng có. Bác Hồ được tin Hòa thượng từ trần đã gửi một vòng hoa lớn, đẹp, có dòng chữ thêu: “Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước - Đồng chí Hồ Chí Minh”.

Những thắc mắc xung quanh bức tượng

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết: Pho tượng của Hòa thượng Thích Bình Lương được rước về thờ tại chùa Quán Sứ khi Hòa thượng Thích Thanh Tứ còn sống. Người đã cùng sang Thái Lan, đến ngôi chùa nơi Hòa thượng Bình Lương tu hành khi xưa thì gặp người đệ tử của hòa thượng Bình Lương - nay đã là trụ trì chùa.

“Đến năm 2008, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Việt Nam thì vị sư này sau khi dự đại lễ về đã đặt làm một pho tượng Hòa thượng Thích Bình Lương rồi rước về thờ ở chùa Quán Sứ cho đến giờ”. 

Pho tượng khắc họa một vị sư mặc áo cà sa màu vàng, ngài ngồi xếp bằng, hai tay đặt thiền định phía trước. Pho tượng chỉ cao khoảng 50cm, đặt trong chiếc tủ kính nhỏ. Được tạo tác bằng chất liệu sáp nên pho tượng có được vẻ sống động, tạo cho người khác cảm giác như đó là một con người bằng xương bằng thịt đang ngồi thiền.

Từng đường nét trên khuôn mặt như đôi lông mày, nét mũi, miệng, nếp nhăn hai bên khóe mép, nếp nhăn cuối má, những đường gân hay nếp nhăn trên cổ... đều trông như của người sống. Từng vết chấm đồi mồi trên da hay những đường gân trên bàn tay cũng hiển hiện rõ mồn một. Đặc biệt trên đầu pho tượng vị Hòa thượng còn có tóc. Đó là lớp tóc bạc ngắn, mọc lấm tấm trên đầu pho tượng.

Nếu theo những vị nhà sư trong chùa thì đây là Hòa thượng Thích Bình Lương, tuy nhiên lại có nhiều phật tử tu hành, đặc biệt những người trên đất Thái Lan lại cho rằng đây là hình tượng khắc họa của vị Thiền sư nổi tiếng của Thái Lan là Phra Mongkhonthepmuni. 

Thiền sư Phra Mongkhonthepmuni là người sáng lập của Thiền phái Dhammakaya (Pháp Thân), Thái Lan vào năm 1914, là một trong những vị Tăng sĩ Phật giáo Thái Lan được tôn kính nhất trong lịch sử tôn giáo của nước này. Người Thái đã tôn tạo tượng ngài (bằng vàng thật) thờ tại wat Dhammakai cũng như làm tượng nhỏ đeo ở cổ mà người Thái quan niệm là bùa hộ mệnh. Ngoài ra, tượng của ngài cũng được thờ tại tư gia thuộc các gia đình tu tập theo pháp môn Dhammakai. 

Những người cho rằng bức tượng sáp giống người thật tại chùa Quán Sứ không phải là Hòa thượng Thích Thái Bình bởi những lý do sau: Thứ nhất, bức tượng tại chùa Quán Sứ đang mặc y phục của một tu sĩ Thái hệ Theravada. Tuy nhiên, cố Hòa thương Bình Lương, trú trì chùa Từ Tế (Bangkok), là một tu sĩ An Nam tông, nên không thể mặc y phục giống tu sĩ Thái hệ Theravada. Bởi Phật giáo An Nam tông có y phục riêng do vua Thái quy định, theo hệ Đại thừa Phật giáo. 

Thứ hai, hình ảnh thật về Hòa thượng Thích Bình Lương, nhỏ người, hơi ốm, sống mũi nhỏ nên không thể là nguyên mẫu của pho tượng (ở chùa Quán Sứ). Trong khi pho tượng này, thân người to, với hình sống mũi to, thân hình có vẻ cao lớn giống người châu Âu. 

Dù có nhiều nghi vấn xung quanh về tạo hình của bức tượng nhưng trên hết đây vẫn là lòng tôn kính với những nhà tu hành có công lớn trong việc gìn giữ và phát triển mọi điều tốt đẹp của Phật giáo. Tại chùa Quán Sức bức tượng vẫn thu hút sự tò mò và lòng tôn kính của thập tử mọi phương khi về chiêm bái tại đây.

Đọc thêm