“Tôi cảm thấy an tâm hơn khi mẹ ở đây”, Yang, 18 tuổi tới từ một thị trấn cách trường đại học hơn 700 dặm chia sẻ. “Tôi chưa từng xa nhà”.
Mẹ Yang – bà Ding Hongyan là một nông dân. Bà là một trong hơn 1.000 phụ huynh của niên khoá 2022 đã cắm trại gần trường để tiện chăm sóc con khi chúng nhập học.
Họ mang theo những gói hạt hướng dương, chiếc ba-lô Kitty với đầy giấy vệ sinh bên trong và những lời khuyên về đủ các đề tài: giá bánh bao hấp (1,5 USD), ngành học dễ kiếm tiền nhất (kỹ sư) và chuyện yêu đương có nên hay không (tốt nhất là tránh khi còn đang học).
Kể từ năm 2012, ĐH Thiên Tân đã cung cấp những “túp lều tình yêu” miễn phí cho phụ huynh với mục đích để các gia đình nghèo dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ con em chuyển đến một nơi ở mới. Ý tưởng này giờ đây đã được các trường đại học khắp Trung Quốc làm theo.
Tuy nhiên, hiện tượng này làm dấy lên những tranh cãi về việc liệu cha mẹ có đang quá chiều chuộng và khiến “thế hệ con một” của đất nước này trở nên thiếu tự lập hay không.
Thế hệ già hơn – những người phải sống trong đói nghèo và thiếu thốn thì chỉ trích các bậc phụ huynh rằng họ đang nuôi dạy những đứa trẻ không quen với gian khổ.
|
Nhiều phụ huynh Trung Quốc bị cho là đang quá chiều chuộng con |
Trong khi đó, chính những người trẻ thì cho rằng họ có thể tự quyết được.
“Tôi sẽ học cách chăm sóc bản thân. Tôi không lo lắng về bất cứ điều gì” – Yang nói.
Cuộc tranh luận về những chiếc lều cũng sôi nổi trên các diễn đàn mạng, cho thấy tốc độ thay đổi nhanh chóng ở Trung Quốc.
Nhiều người trẻ Trung Quốc ngày nay là những người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Chính phủ nước này mở ra hàng trăm trường đại học trong những năm gần đây. Lượng thí sinh đăng ký ngày một đông, đạt 37,8 triệu sinh viên vào năm ngoái – tăng hơn 20% so với năm 2010.
Ở ĐH Thiên An, các bậc phụ huynh cho biết họ đăng ký nhận lều vì lo lắng khi con phải tự lập xa nhà và vì họ không đủ tiền thuê nhà ở thành phố lớn. Nhiều gia đình đến từ nông thôn. Họ là những người nông dân, giáo viên, công nhân xây dựng.
Anh Qi Hongyu, chủ một trường mầm non ở Giang Tô, cho biết anh đi một quãng đường dài tới Thiên Tân vì tự hào về con gái và muốn nhìn xem trường đại học của cô bé trông như thế nào. “Con bé đang thực hiện ước mơ của tôi” – anh nói.
Anh Qi – người lớn lên trên các trang trại – nói rằng, thế hệ con gái anh có cuộc sống thoải mái hơn các thế hệ trước. Nhưng anh hi vọng chúng sẽ tự lập hơn bằng việc sống xa nhà.
“Bọn trẻ lớn lên trong nhà kính. Chưa bao giờ trải nghiệm cuộc sống thực. Chỉ có mỗi việc học”.
Hoàng hôn xuống, hàng trăm phụ huynh, với chăn gối trong tay, mang vào nhà thể chất để giữ chỗ, chen lấn nhau để giành những chỗ gần hàng ghế khán giả. Họ rửa mặt và đánh răng ở những phòng thay đồ gần đó.
|
Phụ huynh của sinh viên năm nhất cắm trại ở ĐH Thiên Tân khi con họ đang làm quen với cuộc sống mới. |
Phòng thể chất tràn ngập những âm thanh với phương ngữ tới từ khắp các địa phương của Trung Quốc. Nhiều phụ huynh phải rất nỗ lực để hiểu được người kia nói gì.
Trước khi ngủ, họ trò chuyện với nhau về nơi bán đồ ăn sáng ngon nhất, nơi mua chăn màn rẻ nhất cho con. Họ so sánh điểm số của các con và thảo luận về cách khuyến khích con cái chọn những ngành nghề có mức lương hấp dẫn.
Yang Luping – một giáo viên tiếng Anh tới từ khu vực nông thôn – nhắc nhở con gái phải học cách tự giặt đồ. Cô bé nói chen vào: “Con biết rồi”.
Chị Yang tự nhận mình là một “mẹ Hổ” chính hiệu. Suốt bao nhiêu năm, chị luôn nỗ lực để con có thể vào được một trường đại học tốt. Khi con còn nhỏ, chị mua búp bê Barbie để khuyến khích con học. Chị gửi con vào trường nội trú. Mỗi cuối tuần, khi con về nhà, chị lại giặt toàn bộ quần áo trong tuần mà con đã mặc.
Chị Yang ví con gái như một “món quà tới từ thiên đường”. Chị nói, việc hỗ trợ con trong những ngày đầu nhập học là rất quan trọng.
“Tôi muốn ở cạnh con để chắc chắn rằng con an toàn và vui vẻ” – chị nói. “Tôi luôn nói với con rằng ước gì kiếp sau chúng ta lại là mẹ con”.
Chị Ding, một nông dân, thì chia sẻ lo lắng về việc con trai sẽ ăn ở như thế nào trong một thành phố có quá nhiều toà nhà chọc trời và những cám dỗ. Khi còn nhỏ, Yang hay bị sốt. Đôi khi, cậu cũng bị nghiện điện thoại, trò chơi điện tử và các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Sau hành trình 36 tiếng trên tàu hoả và xe buýt từ Hồ Bắc đến những túp lều ở Thiên Tân, chị Ding đã đưa ra một số lời khuyên cho con trai. Không chơi điện tử. Không chơi với những đứa lười biếng. Không yêu đương nhăng nhít.
Yang – đeo cặp kính đen dày, có bộ ria mép mờ, mặc chiếc áo phông vàng choé có in dòng chữ “Sự tái sinh” – trông đầy hoài nghi về những gì mẹ cậu nói. “Chẳng cần thiết” – cậu bảo.
Họ không tranh cãi thêm nữa, và hứa hẹn với nhau sẽ giữ liên lạc thường xuyên qua điện thoại và WeChat – một ứng dụng tin nhắn phổ biến ở Trung Quốc. Miễn là nó không làm phiền tới việc học tập của cậu.