Tranh chấp vay tài sản với hình thức thỏa thuận miệng giải quyết như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Văn Hưởng (Thái Bình) hỏi: Tôi và ông A quen biết nhau, ông A vay tôi 800 triệu đồng trong thời gian 8 tháng, với hình thức thoả thuận miệng, trả lãi theo lãi suất ngân hàng, có ghi âm xác nhận. Từ khi vay cho đến nay đã hơn 1 năm, ông A không trả cho tôi tiền lãi và gốc, ông luôn khất nợ. Được biết, ông A đang đứng tên sở hữu một ngôi nhà có giá trị. Xin hỏi theo quy định của pháp luật thì tôi phải làm thế nào?
Tranh chấp vay tài sản với hình thức thỏa thuận miệng giải quyết như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Công ty luật TNHH Chí Công & Thiện Tâm) cho biết: Căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản như sau: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự 2015: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Đối chiếu các quy định pháp luật nêu trên, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định

Đối với hợp đồng vay tài sản pháp luật không quy định bắt buộc phải lập thành văn bản. Do đó, việc cho vay tiền chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Căn cứ khoản 1, Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo như bạn trình bày, hợp đồng vay tiền giữa 2 bên không có thoả thuận về thời hạn vay. Vì vậy trong trường hợp bạn muốn ông A thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ khoản nợ cho nhà bạn thì bạn cần phải thông báo cho ông A thu xếp thanh toán đầy đủ trong một khoảng thời gian hợp lý.

Như vậy, ông A sẽ phải trả cho bạn khoản nợ gốc và lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp, hết thời hạn, ông A không trả cho bạn đúng theo như thỏa thuận, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người vay cư trú, làm việc để đòi lại số tiền đã cho vay.

Căn cứ Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Trường hợp của bạn, do lãi suất hai bên thỏa thuận bằng miệng không được thể hiện trong giấy vay tiền, nên bạn có nghĩa vụ chứng minh với Tòa án về việc thỏa thuận lãi suất giữa hai bên.

Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bạn có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án buộc người vay tiền phải trả tiền.

Trường hợp ông A không có khả năng trả nợ, nếu ông A có tài sản là ngôi nhà, thì cơ quan thi hành án dân sự có thể kê biên ngôi nhà của ông A để thực hiện việc thi hành án.

Đọc thêm