Trung tâm Chính sách Nhân quyền Liên Hợp quốc tại Hàn Quốc (KOCUN) và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ đã lập kế hoạch, triển khai Dự án “Việt - Hàn chung tay chăm sóc” từ tháng 7/2016. Trong đó, hoạt động dạy nghề cho phụ nữ hồi hương được xem như một cách “trao cần câu” để các chị em thêm tự tin, tiếp tục tạo dựng cuộc sống tốt đẹp tại quê nhà.
Từ đó, các buổi sinh hoạt cộng đồng đa văn hóa trở thành nơi tập hợp sinh hoạt của hơn 100 thành viên là các chị em từng hoặc đang kết hôn với nam giới Hàn Quốc và con của họ. Tại đây, các chị em được trao đổi và ghi nhận về nhu cầu học nghề để Trung tâm hỗ trợ phù hợp.
Chị Đặng Phạm Khánh Hòa, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN TP Cần Thơ cho biết, mỗi học viên trước khi tham gia học nghề đều trải qua chương trình phỏng vấn của KOCUN và Hội LHPN TP Cần Thơ.
Những học viên có định hướng nghề rõ ràng, thật sự mong muốn học nghề để cải thiện cuộc sống sẽ được hỗ trợ. Với cách làm này, Trung tâm “Việt - Hàn chung tay chăm sóc” đã góp phần hỗ trợ “cần câu” để tạo sinh kế lâu dài cho chị em hồi hương, tiếp thêm động lực, niềm tin cho chị em để các chị thêm tự tin hướng tới tương lai.
Như vậy có thể thấy việc tạo sinh kế lâu dài cho phụ nữ di cư hồi hương là rất cần thiết và đây cũng là mục tiêu hướng tới của Dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp thực hiện, vừa khởi động vào ngày 6/3/2020.
Mục tiêu hướng tới của dự án là cải thiện môi trường hỗ trợ chính sách và nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề liên quan đến phụ nữ di cư hồi hương từ Hàn Quốc;
Xây dựng một nghiên cứu ban đầu và đưa ra khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách trong tương lai; Tăng cường năng lực kỹ thuật cho cán bộ Hội LHPN Việt Nam để thành lập các văn phòng hỗ trợ một điểm đến;
Tư vấn và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương thông qua việc thiết lập và vận hành thí điểm các văn phòng hỗ trợ một điểm dừng tại năm địa điểm của dự án.
Bà Đặng Thúy Hạnh – chuyên gia của IOM cho biết, ngày từ tuần này cán bộ dự án sẽ tiếp cận với 200 phụ nữ di cư hồi hương từ 5 tỉnh để đánh giá thông tin về các khó khăn họ đã và đang gặp phải để từ đó dự án có sự nhận định và giải pháp hoạt động hiệu quả nhất.
Lý giải về sự tham gia của Hội LHPN Việt Nam vào dự án, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Phụ nữ di cư thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý, cơ hội việc làm và những vấn đề liên quan đến con của họ. Đó là lý do tại sao chúng tôi với tư cách là một tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam quyết định hợp tác với IOM để thực hiện dự án quan trọng này”.