Nhói lòng cảnh ngộ cô học trò nghèo đỗ ĐH

(PLO) - Cô học sinh nghèo Dương Thị Mỹ Nhung (SN 1998, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn khi cha mất, mẹ bị bệnh tâm thần, 3 em nhỏ đang đi học. Mới đây, khi biết tin mình đỗ vào Học viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội), lòng Nhung ngổn ngang trăm mối…
Cô học trò nghèo học giỏi Dương Thị Mỹ Nhung.
Cô học trò nghèo học giỏi Dương Thị Mỹ Nhung.

Bước qua nỗi đau

Ngôi nhà nhỏ mà Nhung cùng 3 đứa em và mẹ Nguyễn Thị Hoa (SN 1978), bà ngoại Trần Thị Lụa (SN 1951) đang sống nằm sát mép biển ở xã đảo Nhơn Lý. Ngôi nhà chưa đầy 30m2 nhưng các bức tường dán chi chít giấy khen. Nhà không có nổi cái bàn để tiếp khách, ly uống nước cũng sứt mẻ nhưng vở sách học tập được cất cẩn thận trong thùng giấy ngay góc nhà.

Hôm chúng tôi đến, bà Lụa ho sù sụ đang nằm co cúm ở một góc nhà. Ngoài hiên nhà, cô bé Hiền đang phụ mẹ dọn dẹp. Hỏi về Nhung, chị Hoa cho biết, Nhung cùng Chương đang ở trong trung tâm TP.Quy Nhơn mua hồ sơ nhập học cho cả hai.

Nói rồi, chị Hoa kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình. Trước đây, chị và anh Dương Hồng Vân (ở xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) quen và nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của hai bên gia đình. Sau đám cưới, vợ chồng chị lần lượt sinh 4 đứa con. Vì gia đình nghèo lại không có đất để trồng trọt, vợ chồng chị Hoa phải đi làm thuê để nuôi 4 con. 

Tuy nhiên, tháng 6/2012, đang trên đường đi làm về, anh Vân bị tai nạn giao thông rồi qua đời. Sau ngày chồng mất, chị Hoa cũng có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Một tay nuôi đàn con nhỏ nên căn bệnh của chị Hoa ngày càng nặng.

Tháng 4/2013, trong lúc phát bệnh, chị Hoa đã khóa trái cửa nhốt 4 đứa con trong nhà. Thậm chí, chị còn bỏ đói và dọa giết các con để tế “bề trên”. Khi lực lượng công an đến giải cứu, 4 đứa trẻ ngây thơ đang trong tình trạng kiệt sức, hoảng sợ. 

Nhắc lại chuyện xưa, chị Hoa bùi ngùi kể: “Hồi trước, cả gia đình trông vào chồng tôi. Cuộc sống khó khăn ở vùng quê nghèo, anh mất đi, tôi chẳng biết xoay xở đâu cho đủ tiền lo cho các con. Đau buồn, nghĩ ngợi nhiều quá, tôi trầm cảm nặng. Lúc đó, tôi cứ mơ thấy có người đòi bắt các con mình nên quẫn trí, nhốt các con trong nhà mấy ngày, không cho ai vào mà cũng cấm các con mở cửa”.

Sau khi các con chị Hoa được công an, chính quyền giải cứu, chị Hoa được đưa đi chữa bệnh ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định. Điều trị xong, chị về quê ở Nhơn Lý sống cùng mẹ ruột và các con. Bà Lụa phải vất vả xoay xở để lo cho con gái và các cháu ngoại.

Sau 1 năm tích cực điều trị, sức khỏe chị Hoa khá dần và đi làm công nhân chế biến gỗ, thu nhập chỉ trên 1 triệu đồng/tháng vì hay ốm đau. Chị bảo, số tiền đó lo thuốc men cho mình và mẹ cũng hết nhưng xem ra cuộc sống không đen tối như thời điểm chồng chị vừa mất.

Nghe chị Hoa kể, chúng tôi tin giờ đã khác trước rất nhiều. Chị nói năng lưu loát, vui vẻ trò chuyện. Niềm vui lớn với gia đình chị là vừa được Hội đồng Đội tỉnh Bình Định xét chọn tặng cho con chị là Dương Thị Mỹ Hiền ngôi nhà “Khăn quàng đỏ”, trị giá 50 triệu đồng. Nhà không “nóc”, chị phải chạy khắp nơi nhờ hàng xóm tìm giúp thợ xây, tìm chỗ mua vật liệu xây dựng và tính toán giùm mọi thứ.

Chị Hoa kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình.
Chị Hoa kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình.

Kể về các con, mắt chị Hoa ngời lên hạnh phúc: “Tôi khổ đủ điều nhưng các con lại học giỏi lắm. Đầu năm nay, con gái lớn Mỹ Nhung được xét chọn nhận học bổng bán phần (50%) của Trường ĐH Aomori ChuoGakun, Nhật Bản, tôi xoay mượn lung tung mà không đủ tiền lo cho con nên đành từ chối. Thấy thương con quá, con cũng hiểu nên không nhắc lại chuyện học bổng bao giờ”.

Ước mơ trở thành phóng viên

Trò chuyện với chúng tôi, Nhung chợt đượm buồn khi nhắc lại tai nạn khiến em mất đi người cha kính yêu. “Lúc đó em mới học lớp 8. Sống ở quê nội Hoài Ân từ nhỏ, nhưng sau khi ba mất, mẹ đâm quẫn trí, đổ bệnh. Khi bệnh tình thuyên giảm, mẹ dắt 4 con về xã Nhơn Lý sống với ngoại. Ngoại già lại bị hỏng 1 mắt, mẹ đau, 3 em nhỏ đang đi học, em phải cố gắng thu xếp việc học để đi làm thêm kiếm tiền”, Nhung chia sẻ.

Nói rồi, Nhung rưng rưng: “Thời gian đó, gia đình bên nội động viên nhiều nhưng em bỏ thi chuyển cấp lên 10. Khi về với bà ngoại sống vì mẹ sợ ở nơi cũ heo hút, mẹ con em được mọi người chỉ đến Trường THPT Trần Cao Vân nộp đơn xét tuyển và em may mắn được nhận vào học lớp 10.

Thương mẹ, em cứ cố gắng để học thật giỏi. Ngoài giờ học, em đi phụ bán cà phê kiếm thêm tiền để phụ giúp mẹ lo cho cả gia đình”.

Nhung cho biết, quyết định chọn ngành báo chí chỉ xuất hiện vào năm cuối cấp, trước đó em theo bạn bè tính chọn các ngành kinh tế. “Có lẽ ngoài niềm yêu thích khám phá cuộc sống xung quanh qua lăng kính của một phóng viên, em còn có mong muốn thông qua những bài viết của mình để chia sẻ với mọi người về những hoàn cảnh khó khăn giống như em”, Nhung tâm sự.

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp, thầy cô đã khuyên Nhung đăng ký vào khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho gần nhà hơn. Tuy nhiên, sau khi tham khảo điểm chuẩn năm ngoái của các trường, em thấy số điểm tổ hợp môn Toán - Văn - Tiếng Anh của em là 20,9 điểm có cơ hội với Học viện Báo chí - Tuyên truyền hơn.

Quyết định bước chân vào Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Nhung sẽ ra Hà Nội. Cậu em kế tên Chương vừa hoàn thành xong chương trình cấp 2, năm nay vào học trung cấp nghề ở Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, 2 em nhỏ tiếp tục đến trường.

Sức khỏe chị Hoa đang khá dần nhưng bác sĩ dặn không được làm nhiều, tránh ức chế thần kinh, bà ngoại thì già. “Bác sỹ dặn không để mẹ làm nhiều, tránh ức chế thần kinh, nóng giận hoặc suy nghĩ nhiều. Cứ nghĩ đến việc này là em thấy lo lắm”, Nhung bộc bạch.

Cô giáo Trần Thị Thúy Nga, giáo viên dạy toán Trường THPT Trần Cao Vân, chủ nhiệm 3 năm THPT của Nhung, kể: “Nhung là lớp trưởng, em giỏi giang, hiếu học, hiền, ngoan. Nét đáng chú ý ở Nhung là luôn nỗ lực học tập và năng nổ trong mọi hoạt động của lớp, của trường.

Thành tích học tập của em thật đáng nể mà tiêu biểu là giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Định lần thứ II - 2015 với đề tài “Thiết kế hệ liên hợp sử dụng năng lượng sạch để chế tạo tỏi đen và ứng dụng” (cùng bạn Nguyễn Thị Yến Thi); giải Khuyến khích môn Văn cấp tỉnh năm 2016…”.

“Cô học sinh giỏi toàn diện này rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Đặc biệt, Nhung còn là “cây” văn nghệ của lớp, trường. Mới đây, Nhung được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của TP.Quy Nhơn. 3 năm học qua, các thầy cô giáo trong trường biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, nên ai cũng thương yêu, quý mến và tìm mọi cách giúp đỡ, hỗ trợ em”, cô Thúy Nga cho biết thêm.

Cô học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn này đã vượt qua rất nhiều thử thách để đạt được ước mơ. Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh vươn lên học tập của em khiến nhiều người kinh ngạc.

Đến đây, chúng tôi chợt nhớ đến chia sẻ của cô Thúy Nga: “Nhung muốn hướng đến nền tảng kiến thức bài bản nhưng nếu quyết định ra Hà Nội học, Nhung sẽ phải đi làm thêm để kiếm tiền tự trang trải. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người tốt cùng chúng tôi giúp đỡ Nhung”.

Ngôi nhà mấy mẹ con, bà cháu của Nhung đang sinh sống.
Ngôi nhà mấy mẹ con, bà cháu của Nhung đang sinh sống.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Bà Lụa có 2 người con thì 1 người ốm yếu, 1 người bị tâm thần. 4 chị em Nhung về sống với bà ngoại nhưng bà già yếu không còn lao động được nữa.

Chính quyền địa phương rất quan tâm hoàn cảnh của chị em Nhung, có học bổng hay chương trình từ thiện gì cũng nghĩ đến các em đầu tiên. Không chỉ có Nhung mà 3 em của Nhung đều học rất giỏi. Cậu em g 9 năm liền là học sinh tiên tiến, cô em 7 năm liền là học sinh giỏi, cậu em út 3 năm liền là học sinh giỏi”.

Bạn đọc và tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ Nhung, xin liên hệ Dương Thị Mỹ Nhung; địa chỉ: thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; điện thoại: 0169.9378.291.

Đọc thêm