Trẩy hội chốn tổ Hương Sơn - (Kỳ cuối): Quên trần thế bon chen ở động đệ nhất trời Nam

(PLVN) - Nói “đi chùa Hương” là nói chung cả hành trình chứ không riêng gì động Hương Tích (Chùa Trong) thế nhưng nói như nhà thơ Trần Lê Văn “ví thử có người nào lần đầu tiên thăm cảnh Hương Sơn mà không vào động Hương Tích thì cũng coi như đi không đến nơi. Chẳng khác gì thưởng thức một bản đàn mà chỉ nghe khúc dạo đàn”.

Miệng Nam mô quên hết ưu phiền

Bây giờ tiện đường xá xe cộ, lại có cáp treo lên Hương Tích nên chuyến đi chùa Hương (cả chùa Ngoài Thiên Trù lẫn chùa Trong Hương Tích) hầu như chỉ gói gọn trong một ngày. Ngẫm cũng có cái thuận, nhất là ở thời buổi thời gian quý hơn vàng, “đi tranh thủ ngủ khẩn trương”. Thế nhưng, hành hương đến cõi Phật mà vội vội vàng vàng, đi cốt để cầu khấn lễ bái thì e rằng cũng khó đạt thành tựu, chưa kể mất đi cảm giác của thú đăng sơn (leo núi), vãn cảnh… 

“Hạnh phúc không phải là kết quả ở cuối con đường mà ở ngay chính trên đường đi”. Quãng đường lên non, vào am Hương Tích là hành trình thử thách bản thân, rèn luyện chữ Nhẫn. Chân bước, mắt nhìn thiên nhiên tươi đẹp, tai nghe một tiếng chim gù giữa non xanh, lòng thấy nhẹ nhõm, thư thái. Nào công danh “tước cao lộc hậu”, nào nhà lầu xe hơi dễ gì đổi được.

Thế nên thời trước, chưa có cáp, đường gồ ghề thấp cao cũng có cái lý riêng của nó. Đại đa số người xưa đi chùa Hương trong hai ngày, hôm trước vào đến chùa Ngoài lễ Phật rồi hôm sau mới sửa soạn đăng sơn: “… Thầy me em lễ xong,/ Quay về nhà ngang bảo:/ “Mai mới vào chùa trong” (Nguyễn Nhược Pháp).

Tác giả của Hương Sơn hành trình cũng nghỉ đêm ở Chùa Ngoài (tức Thiên Trù) nên mới có cảm giác: “Mong cho trời sáng mà vào chùa Trong”. Ông đồ Vũ Đình Liên thì quyết tâm: “Chân dù mỏi, gối dù chồn/Động chưa lên tới, lòng còn khát khao” hay “Đã đi phải đến/đã trèo phải lên” (Chu Mạnh Trinh).

 Chùa Thiên Trù - năm 1927.

Theo Trần Lê Văn, từ Thiên Trù tới Hương Tích thực ra cũng không thể nói là xa. Các nhà đo đạc cho biết chỉ có hai nghìn lẻ bốn mươi mét. Thế mà đi cũng thấy xa xa. Ấy là vì đường núi có nhiều chỗ quanh co và lên dốc xuống dốc. Đi vào thì lên dốc nhiều. Đi ra thì xuống dốc nhiều. Đi vào càng gần động thì dốc càng cao.

Tưởng như có ông Thợ Tạo nào cố tình làm ra thế để thử thách bước chân của người cảnh và cũng để treo cao giá ngọc của một cái đẹp kỳ thú, làm phần thưởng cho những người không ngại khó. Cụ Phạm Quỳnh khi còn thanh niên đăng sơn Hương Tích cũng phải thú nhận: “lắm chỗ dốc quá cứ trèo ngược mãi lên, mỗi bước như hai chân phải nâng cả ngót năm chục cân nặng cái thân thể mình lên, nên mỏi quá nhọc quá”.

Thế nhưng, cuộc leo núi Hương Tích đâu phải là một cuộc treckking (đi bộ du lịch dã ngoại) chinh phục đỉnh cao cũng chẳng phải một cuộc thi leo núi thông thường có kẻ thắng, người thua mà đó là một cuộc hành hương. Tuy có sự di chuyển của thể xác, “chồn chân mỏi gối” nhưng là hành trình của tâm linh. Một cuộc hành hương về với cõi lòng sâu thẳm, về với Phật hóa độ chúng sinh nên mệt nhọc nào có xá chi khi tâm thành hướng Phật.

 Cuộc leo núi Hương Tích là một hành trình của tâm linh

Cũng bởi thế cho nên từ trăm năm trước cho đến hôm nay là hình ảnh những cụ bà tuổi đã cao, sức đã yếu, “gần đất xa trời” nhưng leo núi vào Hương Tích vẫn phăm phăm chẳng hề thấy mỏi mệt. Đúng như cụ Thượng Chi mô tả: “Lại người đi lũ lượt, kẻ ra người vào, chân bước miệng “Nam mô”, coi rất vui, cũng quên được sự mỏi mệt đi nhiều. Có lắm bà cụ đã già mà đi son són, như ta đi ngoài phố, không ra dáng mệt nhọc gì, tin rằng đi việc lễ bái phúc đức thời Phật phù hộ cho, coi đó đủ biết cái lòng tín ngưỡng mạnh là dường nào.

Không gì cảm động bằng chợt đến khúc đường vắng, khuất núi cao, trông thấy bà lão già tay lần tràng hạt, tay cầm gậy tre, chân đi bước một, miệng đọc “Nam mô”, tiếng vang động bên sườn núi dưới gốc cây, nghe ai oán vô cùng, tưởng như tiếng tự thâm tâm mà ra, kêu được hết cái đau khổ của loài người”.

Sau cụ Thượng vài chục năm, tác giả của “Thung mơ Hương Tích” vẫn còn thấy cảnh này khi kể: “Tôi đã gặp những lão bà tám, chín mươi tuổi, dễ thường khi ở nhà, lên xuống vài bậc thềm, con cháu phải dắt, thế mà vào đây, chỉ nhờ có một cây lụi là có thể leo những cái dốc khúc khuỷu, để vào tới động”.

Đường nào xuống âm ty, đường nào lên thiên giới

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã kể lại hành trình vào chùa Trong với những lời chân phương nhưng không kém lãng mạn: “Em chưa tỉnh giấc nồng,/Mây núi đã pha hồng./Thầy me em sắp sửa/Vàng hương vào chùa trong./Đường mây đá cheo veo,/Hoa đỏ, tím, vàng leo./Vì thương me quá mệt,/Săn sóc chàng đi theo./Me bảo: “Đường còn lâu,/Cứ vừa đi ta cầu/Quan Thế Âm bồ tát/Là tha hồ đi mau!”.

Phan Huy Chú trong Hoàng Việt địa dư chí chép: Núi Hương Tích ở phía Tây núi Tuyết Sơn, có một dòng suối trong xanh tuôn vào núi sâu, trong núi có cái động rất sâu và huyền ảo vô cùng như thể do quỷ thần chạm trổ vậy, thật xứng đáng là Sơn Nam đệ nhất động. Tương truyền Bồ Tát Quan Âm có lần ghé phương Nam đã giáng xuống tu ở đây. Trong động có tượng Phật rất trang nghiêm, hương khói không bao giờ ngớt, cứ vào mùa xuân thiện nam tín nữ đi hành hương, tiếng niệm Phật của khách hành hương ầm ĩ cả núi rừng. Đây là một hội lớn của đất nước vậy.

 Đường xuống lòng động Hương Tích

Từ chùa Thiên Trù, khách hành hương bước thấp bước cao đi lần theo đường mòn lên núi, tới cửa động bằng đá xanh được ghép dựng vào năm Đinh Mão (1927). Từ cửa động lại phải đi xuống 120 bậc đá mới đến lòng động. Theo truyền thuyết phong thủy, động Hương Tích là miệng một con rồng lớn, núi Đụn Gạo chính là lưỡi rồng. Đụn gạo nằm ngay ở khoảng giữa gần cửa ra vào. Đi sâu vào một chút sẽ là đường lên trời và đường xuống âm phủ.

Điều thú vị là xưa kia, từ trên cửa động đến sân động phải đi qua hai cây cầu bằng gỗ lim có tên là Bạch Liên kiều bắc qua hang sâu chứa nước tên là Liên Trì. Điều này cũng được Chu Mạnh Trinh ghi lại trong Hương Sơn hành trình: “Một làn thăm thẳm hang sâu/Rẽ đường nhác thấy đôi cầu hai bên/Kìa Lẫm Thóc, nọ Kho Tiền/Kìa Bảo Tọa, nọ Kim Liên rõ ràng (…)/Thiên đường một lối sáng choang/Đường đi âm phủ một hang tối mò…”.

Công bằng mà nói, những tác phẩm thạch nhũ karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) ở động Hương Tích so với những thắng cảnh ở Hạ Long hay nhất là ở khối núi Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) thì khó mà tương xứng. Thế nhưng cái riêng có của Hương Tích chính là những huyền thoại văn hóa, những trầm tích của thời gian, sắc sắc không không hòa quyện như ký sự của Phạm Quỳnh ghi lại:

“Đến hai giờ chiều thời vào tới động. Gần tới nơi phải đi dốc xuống một thôi, bóng cây u ám, đá núi ẩm thấp, đi trên đường nóng nực, đến đấy thấy mát lạnh, rồi tới một cái cửa hang to, trông tối om, chỉ thấy lố nhố những đèn nến như sao sa, khói hương đưa lên như mây ám. Đó là động Hương Tích vậy.  (...)

 Sân động Hương Tích - năm 1927.

Trong động có những thạch nhũ rủ xuống, người ta gọi là cái "mắc áo", có những hang những hốc người ta cho là đường lên trời đường xuống âm phủ, có những đống đá nhấp nhô người ta gọi là "núi các cô các cậu", những người hiếm hoi đến cầu tự ở đấy... 

Nhưng phàm cảnh sơn nham không có đẹp ở trái núi hay viên đá, mà phần nhiều đẹp ở cái khí sắc mỗi lúc, tùy trời u ám hay sáng sủa, buổi chiều dương hay lúc tịch dương, mặt trời ánh sáng, sắc núi đậm phai, mà mỗi lúc khác nhau. Vậy bấy giờ đã trở về chiều, mặt trời đã xế, đứng tận trong cùng động nhìn ra ngoài cửa, thật là một bức tranh tuyệt bút. Khói hương đưa ra cửa động, mờ ám như đám sương mù, mặt trời phản chiếu nửa đỏ nửa vàng, bóng cây phất phới như thấp như cao, đứng trong nhìn ra như trông qua một cái gương mờ: bấy giờ tưởng bước chân ra cửa động là tiện thị để mình vào nơi mộng cảnh nào, theo sương mù mà bay bổng lên mấy từng mây, có lẽ đấy chính là cõi tây thiện tĩnh thổ vậy”.

Đọc thêm