Cuối năm 2019, tại Khu công nghiệp Nội Bài, 300 nữ công nhân tham gia Diễn đàn “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong công nhân lao động” do Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Có những nữ công nhân dù làm mẹ hàng chục năm vẫn ngỡ ngàng về những kiến thức lao động thường thức. Họ không nghĩ rằng, chính con em mình lại đang làm việc trong điều kiện lao động thiếu an toàn, thậm chí là vi phạm pháp luật.
80% lao động trẻ em nằm trong khu vực cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ
Khu công nghiệp Nội Bài là nơi có số lượng lao động di cư cao. Nhiều công nhân phải gửi con ở quê cho ông bà, người thân chăm sóc. Chị Đặng Thị Dung, quê ở tỉnh Nam Định nghe chuyên gia chia sẻ về pháp luật lao động đã giật mình, băn khoăn về đứa con lớn 14 tuổi đang làm việc cho một cơ sở sản xuất nến.
Chuyện con chị Dung đi làm sớm, ai biết cũng khen ông bà, cha mẹ khéo rèn giũa chứ chưa hề có ai nói chị ác khi để con lao động sớm. Thế nên cũng rất dễ hiểu việc chị Dung ngạc nhiên khi biết rằng cha mẹ bắt trẻ em lao động sớm gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Bản thân chị Dung cũng không có đầy đủ thông tin về người sử dụng lao động và đặc thù điều kiện làm việc của cơ sở sản xuất nến nơi con mình làm việc.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, lao động trẻ em phần lớn bắt đầu do gia đình có nghề truyền thống nên trẻ tham gia phụ giúp gia đình, được dạy nghề hoặc do nghèo đói nên không được đi học, sự bất bình đẳng giới (trẻ em gái thường phải lao động sớm hơn trẻ em trai), từ lòng tham của cha mẹ… Các khảo sát về lao động trẻ em tại Việt Nam đều cho thấy đến 80% lao động trẻ em nằm trong khu vực cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu là các công việc thời vụ.
Ở khu vực này, trẻ em được thuê làm việc vì tiền công rẻ, dễ phục tùng. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy quyết định cho trẻ tham gia lao động có đến 80% là từ phía phụ huynh, người bảo trợ. Bản thân cha mẹ, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng thiếu hiểu biết pháp luật và cuối cùng, đây là vấn đề chưa được xã hội quan tâm, lên án.
Ở góc độ pháp luật, việc bắt trẻ lao động sớm gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, trong đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai. Do đó, theo quy định của Luật Trẻ em, tuổi lao động tối thiểu áp dụng tại Việt Nam là từ đủ 15.
Người lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là người có độ tuổi dưới 18 tuổi. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động chưa thành niên là lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ…
Đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng
Đó là thông điệp được nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm trực tuyến vừa được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ILO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đồng tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em - 12/6.
Một báo cáo tóm tắt mới của ILO và UNICEF cho thấy đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng. Tại Việt Nam, theo ước tính, có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.
“Khi bị mắc kẹt trong lao động, trẻ em bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe bị tổn hại, mất cơ hội thoát nghèo và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Bỏ học để lao động, các em có thể kiếm được một khoản nhỏ nhưng có thể bị đói nghèo cả đời. Khi đến thăm các trường học, đặc biệt là ở nông thôn, tôi nhận thấy có một số trẻ em không trở lại trường.
Các em chỉ khoảng 9, 10 tuổi nhưng đã phải làm việc cả ngày. Điều này rất nguy hại và làm cho các em dễ bị tổn thương hơn, có nhiều nguy cơ hơn, kể cả bị buôn bán. UNICEF tin rằng hành động hiệu quả để chống lại lao động trẻ em trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó và hồi phục Covid-19 và bảo vệ trẻ em cần được ưu tiên, chính quyền địa phương cần tìm cách đưa các em trở lại trường” - bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF cho biết.
Được biết, một đánh giá nhanh về tác động của Covid-19 đối với lao động trẻ em đang được thực hiện trên toàn quốc với sự hỗ trợ của ILO. Đánh giá này sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: “Những tác động của Covid-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030, đặc biệt là trong năm 2021 - năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em”.
“Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em, không phải một đứa trẻ ra đời chỉ liên quan trong phạm vi gia đình mà chúng còn được luật pháp, các tổ chức quốc tế bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nhưng cha mẹ là những người trực tiếp, có trách nhiệm bảo vệ mọi quyền lợi cho trẻ trước pháp luật.
Vẫn biết rằng lao động là môi trường rèn luyện rất tốt cho việc hình thành tính cách và khả năng thích ứng với cuộc sống mai sau của con trẻ. Nhưng một thực tế đáng quan tâm hiện nay là do điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của cha mẹ còn hạn chế, nhiều gia đình lạm dụng sức lao động trẻ em, bắt trẻ tham gia lao động cực nhọc ở tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trẻ lao động nặng quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể đang phát triển, trẻ dễ bị chấn thương cột sống, bị giảm sút về sức khỏe, trí lực...
Khi phải làm việc nặng nhọc, trẻ thường mỏi mệt, không còn hứng thú học bài. Trong gia đình, trẻ cần được tham gia lao động, nhưng phải vừa sức, phù hợp với từng độ tuổi đang phát triển để tạo cho trẻ tính tự lập, trách nhiệm và tích cực hoạt động sáng tạo”.
(Trích Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình – Bộ VH-TT&DL)