Trí huệ minh đạt của Tôn giả Đề Đa Ca - Vị tổ sư Thiền tông đời thứ năm

(PLVN) - Tổ Đề Đa Ca sinh sau khi Đức Phật nhập Niết bàn 135 năm, cha tên Hương Chúng, mẹ tên Phi Hoằng, ở nước Ma Già Đà. Trước khi sinh ngài, thân phụ Ngài nằm mộng thấy mặt trời vàng ánh xuất hiện trong nhà, chiếu sáng khắp cả. Lại thấy phía trước hiện ra một hòn núi lớn, trang nghiêm bằng bảy báu, trên đỉnh núi có dòng suối, nước chảy trong veo, tràn khắp bốn phía.
Trí huệ minh đạt của Tôn giả Đề Đa Ca - Vị tổ sư Thiền tông đời thứ năm

Trí huệ minh đạt

Ngài gặp Tổ Ưu Ba Cúc Đa bèn đem điềm mộng của cha thuật lại và nhờ giải hộ. Tổ giải rằng: Núi báu là thân, suối nước tuôn ra là pháp vô tận, mặt trời xuất hiện trong nhà là tướng ngươi vào đạo, ánh sáng chiếu khắp là trí tuệ siêu việt của ngươi . Ngài nghe giải xong rất đỗi vui mừng liền làm bài kệ rồi xin theo Tổ Ưu Ba Cúc Đa xuất gia học đạo.

Tổ thứ tư hỏi Ngài: “Thân ông muốn xuất gia hay là tâm muốn xuất gia?”. Ngài đáp: “Thưa Hòa thượng! Con xin xuất gia, không phải là thân xuất gia, cũng không phải là tâm xuất gia và cũng không phải là vì thân tâm mà xuất gia”.

Tổ thứ tư hỏi: “Ông không phải vì thân tâm xuất gia, không phải thân xuất gia, hay tâm xuất gia, vậy rốt cuộc ai xuất gia?” Ngài đáp: Thế nào gọi là xuất gia? Xuất gia có xuất phiền não gia, xuất hồng trần gia, xuất sinh tử gia, xuất lao ngục gia. Người xuất gia không có ngã, cũng không có một cái sở hữu của ngã; nếu không có ngã làm sao có thân và tâm? Tức tâm bất sanh diệt: Chính ở trong tâm cũng không sinh không diệt. Tâm bất sanh diệt, tức thị thường đạo: Tâm này không sinh cũng không diệt, đây chính là lý chân thường, một chân lý thường nhiên không thay đổi. Chư Phật cũng vậy, tâm cũng không sinh, không diệt. Tâm vô hình tướng: Tâm này không có hình tướng, cũng không phải màu xanh, vàng, đỏ, trắng hay đen, cũng không phải là dài, ngắn, vuông, tròn. Thể tính của tâm cũng vậy, cũng không có hình tướng”.

 

Thấy Ngài trí huệ minh đạt, Tổ thứ tư liền cho Ngài xuống tóc và truyền thọ giới Cụ túc. Về sau, Tổ truyền Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm cho Ngài.  Một hôm, Ngài đang chặt một cành tre, chiếc rựa súc cán văng ra, trúng mạnh vào cây tre lớn khác, vang ra tiếng kêu, vừa nghe tiếng kêu của rựa va chạm vào cây tre, bỗng thân tâm Ngài như mất hẳn, mà cái âm vang nghe của Ngài đi xa không thể nào biết được.

Cũng từ chỗ mất thân tâm đó, mà cái hiểu biết về pháp môn Thiền tông học này tuôn chảy ra. Ngài liền phát ra lời kệ 60 câu: "Tiếng nghe sao lại lạ kỳ/ Bình thường nghe vậy, vậy thì mà thôi; Hôm nay làm việc không thôi/ Rựa vừa súc cán, ôi thôi nghe hoài. Tiếng nghe đi khắp trần ai/ Mà nghe nghe mãi, nghe hoài không thôi; Tánh Nghe đến tận xa xôi/ Tiếng nghe vật lý mất rồi nơi ta. À ra, lời dạy Thích Ca/ Chỉ rõ chân tánh, tánh ta như vầy; Thầy ôi con ngộ tại đây/ Nhờ thầy chỉ dạy, con đây tỏ tường. Thì ra Thầy đã mến thương/ Tìm nhiều phương cách, dạy tường Thiền tông; Tánh Nghe con nhận trong lòng/ Không cần tìm kiếm mà xong Luân hồi. Thiền tông kỳ đặc Thầy ôi/ Không quán, không tưởng hết rồi trầm luân;

Vì vậy, Đức Phật dạy “Dừng”/ Hôm nay, nhận được con mừng lắm thay. Chuyện của sanh tử trần ai/ Cứ để sanh tử con nay không màng; Tuy con đang sống thế gian/ Sống với vọng Tánh, không màng trầm luân. Con nay đã biết pháp “Dừng”/ Luân hồi nhiều kiếp đã dừng với con; Thân tâm con hiện vẫn còn/ Không dính vật lý mà còn Tánh chân. Ơn Thầy đã phát lòng nhân/ Giúp cho con được vượt hơn Luân hồi; Sao con đại phúc Phật ôi/ Luân hồi nhiều kiếp đã rồi với con.

Con nay nhất quyết lòng son/ Giữ tâm thanh tịnh không còn luận tranh; Nhìn lên thấy tận trời xanh/ Xuyên suốt thấy biết, không ranh mé ngằn. Con nay đã nhận thường hằng/ Tánh Nghe tánh Thấy là hằng của con; Nhờ vậy, con mới biết còn/ Phật tánh hiển lộ không còn tu chi. Thiền tông con nhận tức thì/ Trực nhận chân Tánh, y đây Niết Bàn; Nay con đã hết gian nan/ Sống với chân Tánh không màng chuyển luân. Sự thật, hôm nay con mừng/ Mừng vì sanh tử đã dừng với con; Con nay đã biết Phật con Là tánh Thấy, Biết, hằng còn và Nghe.

Những thứ Vọng tánh con nghe/ Nghe trong vật lý, cứ nghe riêng mình; Hai thứ mình đừng dính chung/ Thứ nào riêng nấy rõ từng hai nơi. Biết vọng là Tánh thảnh thơi/ Thấy Nghe thanh tịnh là nơi Niết Bàn. Phật ôi, con nhận rõ ràng/ Chứng cho đệ tử vượt đàng trầm luân. Con nay thật sự con “Dừng”/ Luân hồi nhiều kiếp đã dừng với con; Con nay ghi tạc lòng son/ Kính xin Đức Phật, nhận con lòng thành.

Ngài liền vào nhà ghi lại 60 câu kệ, mấy ngày sau đem trình cho Tứ Tổ Ưu Ba Cúc Đa. Tổ Ưu Ba Cúc Đa đọc xong bài kệ 60 câu của Ngài và nói: Như vậy ông đã đạt được “Bí mật Thiền tông”. Như Lai dạy, đầu tiên vị nào đạt được Bí mật Thiền tông mà dòng Thiền tông đi qua, vị đó là người được tiếp nối Tổ vị Thiền tông và được kế thừa Tổ vị. Vậy, 30 ngày sau ta sẽ truyền “Bí mật Thiền tông” cho ông làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Năm. Sau 30 ngày, tại thất đá nơi núi Sơn Mây, buổi lễ truyền “Bí mật Thiền tông” được tổ chức chỉ có thầy trò Ngài dự thôi. Nhưng vẫn được tổ chức đúng theo quy định truyền Thiền tông.

Giúp Di Dá Ca chứng quả giải thoát

Ngài thành kính nhận lãnh chánh pháp. Sau, Ngài sang Trung-Ấn giáo hóa. Nơi đây có tám ngàn vị đại tiên, dưới sự lãnh đạo của đại tiên Di Dá Ca. Nghe Ngài đến đây, Di Dá Ca vân tập tiên chúng đến yết kiến Ngài. Gặp Ngài, Di Dá Ca thưa: Xưa tôi cùng Thầy đồng sanh cõi trời Phạm Thiên. Tôi gặp tiên A Tư Đà truyền cho pháp tiên.

Thầy gặp đệ tử Phật hướng dẫn tu tập thiền định. Từ đó, cách nhau đã đến sáu kiếp. Ngài bảo: Lời tiên nhân đã nói đúng như vậy. Song, ông chuyên về pháp tiên tột cùng sẽ đến đâu? Di Dá Ca thưa: Tôi tuy chưa gặp bậc chí thánh, song tiên A Tư Đà thường thọ ký rằng: Sáu kiếp về sau, tôi sẽ nhờ bạn đồng học mà được chứng quả giải thoát. Nay gặp nhau đây đâu không đúng như vậy ư?

Ngài bảo: Ông đã biết như vậy thì cần phải xuất gia, pháp tiên là đường nhỏ, không thể đưa người đến giải thoát. Ta hóa đạo đã lâu, cũng muốn dừng nghỉ. Nếu ông thật thú hướng về đại pháp thì không nên chậm trễ. Di Dá Ca nghe nói vui mừng liền xin xuất gia. Ngài độ cho ông xuất gia thọ giới. Lúc đó, tiên chúng theo Di Dá Ca thấy vị tiên trưởng của mình làm như vậy, rất bất mãn. Họ nói thầm với nhau rằng: Đề Đa Ca đâu đủ sức làm thầy mình mà theo xuất gia.

Ngài biết tâm họ, muốn gây cho họ có niềm tin, liền phóng quang sáng chiếu, chân đi trên hư không như người đi trên đất bằng, lại hóa cây dù báu che khắp chúng tiên, nơi ngón tay sữa thơm tuôn ra, trong sữa hiện lên một hoa sen, trong hoa sen hóa ra Đức Phật.

Chúng tiên trông thấy thần biến phi thường, bèn cúi đầu cầu xin xuất gia. Tôn giả hoan hỷ chấp nhận. Thấy cơ duyên hóa độ đã viên mãn, Ngài truyền pháp lại cho Di Dá Ca, rồi thâu thần tịch diệt. Di Dá Ca và đồ chúng thiêu hài cốt Ngài, thâu lượm xá lợi xây tháp tại núi Ban Trà thờ phụng cúng dường. 

Đọc thêm