11 năm liền được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”
Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa thập niên 90 thế kỷ trước. Công ty TNHH Tribeco (tiền thân của Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco sau này) được thành lập năm 1992 với vốn điều lệ 8,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 51%. Vươn mình mạnh mẽ, chỉ sau hơn 7 năm, Công ty “thoát” khỏi “bầu sữa mẹ” Nhà nước, trở thành doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn khi Nhà nước chuyển nhượng 51% vốn ra bên ngoài.
Về mặt thương hiệu, Tribeco tạo được hiệu ứng hình ảnh rất tốt khi tham gia tài trợ cho cuộc đua xe đạp Cúp truyền hình TP HCM liên tục trong nhiều năm. Đây là chương trình marketing hiệu quả được đánh giá cao vào thời điểm đó. Trong hơn 20 năm có mặt trên thị trường thì có đến 11 năm liền, các sản phẩm của Tribeco lọt vào danh sách “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Thậm chí, sản phẩm sữa đậu nành và nước ngọt có gas của Tribeco còn được Sở Công nghiệp TP HCM đề xuất chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
|
Nhãn hàng nước giải khát nổi tiếng một thời của Tribeco |
Kinh doanh hiệu quả, Tribeco thuộc lứa các doanh nghiệp “hạt giống”, lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu. Năm 2001, Tribeco là doanh nghiệp thứ 9 lên sàn chứng khoán TP HCM với mã cổ phiếu TRI và liên tục nhiều năm sau đó được đánh giá cổ phiếu tốt.
Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15-18%. Vì điều này, suốt một thời gian dài, cổ phiếu TRI lọt vào “mắt xanh” các quỹ đầu tư tên tuổi, trở thành hàng “hot” được các quỹ chăm sóc tận tình như VinaCapital, PXP Vietnam Fund, Citigroup Global Market Ltd… TRI yên lành cho đến ngày họ quyết định bắt tay với “ông lớn”… Năm 2005, lãnh đạo của Tribeco cho rằng, nếu không hợp tác để đẩy mạnh sự phát triển thì sẽ bị các đối thủ nước ngoài “tiêu diệt”. Vì vậy, Tribeco đã nhanh chóng bắt tay vào tìm đối tác để hợp tác và người được chọn mặt gửi vàng là Công ty Cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC).
Năm 2005, KDC đang là thương hiệu bánh kẹo mạnh của thị trường nội địa, tham vọng mở rộng sang nước giải khát đã chọn TRI để đầu tư. Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kinh Đô lúc đó muốn lập một công ty nước giải khát mới và TRI là lựa chọn tối ưu nhất cho tham vọng này. 35% cổ phần của TRI được Kinh Đô mua lại và vị Tổng Giám đốc Kinh Đô lúc đó không giấu giếm khi cho biết: “Việc thâu tóm Tribeco nằm trong định hướng của Công ty”. Tham vọng của Kinh Đô đặt vào “ván bài” này là sẽ giúp tăng doanh số của Tribeco tăng 30% mỗi năm và sau 3 năm là tăng 100%.
|
Các sản phẩm mới của Tribeco tái xuất quảng cáo trên sóng truyền hình |
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Xuân Luân, Tổng Giám đốc Tribeco khi ấy cho rằng, đó là quyết định 2 bên cùng có lợi, Tribeco nếu không hợp tác để đẩy mạnh phát triển sẽ sớm bị đối thủ ngoại tranh mất thị trường. Sau khi có cổ đông lớn là Kinh Đô, trong hai năm 2006 và 2007, Tribeco tiếp tục xây 2 nhà máy lớn là Tribeco Bình Dương và Tribeco Miền Bắc (Hưng Yên) với tỷ lệ góp vốn Tribeco 80%, Kinh Đô 20%. Có thêm 2 nhà máy đi vào hoạt động với công suất gần trăm triệu két/năm nhưng doanh số bán ra của Tribeco từ trên 8 triệu két đến năm 2007 tụt còn 6 triệu két/năm khiến Công ty rơi vào cảnh nợ nần.
Đầu năm 2007, Tribeco đành tiếp tục bán 15% cổ phần cho đối tác đến từ Đài Loan Uni-President. Tuy nhiên, đây là những quyết định đầu tư vội vã và đánh giá sai thị trường. Theo đó, cuối năm 2008, Tribeco tuyên bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn âm hơn 5 tỷ đồng, mặc dù 3 quý đầu năm lại báo lãi. Năm 2009, TRI lỗ tiếp 82 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm trên 20 tỷ đồng và đến cuối 2011, TRI lỗ lũy kế lên đến 312 tỷ đồng.
Cũng chính thua lỗ triền miên, năm 2010, TRI đã bán hết cổ phần Tribeco Miền Bắc, cuối năm 2011 bán hết Tribeco Bình Dương, chấm dứt giấc mơ mở rộng sản xuất và thị phần ngắn ngủi. Cuối tháng 8/2012, Đại hội cổ đông bất thường của Tribeco Sài Gòn đã tuyên bố giải thể doanh nghiệp. Cổ phần trôi nổi của Công ty được HĐQT mua lại với chỉ 2.300 đồng. Điều đáng nói là khi giải thể, Uni-President đã nắm 43,6% cổ phần của Tribeco (3 năm trước là 15%) và trở thành chủ nhân mới của Tribeco Bình Dương.
“Sập bẫy” đối tác ngoại trong một kịch bản thâu tóm?
Được hậu thuẫn bởi hai “đại gia” tầm cỡ ngành thực phẩm, cổ đông Tribeco có lý do để kỳ vọng doanh nghiệp sẽ có những đột phá về doanh thu, lợi nhuận. Vậy mà ngược lại, kết quả là vô cùng ảm đạm với những con số thua lỗ nêu trên, những công ty liên kết dần thuộc về tập đoàn nước ngoài từng là đối tác của mình, đây là điều thật khó hiểu. Từ đó, dư luận trong giới đầu tư cho rằng Uni-President đã có chủ đích thâu tóm và phải chăng chính một số cổ đông lớn đã tiếp tay?
Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Kinh Đô cũng thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nắm quyền kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam mà không phải tốn một đồng nào để xây dựng thương hiệu.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các “ông lớn”, đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco.
Giám đốc của một công ty chứng khoán lớn nhận xét, ngành thực phẩm có tỷ lệ sinh ở mức cao, khoảng 30-45%. Do vậy, ông không loại trừ khả năng, có thể do 2 cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến cả 2 đều bỏ mặc sự phát triển của Tribeco. Còn theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong các chiêu mà công ty nước ngoài thường xuyên sử dụng để hất cẳng đối tác Việt nhằm thâu tóm liên doanh chính là việc “tạo điều kiện” cho liên doanh thua lỗ triền miên và Tribeco sập bẫy theo đúng kịch bản này. Giám đốc điều hành một công ty chuyên tư vấn về M&A lâu năm thì cho rằng, trong thương vụ TRI, Kinh Đô chưa phát huy được hết thế mạnh của mình.
Vì chỉ nắm 35% cổ phần, thấp hơn so với Uni-President nên Kinh Đô không đủ quyền tác động đến chiến lược kinh doanh của TRI, dẫn đến hoạt động kinh doanh không đi cùng hướng. Sau khi giải thể, Tribeco gần như ngừng hoạt động. Cái tên “Tribeco” chỉ nóng lên trong giới truyền thông với câu chuyện bị thâu tóm. Gần 1 năm sau, Tribeco trở lại với hai sản phẩm được quảng cáo rộng rãi trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa thực sự tạo được tiếng vang vì chúng không có nhiều khác biệt so với sản phẩm cùng loại đã định hình được trên thị trường.
Ví dụ, sữa đậu nành Trisoy có rất nhiều đối thủ lớn như Goldsoy của Vinamilk, Soya Number One của Tân Hiệp Phát, sữa đậu nành Fami, sữa đậu nành Vinasoy. Sản phẩm trà bí đao Tribeco cũng không khả dĩ hơn khi mới ra thị trường đã đụng độ nhiều “đá tảng” như trà bí đao Wonderfarm, trà bí đao Thạch Bích… Ngoài ra, Công ty còn một số sản phẩm như trà ngon 100, tăng lực X2 dâu, chanh…song cũng không gây được nhiều tiếng vang.