Tạo khuôn khổ pháp lý thông thoáng nhưng chặt chẽ
Theo Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời trong bối cảnh tình hình đất nước đang có nhiều thay đổi, trong đó việc thực hiện xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm coi trọng. “Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong cả hệ thống chính trị”, Đại biểu nói.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ tán thành cao với việc đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng luật sẽ ngắn gọn; chỉ đưa vào luật nội dung “đã chín, đã rõ”, những vấn đề mang tính chất chiến lược, lâu dài để tạo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai thực hiện, tránh việc phải thường xuyên sửa đổi.
Cũng tán thành cao với chủ trương luật chỉ quy định những vấn đề khung, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, chúng ta đang ở trong một giai đoạn mà mọi thứ đang thay đổi rất nhanh. Đại biểu phân tích: “Những bức xúc của cuộc sống thay đổi rất nhanh như vậy đòi hỏi phải có những khuôn khổ pháp lý phù hợp để xử lý. Đồng thời, các quy định cũng không được quá cứng nhắc, khiến các biện pháp pháp lý đó trở thành rào cản cho những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống. Đây là định hướng rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, để chúng ta vừa tạo ra được một khuôn khổ pháp lý đủ rộng, đủ thông thoáng nhưng cũng đủ chặt chẽ trong quá trình phát triển đất nước”.
Đề cập đến các nội dung được nêu tại Nghị quyết số 197/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Đại biểu Đặng Bích Ngọc tin tưởng rằng, cùng với tư duy, nhận thức và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng và thực thi pháp luật trong thời gian tới sẽ đạt được kết quả và hiệu quả hơn.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cũng kỳ vọng và tin tưởng với những tư duy rất đổi mới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật được nêu tại Nghị quyết số 66-NQ/TW, chúng ta sẽ xây dựng được hệ thống pháp luật chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. “Trong đó, luật pháp phải là hành lang pháp lý rất rõ ràng để mọi hoạt động của xã hội bám theo, là chuẩn mực ứng xử của tất cả các bên có liên quan trong mọi hoạt động của xã hội. Từ đó, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân và phục vụ tốt nhất công tác đổi mới và xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới”, Đại biểu nói.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân
Khẳng định Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị là chủ trương rất đúng và rất trúng trong bối cảnh hiện nay nhưng Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cũng trăn trở về thực trạng ý thức chấp hành pháp luật của người dân thời gian qua tuy đã được nâng lên đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại; tình hình chấp hành pháp luật của người dân vẫn chưa thực sự tốt, chưa có tính hệ thống, chưa thường xuyên, liên tục. Đại biểu lấy ví dụ, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 168, trong đó có quy định về tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, các cơ quan chức năng thực hiện rất tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành của người dân và đề cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan giám sát. Nhờ đó, ý thức chấp hành của người dân đã chuyển biến rõ rệt.
|
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng. (Ảnh trong bài: Quochoi.vn). |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ý thức chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông của người dân đang có dấu hiệu “chững” lại, thậm chí tại một số nơi, tình hình vi phạm có chiều hướng quay trở lại thời điểm trước khi Nghị định 168 được ban hành. Điều này cho thấy quá trình thực thi pháp luật chưa được nghiêm, chưa thường xuyên, chưa liên tục từ khâu tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thực thi…
Chung mối quan tâm, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, để khắc phục tồn tại này, trước hết phải từ người dân. Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. “Thực hiện các quy định của pháp luật không phải là việc thực hiện theo phong trào, càng không thể thực hiện theo cảm hứng. Người dân cần phải xây dựng ý thức tự giác có hệ thống để chấp hành pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc”, Đại biểu nói. Bên cạnh đó, theo Đại biểu, lực lượng thực thi pháp luật cũng cần duy trì việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tuân theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục và có hệ thống. “Không thể chỉ duy trì nghiêm các quy định khi phát động phong trào và sau đó dần buông lỏng”, Đại biểu nói.
Trong bối cảnh chúng ta đang tinh gọn bộ máy, lực lượng chức năng cũng sẽ được tinh giản, tinh gọn, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tăng cường các phương tiện hiện đại để trợ giúp lực lượng chức năng thực hiện giám sát việc thực thi pháp luật hiệu quả. Còn Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần có cơ chế giám sát độc lập; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải trình, công bố, công khai, minh bạch những thông tin, số liệu tình hình chấp hành pháp luật trong phạm vi đảm trách. “Có như vậy, các quy định của luật pháp mới phát huy hiệu quả”, Đại biểu nói.