“Nuốt chửng” cả khu sửa chữa tàu thuyền
Theo tìm hiểu, khu vực bị sóng lớn tàn phá là cơ sở sửa chữa tàu thuyền lớn nhất tỉnh Phú Yên. Mỗi năm có hàng chục phương tiện tàu thuyền của nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung được đưa về đây sửa chữa.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày qua, triều cường, sóng lớn ập vào đã san bằng tất cả, giờ đây chỉ còn là một khoảng đất trống liên tục bị sóng biển tràn vào. Một chiếc thuyền gỗ đang trong quá trình sửa chữa đã bị sóng đánh vỡ.
Bà Phạm Thị Hoa (1 trong 4 chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền tại đây) cho biết: “Mấy hôm trước, xưởng nhà tôi còn nhận sửa chữa cho 5 chiếc ghe. Thấy sóng biển dâng cao, mọi người nỗ lực sửa xong rồi hạ thủy cho bà con. Tuy nhiên, chúng tôi lại không kịp sơ tán máy móc của xưởng vào bên trong nên toàn bộ đồ đạc, thiết bị đều bị sóng cuốn đi, chỉ cứu được vài cái máy lớn. Thời gian tới không biết phải xoay trở thế nào đây”.
Ngư dân Nguyễn Văn Tùng (ngụ phường Phú Đông) lo lắng nói: “Điều mà nhiều ngư dân lo lắng hơn là triều cường đang có nguy cơ xâm thực sâu vào bên trong. Nếu không được gia cố bờ bao thì khả năng khu vực miếu thờ cá ông tâm linh của hàng trăm hộ ngư dân ở đây cũng sẽ bị biển cuốn đi mất”.
Ông Lê Thế Trung - Trưởng lạch Đông Tác, cho biết: “Triều cường cộng với sóng biển quá mạnh khiến người dân ở đây trở tay không kịp. Trước đó, bờ biển vẫn còn cách khá xa miếu làng Đông Tác. Nhưng chỉ trong đêm 14/10, sóng biển đã xâm thực sâu vào bên trong cả 10m. Toàn bộ khu sửa chữa tàu thuyền đều bị sóng biển nuốt chửng”.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện sóng biển chỉ còn cách miếu làng khoảng 2m. Nếu không kịp thời ngăn chặn, sóng biển sẽ đánh sập cả ngôi miếu này và tiếp tục ăn sâu vào bên trong.
|
Một chiếc thuyền gỗ đang trong quá trình sửa chữa đã bị sóng đánh vỡ |
Hiện tại chưa hết mùa mưa, triều cường đang có nguy cơ xâm thực sâu vào bên trong, bà con rất lo ngại nếu không có biện pháp gia cố bờ bao thì khả năng triều cường còn lấn sâu hơn vào bên trong khu dân cư.
“Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có phương án để khắc phục tình trạng này. Trước hết là cho gia cố bờ kè để bảo vệ được cái miếu thờ tâm linh của người dân, đồng thời quy hoạch một khu vực mới làm nơi sửa chữa tàu thuyền cho người dân”, ông Trung nói.
Sẽ lập quy hoạch khu sửa chữa mới
Theo ông Phạm Ngọc Thắng - Chủ tịch UBND phường Phú Đông, khu vực xóm Rớ thường xuyên xảy ra tình trạng triều cường uy hiếp. Ngay sau khi được người dân báo khu vực sửa chữa tàu thuyền bị cuốn trôi, sóng biển đánh sâu vào bên trong, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân tập kết thiết bị tạm thời vào khu vực Vinashin cũ để bà con có nơi tiếp tục công việc, nhất là trong thời gian cao điểm sửa chữa tàu thuyền.
“Phường cũng báo cáo thành phố để có phương án khắc phục tạm thời, đề nghị đơn vị thi công kè xóm Rớ hỗ trợ cho xe đổ đá bao quanh khu vực sạt lở, để ngăn sóng biển tiếp tục xâm thực. Về lâu dài sẽ lập quy hoạch khu sửa chữa mới để ngư dân có nơi tu bổ tàu thuyền”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Chu Văn Hà - kỹ sư thuộc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện công trình kè xóm Rớ giai đoạn 2 vẫn an toàn. Sau khi khu sửa chữa tàu thuyền bị sạt lở, ban quản lý đã chỉ đạo nhà thầu thi công kè xóm Rớ là Công ty TNHH Tân Lập cho xe chở đá tảng loại to đổ dọc theo khu vực sạt lở, ngăn sóng biển tiếp tục xâm thực vào bên trong. Khối lượng đá đổ xuống khoảng 10.000m3, đơn vị thi công vẫn đang tiếp tục đổ thêm đá tảng ở khu vực sạt lở.
“Về lâu dài, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng của TP.Tuy Hòa cũng như tỉnh Phú Yên có phương án khắc phục tình trạng sạt lở thường xuyên tại khu vực xóm Rớ, để đảm bảo an toàn cho công trình kè xóm Rớ và cơ sở vật chất của ngư dân ở phía trong”, ông Hà cho biết.