Góc nhìn nhà Phật
Trong nhà Phật, dù là thiêu (hỏa táng) hay chôn (địa táng) thì thân xác của người chết sẽ mất đi mọi cảm giác, không còn biết nóng lạnh là gì bởi thần kinh, tứ chi đã ngừng hoạt động. Thần thức đã rời thân xác nên cũng chẳng cảm nhận được sự đau đớn.
Nói thế để biết rằng dù hỏa táng hay địa táng, thì vong linh của người đã mất đều không bị ảnh hưởng đến việc siêu thoát. Tro cốt là phần còn lại sau khi đốt toàn bộ thân xác. Ngày xưa thì để trên giàn hỏa thiêu, sau thu lại cả tro tàn của củi và xác. Còn bây giờ có lò thiêu bằng điện, tro cốt còn lại sau cùng tinh nguyên và không lẫn tạp chất.
Cũng vì thế mà xác chết sau khi hỏa táng sạch sẽ, ít gây ô nhiễm cho môi trường hơn là với địa táng. Bởi thế mà đây là phương pháp xử lý xác chết được khuyến khích và phát triển trong thế giới hiện đại.
Trịnh Công Sơn đã viết trong một bài hát rằng “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”. Vì vậy, hình hài của kiếp này là ta mượn tạm, để trả nghiệp và hành nghiệp, chứ không có gì là bất biến là vĩnh viễn. Nên việc xây đắp mộ thật to cao, dành riêng một khoảng đất của người sống cho người chết ở là không cần thiết.
|
Một khu tháp tro cốt tại Nhật Bản. |
Sau khi xác định nhu cầu, nguyện vọng của những người liên quan. Thân xác của người đã mất sẽ được tắm rửa sạch sẽ rồi đưa vào lò hỏa thiêu. Điều đặc biệt của phương pháp này khi so với các phương pháp xử lý xác chết khác là hỏa táng có thể không cần quan tài, bởi xác chết sẽ được xử lý dưới nhiệt độ từ 2000 – 3.000 độ. Sau khi đốt cháy xong giai đoạn một, các phần xương cốt sẽ được xử lý bằng nhiệt độ cao hơn. Kết thúc quá trình, ta có được một hỗn hợp tro cốt, được đựng trong một hũ.
Nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng hỏa táng là một hình thức thay thế cho địa táng từ lâu đời, bởi tính đơn giản, gọn gàng sạch sẽ lại tiết kiệm. Ở những nơi đất đai đắt đỏ như Hồng Kông, người dân lựa chọn hỏa táng như một giải pháp tiết kiệm chi phí, lại giảm bớt gánh nặng đất đai cho người còn sống.
Ở Canada, tuy đất đai không bị quá tải như Hồng Kông. Nhưng người dân ở đây vẫn lựa chọn hỏa táng để hoàn tất thủ tục cho người đã mất. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ sử dụng hỏa táng chiếm 25%. Dự báo đến năm 2025 thì con số này ước chừng là 50%. Ở Ấn Độ, phương pháp này đã bắt đầu từ 2.000 năm trước. Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Lào… đã sử dụng hỏa táng từ rất lâu.
Thế giới để tro cốt ra sao?
Nhưng sau khi hỏa táng rồi, tro cốt nhận được rồi thì nên xử lý như thế nào, đem rải xuống biển hay cất trên chùa? Trên thế giới có nhiều cách xử lý, cụ thể có nơi rắc tro cốt xuống rừng cây, sông, biển. Có nơi chôn xuống đất và trồng cây lưu niệm lên trên, có nơi chôn và dựng một tấm bia, nghĩa là rất nhiều cách. Quan trọng là ước muốn của người chết di chúc lại hoặc quyết định của thân nhân họ.
Ở Nhật Bản, từ năm 2006, có rất nhiều ngôi chùa đã tiến hành xây dựng một loạt các ngôi mộ trang nhã để có thể làm nơi lưu giữ tro cốt của những người đã qua đời. Khu vực Tokyo, có đến hơn 2.000 người đã khuất được lưu giữ tro cốt trong một ngôi mộ bằng gỗ, xây dựng khá kỳ công và bề thế có tên là Ruriden.
|
Hũ đựng tro cốt bằng ngọc thạch. |
Được biết, bên trong ngôi mộ bằng gỗ được xây dựng kỳ công này có đến hơn 2.000 bức tượng Phật được thiết kế và chiếu sáng bằng đèn led. Bên trong mỗi bức tượng là một bộ tro cốt của 1 người đã khuất. Tại đây, thân nhân của người đã khuất sẽ được cấp cho 1 chiếc thẻ để vào ngôi mộ. Chỉ cần quẹt thẻ khi vào bên trong, bức tượng chứa tro cốt của người thân họ sẽ tự động sáng lên.
Ở khu vực miền Bắc của Đài Loan, có tòa tháp chứa tro cốt cao 20 tầng do một công ty dịch vụ tang lễ lớn hàng đầu thế giới điều hành. Được biết, bên trong tòa tháp này hiện đang chứa tro cốt của 400.000 người. Có thể thấy, việc chăm sóc tro cốt của người đã khuất là một trong những dịch vụ kinh doanh lớn, được khá nhiều người tin tưởng.
Ngoài ra, tại quốc gia này còn có thêm một dịch vụ khác đó chính là hỏa táng “xanh”, đây được xem là dịch vụ thân thiện với môi trường. Cụ thể, khi có người thân đã mất, gia đình sẽ áp dụng việc hỏa táng “xanh” là chôn cất tro cốt cùng với hoa, cây xanh hoặc thả ra biển tại những khu có quy hoạch. Ngoài ra, thân nhân của người đã khuất sẽ không thắp hương và cũng không dựng bia. Thống kê từ cơ quan chức năng nước này cho biết, trong những năm gần đây, số người chọn dịch vụ hỏa táng “xanh” tăng từ 0,47% (2008) lên đến 4,5% (hơn 7.700 người vào năm 2017).
Tro cốt nên để ở đâu là hợp lý?
Theo Phật giáo, con người sau khi chết thì thần thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì trả về cho tứ đại. Theo phong tục tập quán của từng xứ sở, phần thân xác tứ đại sau khi chết có thể có thể xử lý bằng nhiều cách như hỏa táng (thiêu), địa táng (chôn), thủy táng (thả sông biển), hoặc lâm táng (bỏ trong rừng), thậm chí là không táng (treo lên cây) hay điểu táng (cho kền kền ăn).
Tro cốt sau khi hỏa táng có thể dùng như một loại phân bón. Rải vào cây cối, vào đất đai trong nhà, trong vườn cây thân thuộc của gia đình. Có như thế thì ta luôn có cảm giác người đã mất luôn tồn tại, luôn hiện hữu quanh đây. Hành động này về mặt bản chất, cũng gần như việc địa táng đưa thân xác trở về cát bụi.
Có một số nơi, một số người quan niệm rải tro cốt xuống sông xuống suối. Về bản chất phần tro cốt đem rải sông bốc từng nắm hay thả cả hũ vẫn không khác nhau và không ảnh hưởng gì đến sự siêu thoát của người chết cả. Có điều, khi rải tro cốt, tuy không cần phải lễ nghi phức tạp nhưng thân nhân cũng nên thực hiện trong sự im lặng, chậm rãi, mỗi người rải một nắm trong sự thành kính tiễn biệt sẽ ý nghĩa và trọn tình hơn “bỏ cả hũ tro cốt xuống sông”.
Trong khi rải tro cốt con cháu cần yên lặng, thành kính, nguyện cầu cho người thân được sinh về cõi lành. Khởi tâm quán tưởng thân tứ đại này vốn là cát bụi, nay trở về với cát bụi; ngày mai thân của mình cũng trở về với cát bụi. Rải cốt xong, “về nhà thờ hình ảnh và cúng cơm như phong tục xưa nay” hoặc “gửi hình lên chùa và cúng cơm ở chùa”, cách nào cũng được.
Tro cốt sau khi hỏa táng còn có thể đem lên chùa như một giải pháp cầu siêu. Nếu người đã mất là một Phật tử, hoặc trong lúc lâm chung tâm tưởng hướng Phật. Thì việc hỏa táng xong đưa tro cốt lên chùa gửi là một điều nên thực hiện. Không khí thanh tịnh, sớm tối kinh kệ nơi cửa Phật khiến người ta có cảm giác siêu thoát và con cháu cũng cảm thấy nhẹ nhàng.
Quan trọng là, gia đình có người qua đời cần chăm làm các điều phước thiện trong khả năng có thể để hồi hướng phước đức cho người thân. Có thể cúng dường, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, giữ giới… rồi đem phước đức ấy hồi hướng cho người đã mất. Dù người thân tái sinh bất cứ nơi đâu, những phước đức mà bạn đã làm đem hồi hướng họ đều nhận được, sẽ trở nên tốt hơn trong cảnh giới hiện đang tái sinh.