Luôn luôn tranh cãi
Mới đây, các nhà khoa học Na Uy đã nghiên cứu, khảo sát và đi đến một kết luận là "Các cặp đôi theo xu hướng truyền thống - phụ nữ sẽ chăm lo việc nhà là chính, sẽ trân trọng giá trị hôn nhân hơn so với các cặp đôi hiện đại - việc nhà được chia đôi hoặc đàn ông có thể làm nhiều việc nhà hơn".
Tác giả trong nhóm nghiên cứu lý giải, mấu chốt của vấn đề là "nếu các cặp đôi hiện đại có xu hướng "sòng phẳng" trong chuyện phân chia việc nhà, thì tình cảm, hôn nhân cũng rất dễ sòng phẳng. Nghĩa là nếu không hài lòng, hay không vừa ý, họ có thể nghĩ ngay đến chuyện ly hôn mà không do dự.
Vô hình trung, điều này dẫn đến nguy cơ gia đình đổ vỡ lớn hơn". Ngược lại, "các cặp đôi sẽ chỉ thực sự hạnh phúc khi họ có vai trò được phân định rõ ràng, ít bị đem ra so sánh, ai nhiều ai ít hơn để nhận về sự bình đẳng. Việc phân chia công việc nhà theo truyền thống có thể dẫn tới "ít cãi cọ vặt vãnh hơn". Vì một khi vai trò đã rõ ràng, người ta sẽ tránh được tâm lý tại sao tôi làm nhiều mà anh được quyền làm ít?".
Khỏi nói cũng biết kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Na Uy đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Tương tự như việc trả lời câu hỏi “Trong gia đình vợ chồng có cần bình đẳng?”, phần lớn cánh đàn ông trả lời là không cần, còn cánh phụ nữ thì chắc chắn là cần.
Nhiều mày râu bình luận: “Quá đúng, đó là quan điểm từ xưa đến nay, quan điểm đi sâu vào tiềm thức con người Việt Nam đó là chồng trụ cột gia đình, vợ lo vun vén nhà cửa. Nếu thay đổi như vậy, thì bản thân chồng sẽ thấy mình nhu nhược, người vợ thì thấy chồng kém cỏi, không “hô mưa gọi gió” như nhiều người đàn ông khác, từ đó sinh ra mâu thuẫn gia đình.
Cái gì đã đi sâu vào tiềm thức thì không nên thay đổi, bản thân những người vợ có muốn chồng mình chui trong bếp, lúi xúi giặt quần áo trong khi chồng người ta là lượt, lái ô tô, phong độ trong những bàn làm việc sang trọng không?”.
Còn chị em thì lên tiếng: “Bây giờ xã hội bình đẳng, người phụ nữ cũng không còn nín nhịn như xưa. Việc vợ chăm con, đi làm đã tốn quá nhiều thời gian và công sức, nên chồng làm việc nhà đỡ đần vợ vẫn hơn. Vợ được quan tâm, chia sẻ thì gia đình sẽ hạnh phúc hơn”.
Ảnh minh họa |
Như vậy, sự bình đẳng trong gia đình vẫn được hiểu là “cưa đôi” mọi thứ có thể và mỗi người chỉ hoạt động theo thiên chức của mình theo kiểu “đàn ông trụ cột, đàn bà xây tổ ấm”. Cách hiểu này dường như cũng được ông Đặng Lê Nguyên Vũ mang đến phiên tòa xét xử vụ ly hôn nghìn tỉ của ông khi ông nhiều lần ông Vũ nhắc tới khuyên vợ “lui về hậu trường, lo chăm con, làm đẹp” để ông phát triển Trung Nguyên.
Chính vì cách hiểu này mà mỗi khi có quan điểm nào để cập đến chuyện đàn ông làm việc nhà, phụ nữ đi làm kiếm tiền hay đàn ông kiếm tiền, phụ nữ chỉ làm việc nhà là y như rằng cả hai giới đều nhảy dựng lên với nhiều ý kiến “phản pháo”.
Vậy bình đẳng trong gia đình là gì và gia đình có cần bình đẳng?
Dưới góc độ khoa học pháp lý, bình đẳng giới trong gia đình là việc vợ và chồng, con trai và con gái, các thành viên nam và nữ trong gia đình có vị trí, vai trò ngang nhau, quyền được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình như nhau, quyền được thụ hưởng về thành quả phát triển của gia đình và xã hội ngang nhau, quyền được tham gia quyết định các vấn đề của bản thân và của gia đình.
Trên cơ sở các quyền đó, các thành viên trong gia đình được tự do tham gia vào các công việc gia đình và ngoài xã hội tùy theo khả năng và sở thích của mình, được tự do lựa chọn những vai trò giống nhau hoặc khác nhau trong gia đình tùy theo mục đích của mỗi người, được tự do lựa chọn cách thức thụ hưởng các thành quả tùy theo sở thích của mỗi người.
Tuy nhiên, bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau, do đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau mà sẽ có những sự bình đẳng thực chất phù hợp với từng cá nhân trong gia đình.
Như vậy có thể thấy bình đẳng trong gia đình không có nghĩa là vợ 1 thì chồng cũng 1 mới yên tâm, mà đó là sự hài hòa chồng vợ xuất phát từ đặc điểm sinh học khác nhau và tính chất vai trò khác nhau của mình.
Chính vì thế, trong một bài viết của mình Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện (đang định cư tại Hungary) cho rằng trong xã hội hiện đại, vai trò người xây tổ ấm không chỉ là người phụ nữ, mà ở sự chung sức của tất cả các thành viên.
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc (SK), 160.000 đàn ông Hàn Quốc làm nội trợ vào năm 2016. Con số này tăng 24% so với năm 2014. Cũng trong năm 2016, số nam giới chăm sóc con cái đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước |
Bà Thiện không ủng hộ quan điểm người phụ nữ phải từ bỏ sự nghiệp riêng, "lui về hậu trường", mà vẫn có thể theo đuổi sự nghiệp của mình, nhưng quan trọng, người phụ nữ không nên quên mình là phụ nữ, đừng nên có cái tôi quá lớn. Cũng tương tự, người đàn ông không nên nhấn mạnh cái tôi là đàn ông, là chồng của mình để lấn lướt người vợ trong gia đình.
Bình đẳng trong gia đình là cần thiết vì bình đẳng giới ngoài xã hội chỉ được thực thi khi quyền trẻ em gái, phụ nữ được tôn trọng ngay trong gia đình – đó là quan điểm của bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ.
“Theo tôi, cần thay đổi nhận thức của các bên liên quan về khuôn mẫu, định kiến. Khi một cá nhân được tôn trọng và bảo vệ từ trong gia đình sẽ tự tin để bảo vệ mình và người khác ở nơi công cộng. Do đó, hiện nay, chúng tôi đang hướng đến giáo dục cho thanh niên về các giá trị phổ quát, bao gồm bình đẳng thực chất.
Bởi lẽ, thanh niên là đối tượng đứng trước ngưỡng cửa tự lập và hôn nhân. Qua đó, giúp họ có những thay đổi về thái độ và hành vi với người khác. Có lẽ, đây là cách phòng, chống bạo lực gia đình một cách bền vững” – bà Ngô Thị Thu Hà nhấn mạnh.