Khóc cười ký ức người điên
Khoa Cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần trung ương I, thấy người lạ đến, bệnh nhân không ai bảo ai cứ lừ lừ kéo ra, chằm chằm nhìn và chậm chạp bước theo.
Một thanh niên trắng trẻo, đẹp trai, tất nhiên không tránh khỏi cái ngây ngô của người tâm thần, liên tục chỉ cho khách xem những... cái nhọt “vô hình”. Có bác chừng ngoài 50, với câu chuyện đời lúc nhớ lúc quên mượn cái bút nắn nót ghi địa chỉ nhà, dặn khách nhắn dùm người thân đến đón. Cậu 15 tuổi trẻ nhất khoa lăng xăng chạy đến, chỉnh lại quần áo và xin chụp vài kiểu ảnh, dặn đi dặn lại rửa ảnh nhớ gửi về cho mẹ cậu ở phố Nam Đồng (Hà Nội).
Một bệnh nhân nữa mặt khá sáng sủa, tuổi chưa đến 30, cũng muốn chụp ảnh gửi về cho vợ. Máy ảnh chớp đèn liên tục, cả hai đứng tạo dáng, lên hình trông rất điệu. Một bệnh nhân khác đứng chen vào, cậu trẻ nhất kêu toáng lên là không được chụp ba. Các bệnh nhân khác tò mò đến xem chụp ảnh, dần dần gần như bệnh nhân của cả khoa vây kín lại và cũng muốn được chụp ảnh.
Bỗng một người đàn ông có gương mặt gầm gò, dáng người đậm, chắc nịch lao tới chặn “nhiếp ảnh gia” lại, dằn giọng: “Vứt cái máy ảnh đi. Định giở trò gì đấy? Thích đánh nhau không?”. Cũng may, hai bác sĩ nam trong khu điều trị đã chạy lại, bệnh nhân nọ mới khật khưỡng bỏ đi.
“Mới vào hả? Bệnh có nặng không? Thôi gắng chữa cho hết bệnh rồi các thầy cô cho về sớm nhé”, bệnh nhân tên Huy an ủi rồi dẫn khách đi chào hỏi và giới thiệu với các y, bác sĩ trong bệnh viện. Anh nhớ mặt, nhớ tên và chào hỏi từng người rất lễ phép. Anh kể, gia đình vừa đón anh về chơi mấy hôm rồi đưa trở vào nên anh phải đi chào hỏi từng người cho phải phép. Tôi hỏi: “Vậy chừng nào anh về hẳn”? “Sớm thôi, ở đây với mấy chú khùng mệt lắm!”, anh nói tỉnh queo rồi gãi đầu cười khà khà.
Níu chặt lấy tay tôi, bệnh nhân Hùng, quê ở Hải Phòng thao thao kể: “Em đang phải “chạy án” đấy. 12 tháng tù treo và 6 tháng thử thách. Em phạm tội xóc đĩa, “nướng” của “ông già” (tức là cha ruột - PV) hơn cả tỉ bạc đấy. Mà á, lương bà già em cả chục nghìn đô đấy, toàn khám bệnh cho quan. Giờ ông bà già đang phải chạy án cho em, cuối năm nay là em biến”. Các bệnh nhân khác nghe chuyện lên tiếng nhắc Tuấn: “Nói nhỏ thôi, không lộ hết, mất trắng mà còn bị công an bắt luôn đấy”.
“Trời! Xuống mà không alo cho em hay để em cho xe ra đón”, một bệnh nhân nam khoảng ngoài 30 tuổi ra vẻ vồn vã. Anh nói như tin chắc rằng người lạ đối diện có biết gia đình anh: “Ở dốc Yên Phụ ấy, gần chỗ thằng Dĩnh sửa khóa ấy. Đi xuống một đoạn là đến. Nhà em có mái tôn đỏ đỏ ở trước, nhớ ra chưa?”.
Anh còn khoe hiện đang nắm giữ phần lớn cổ phần của một công ty sữa quốc tế và được cử vào đây để làm một “điệp vụ” bí mật mà anh không thể chia sẻ với ai. Những câu chuyện khi tỉnh, khi mơ của người đàn ông hoạt bát, có giọng nói ấm trầm dễ mến này khiến khách chẳng biết nói gì, cứng người như bị thôi miên.
“Em chỉ yêu mỗi “anh thời tiết” thôi”
Đang xếp hàng chờ uống thuốc, thấy có người lạ, cô gái có nước da ngăm đen, khó đoán tuổi bỗng toe toét tiến lại gần khách, giọng nài nỉ: “Em xinh đẹp cho Thìn mượn cái điện thoại gọi cho anh Tuấn Hà”. Không để tôi kịp định thần, chị hồ hởi giải thích luôn: “Tuấn Hà MC dự báo thời tiết ấy, người yêu Thìn đấy, mới yêu nhau 1 năm đây thôi, hiểu chưa?”.
Rồi chị cúp hai mắt xuống, chùng giọng: “Tuấn Hà làm Thìn bị đau bụng, bảo Thìn ở đây chữa bệnh 1 tháng rồi sẽ đến đón Thìn về cưới. Thìn xinh thế này phải có nhiều người yêu lắm phải không em?”. Mới cười rổn rảng, chị đã rầu rĩ bước về phía nhóm bệnh nhân nữ, miệng lẩm bẩm: “Quyền Linh cũng yêu Thìn nhé, Tuấn Tú cũng yêu Thìn, anh Bo Đan Trường nữa, nhưng Thìn chỉ yêu mỗi “anh thời tiết” thôi, vì anh ấy đẹp trai nhất”...
Cô gái tội nghiệp này là chị Trần Thị Thìn, 36 tuổi, sinh ra trong một gia đình cơ bản, được học hành giáo dục đàng hoàng và có làm việc ổn định tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Trước đây, Thìn từng có mối tình rất đẹp với một chàng trai cùng quê nhưng không thể lấy nhau do 2 phía gia đình ngăn cản. Sau khi người yêu cưới cô gái khác, Thìn bắt đầu sống khép kín, suốt ngày nằm trong phòng xem ti vi rồi dần trở nên lầm lì, vô cảm. Mỗi khi bị gia đình giục giã chuyện lấy chồng, cô đều nổi xung cho rằng mình còn trẻ, còn xinh đẹp, không việc gì phải vội.
Bỗng một ngày, Thìn đột nhiên thích la hét, nhảy múa rồi đập phá đồ đạc trong nhà, đặc biệt là có tật “thèm” đàn ông, mỗi lần thấy người khác giới là cô ôm chầm lấy, thậm chí còn khao khát đàn ông đến nỗi chưa chạm vào người, mới chỉ nhìn bằng mắt nhưng đã hét toáng lên và liên tục nói người đó đã quan hệ tình dục với mình. Đưa cô vào Bệnh viện tâm thần Trung ương I điều trị, gia đình mới biết cô đã mắc chứng hoang tưởng hưng cảm.
Ám ảnh những trận đòn roi
Ngồi co ro trên ghế đá dưới mái hiên của sảnh bệnh viện, vừa thấy bóng người đi qua, cậu bé chừng 10 tuổi Trần Mạnh Linh đã sợ hãi đến co rúm, vừa khóc vừa ôm chặt lấy mẹ: “Bố ơi, con xin bố đừng đánh mẹ nữa”, “Ôi, đau quá. Cứu cháu với bà ơi”.
Mẹ của cậu bé cho biết, chồng chị là con của một đại gia cỡ bự của Hà Nội nên chồng không muốn chị đi làm gì cả, chỉ có nhiệm vụ ở nhà tiêu tiền, chăm sóc con cái. Dù được mẹ rất mực chiều chuộng nhưng Linh vẫn ngoan và học rất giỏi. Còn Linh bị như ngày hôm nay cũng chính vì chứng kiến những trận đòn thập tử nhất sinh mà chồng chị đã “thưởng” cho chị chỉ vì những lý do đơn giản “không nấu cơm sớm, không quán xuyến gia đình, không biết dạy con...”.
Đau đớn hơn, chính Linh cũng trở thành “tội đồ” khi mẹ cậu “không nghe lời bố”. Có lần, ông bố vác cả tuýp nước nện vào đầu con trai khiến người dân phải gọi công an phường trợ giúp.
Trả lời câu hỏi: “Chị đã ly hôn chưa?”, chị cúi đầu nói: “Vợ chồng không còn tình thì còn nghĩa. Tôi không muốn con không có cha. Đành nhủ lòng gặp cảnh nào chấp nhận cảnh đó. Thấy thằng bé phải vào đây, chắc là ông ấy hối hận lắm”...
(Còn tiếp)