Trung Nguyên và những bài học lớn về bảo hộ thương hiệu

(PLVN) - Theo nhận định của giới chuyên gia, các vụ tranh chấp đình đám liên quan đến thương hiệu Trung Nguyên không chỉ xuất phát từ cuộc ly hôn ngàn tỷ của vợ chồng ông chủ mà trước đó Trung Nguyên đã nhiều lần bị chao đảo, tưởng mất cả thương hiệu do sự thiếu hiểu biết trong bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại một số quốc gia.
Trung Nguyên và những bài học lớn về bảo hộ thương hiệu

Chao đảo từ “phát súng” đầu tiên

Tháng 7/2000, Công ty Trung Nguyên tiếp xúc với Công ty Rice Field với mục đích đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi hai bên còn đang thương thảo, chưa đi đến ký thỏa thuận hợp đồng thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đây được xem là sự cố đầu tiên về “phong trào” mất thương hiệu của một doanh nghiệp Việt Nam. “Sự kiện” này khi ấy cũng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí, nó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh ở nước ngoài.

Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ, một mặt Cafe Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field.

Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu. WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field, Công ty này cũng đành lùi bước và nhận làm đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ. Theo nhiều nguồn tin, để dàn xếp ổn thỏa, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn tốn hàng trăm nghìn USD cho việc lấy lại thương hiệu.

Rút ra được kinh nghiệm, Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm xương máu này cũng không giúp Trung Nguyên tránh được những cú vấp ngã trên con đường bảo vệ thương hiệu.

Mất cả thương hiệu trên thế giới ảo

Không những mất thương hiệu trong cuộc sống thực, Trung Nguyên còn mất thương hiệu trên cả thế giới ảo. Và lỗi này, tất nhiên vẫn thuộc về sự thiếu hiểu biết. Trước tiên là hàng loạt sự cố liên quan tới tên miền xảy ra sau “sự cố năm 2000” (sự cố Y2K). Năm 2003, tên miền trungnguyen.com.vn được Công ty Trung Nguyên mua. Trung Nguyên có lẽ cũng muốn mua tên miền .com cho mình, nhưng tiếc là từ năm 2001 tên miền trungnguyen.com đã được một Việt kiều Séc đăng ký trước. Hay tên miền trungnguyencoffee.com cũng không thuộc sở hữu của Trung Nguyên - Việt Nam mà đã bị Công ty Clockworkcommerce đăng ký từ năm 2007.

 

Không chỉ có vậy đến năm 2010, vấn đề thương hiệu của Trung Nguyên lại thêm một lần “dậy sóng” bởi vụ ầm ĩ giữa café Trung Nguyên và cafe Highlands của Công ty Cổ phần Việt Thái Quốc tế (VTI) đã diễn ra, khi tên miền trungnguyen.com.au (tên miền quốc gia của Australia) được dùng để quảng bá, giao dịch cho Highlands Coffee. Sự cố chỉ được Trung Nguyên phát hiện khi đăng ký tên miền này tại Australia thì thấy Công ty The Trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại.

Trung Nguyên đổ lỗi Highlands Coffee cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đại diện của VTI đã thẳng thừng bác bỏ điều này và khẳng định mình không hề có sự liên quan nào đến Công ty The trustee for Hinchliffe Trust – công ty đã đăng ký tên miền trungnguyen.com.au. Rất may, cuộc tranh cãi này sớm chìm vào quên lãng. Tới năm 2014, website này không còn tồn tại nữa.

Dường như bài học quá khứ vẫn chẳng là gì với Trung Nguyên, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Vào năm 2012, Trung Nguyên tiếp tục lại có cú vấp đau hơn với thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Trung Nguyên mua tên miền Legendee.com từ tháng 12/2011 nhưng quên hàng loạt tên miền “có liên quan” như Legendee.com.vn và Legendee.vn…

Vì vậy, Trung Nguyên chỉ biết kêu trời khi Legendeecoffee.com thuộc về một cá nhân chẳng có dính dáng gì đến Trung Nguyên. Lần này, hậu quả có vẻ nặng nề hơn khi Trung Nguyên bị mất cơ hội xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.

Theo Văn phòng về Bằng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO), thương hiệu Legendee Coffee được đăng ký tại Mỹ vào ngày 27/4/2012, tức là đăng ký sau khi có cảnh báo về việc có thể “Trung Nguyên mất thương hiệu cà phê chồn” từ một cơ quan báo chí trong nước. Thời điểm đó, tra cứu trên trang chủ của USPTO cho thấy, bản quyền (Trademark) thương hiệu Legendee Coffee (café legendee - café Chồn) đã được đăng ký tại Mỹ, chủ sở hữu là ông Alexander Nguyen. Một nguồn tin cho hay, ông Alexander Nguyen là người gốc Việt, quốc tịch Mỹ và không có mối liên quan nào với Công ty Trung Nguyên. 

Nguyễn Trọng Khoa – người sở hữu tên miền thương hiệu café Trung Nguyên legendeecoffee.com nói, Alexander Nguyen đã đề nghị mua lại tên miền, đồng thời cũng đã thống nhất về giá cả chuyển nhượng, các điều khoản cá nhân khác. Trên trang chủ legendeecoffee.com ghi rõ: ‘Bản quyền thương hiệu Cà phê Legendee (Legendee Coffee) và tất cả các thiết kế, văn bản, đồ họa, hình ảnh xuất hiện trên website www.legendeecoffee.com là tài sản thuộc sở hữu của ông Alexander Nguyen đã được đăng ký và bảo vệ bởi luật bản quyền Hoa Kỳ.

Trên hệ thống của USPTO cũng đã thể hiện kết quả rằng, bản quyền Trung Nguyen Coffee, G7 coffee và thương hiệu Trung Nguyen thuộc sở hữu của Trung Nguyên Việt Nam, nhưng Trung Nguyên không đăng ký bản quyền Legendee Coffee. Như vậy, nếu Trung Nguyên muốn phát triển thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ thì phải đàm phán với chủ sở hữu thương hiệu Legendee Coffee tại quốc gia này. Trong khi, chi phí đăng ký bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ được tiết lộ chỉ mất có 165 USD, tương đương với hơn 3 triệu đồng. 

Đừng coi thường bảo hộ thương hiệu và đăng ký tên miền

Không chỉ Trung Nguyên, nhiều công ty lớn đã gặp phải "quả đắng" với vấn đề đăng ký bản quyền tại các thị trường khác nhau. Điển hình là vụ "quả táo bạch tuyết" kinh điển giữa người khổng lồ Mỹ là Apple và Proview - công ty đã đăng ký thương hiệu iPad tại Trung Quốc. Theo một nguồn tin, Apple phải trả tới 400 triệu USD để mua lại thương hiệu iPad.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão thì tên miền quốc tế thể hiện hình ảnh thương hiệu của một doanh nghiệp ở mức cao nhất, nhất là với các đối tác lớn. Trên thế giới, từ Microsoft, Yahoo, Google, Facebook... cho đến những doanh nghiệp nhỏ đều muốn sở hữu một tên miền .com. Trong lúc nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn mải mê với những doanh số và các chiến lược phát triển, coi thường tên miền .com chỉ đơn giản như một chuỗi ký tự thì nhiều người khác đã coi đây là một tài sản. 

Với một doanh nghiệp luôn thể hiện khát vọng vươn ra toàn cầu như Trung Nguyên mà lại bỏ lỡ tên miền quan trọng nhất (.com) và tên miền từ khóa trungnguyencoffee.com. Câu chuyện của Trung Nguyên thực sự là một bài học lớn không chỉ dành cho doanh nghiệp này. Nó cho thấy, doanh nghiệp Việt vẫn rất thờ ơ, hay nói cách khác là thiếu chuyên nghiệp trong chiến lược kinh doanh của mình.

Việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền tại nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại. Nhà quản lý về sở hữu trí tuệ cho biết, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nâng cao tính chuyên nghiệp cho mình, ngoài đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước, cần đăng ký tại các quốc gia khác.

Doanh nghiệp cũng cần thường xuyên kiểm soát nhãn hiệu trên thị trường, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm, thậm chí thuê đơn vị tư vấn chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. 

Đọc thêm