Đáng nói, cuộc rà soát này chỉ được thực hiện khi UBND TP HCM hồi tháng 9/2020 có yêu cầu chỉ đạo, sau khi báo chí phản ánh ý kiến của bạn đọc về việc một số trung tâm Anh ngữ thu tiền học viên rồi ngưng hoạt động. Kết quả phát hiện 253 “trung tâm ngoại ngữ” chưa được cấp phép hoạt động 241 cơ sở khác hết hạn “giấy phép”.
Theo Nghị định 135/2018/NĐ-CP, sau khi được cấp phép thành lập, các trung tâm ngoại ngữ phải trình hồ sơ để được cấp phép hoạt động giáo dục. Điều kiện hoạt động là phải có đủ cán bộ, giảng viên, nhân viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu dạy học phù hợp, đảm bảo chất lượng… Thế nhưng thực tế thì khác. Không ít “trung tâm ngoại ngữ” được lập ra chỉ nhằm mục đích “moi” tiền phụ huynh, dù cơ sở vật chất tạm bợ tồi tàn, “giáo viên nước ngoài” có thể chỉ là những ông bà “Tây ba lô”, người đứng đầu “cơ sở” giáo dục chẳng có nổi một mẩu giấy tờ chứng minh chuyên ngành, khả năng…
Đã có nhiều vụ bê bối xảy ra. Hồi cuối năm 2020, Sở GD&ĐT TP HCM đã rút giấy phép thành lập 10 cơ sở của Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng tại các quận 1, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình. Lấy lý do “phải ngừng dạy do Covid-19”, trung tâm này đã nghỉ dạy vô thời hạn trong khi đã thu tiền của nhiều học viên.
Vào cuộc kiểm tra, mới hay khởi nguồn dẫn đến việc xuất hiện “hệ thống Anh ngữ” này do một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội xin giấy phép thành lập “Trung tâm Anh ngữ Đại Bàng” trên đường Cao Thắng (quận 10) từ tháng 8/2019. Sau đó, đơn vị này xin giấy phép tại 9 cơ sở khác, quảng cáo “chương trình tốt, học phí rẻ”, thu tiền rồi đóng cửa, trả mặt bằng. Cơ quan chức năng liên hệ làm việc với người đứng đầu “hệ thống” thì ông này cho rằng đã nghỉ việc. Đề nghị giám đốc “công ty mẹ” của hệ thống vào TP HCM làm việc thì ông này không đến.
Tại Hà Nội, hồi cuối năm 2018, dư luận cũng giật mình vì chuyện một “giáo viên tiếng Anh” mắng mỏ học viên bằng ngôn ngữ “chợ búa” thậm tệ, miệt thị học viên là “óc lợn”. Khi bị kiểm tra, đối tượng chỉ xuất trình được bản sao bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành… kế toán. Cơ quan chức năng xác định trước khi trở thành một người trực tiếp đứng lớp, “giảng dạy” cho học viên, bà này chỉ đơn thuần là một người dạy tiếng Anh miễn phí trên mạng; “chuyên gia nổ banh xác”; sau khi được tung hê và gắn mác “giáo viên” thì “chiêu sinh” và mở lớp dạy học có thu học phí.
Các “trung tâm Anh ngữ” vẫn tiếp tục mọc như nấm sau mưa, đánh trúng vào tâm lý của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn con mình biết ngoại ngữ để theo kịp cuộc sống hiện đại. Mong muốn được dạy và được học ngoại ngữ là chính đáng, nhưng phải làm sao để những đối tượng lừa đảo không thể gian dối trục lợi trong lĩnh vực này? Giữa lúc lộn xộn thật - giả trên thị trường dạy và học ngoại ngữ, việc tìm được một trung tâm “xịn”, “giáo viên xịn”… để gửi gắm con cái là không dễ dàng. Đâu phải ai cũng có thể biết trung tâm nào được cấp phép, được kiểm định chất lượng, trung tâm nào là “giả cầy”, đang hoạt động “chui”?
Ngành giáo dục cần công khai danh sách những trung tâm được cấp phép hoạt động để người dân có thể tìm hiểu xác minh lựa chọn nơi theo học. Một điều quan trọng nữa, ngành giáo dục và chính quyền địa phương cũng không được tiếp tục làm ngơ trước tình trạng lộn xộn trên. Để xảy ra thực trạng này, có nguyên nhân chính từ việc cơ quan chức năng đã buông lỏng công tác kiểm tra thanh tra.