Trường Đại học Luật Hà Nội: Tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực đào tạo luật

(PLVN) -Là một trong những cơ sở đào tạo luật lớn nhất Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội hiện đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Luật chúc mừng 43 năm Ngày truyền thống Trường.

Đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho đất nước

Thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm khoa học pháp lý có chất lượng cao và truyền bá tư tưởng pháp lý phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trong thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh đổi mới các chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực tài chính và tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ công tác đào tạo…

Với 8 chương trình đào tạo cử nhân luật, 13 chương trình đào tạo thạc sĩ luật và 7 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ luật. Trong 43 năm qua, Trường đã đào tạo được 47 khoá sinh viên chính quy, 29 khoá cao học và 27 khóa nghiên cứu sinh và nhiều khoá học viên các bậc, hệ đào tạo khác với tổng số lượng sinh viên, học viện tốt nghiệp lên tới 130.000 người. Có thể khẳng định, các thế hệ người học của các hệ đào tạo sau khi tốt nghiệp đã cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực pháp luật dồi dào, chất lượng, góp phần xây dựng Bộ, ngành Tư pháp ngày một phát triển, lớn mạnh. Nhiều thế hệ cựu sinh viên, học viên của Trường đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền tại địa phương và hệ thống các cơ quan tư pháp.

Trong năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội đã căn bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra và tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật trên các mặt công tác. Cụ thể, trong công tác đào tạo: kết quả tuyển sinh đào tạo trình độ đại học đạt chỉ tiêu đề ra với chất lượng đầu vào rất cao, kết quả tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh tăng cao so với năm 2021.

Đặc biệt, với thế mạnh đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn sâu, đa số đang ở độ chín về năng lực, Trường dần thể hiện được vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý. Các nghiên cứu có tính lan tỏa trong xã hội, với nhiều kết quả nghiên cứu trực tiếp phục vụ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, có thể ứng dụng trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và hội nhập quốc tế.

Trường được Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đặt hàng cũng như được giao một số nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, góp phần xây dựng chính sách và pháp luật. Thời gian gần đây, việc hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức khoa học, cơ quan Nhà nước, các hiệp hội được đẩy mạnh và hiệu quả thông qua các thỏa thuận hợp tác. Trường có chính sách khuyến khích để các nhóm nghiên cứu tham gia các đề tài, đề án cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước và có công bố quốc tế; chú trọng đào tạo bồi dưỡng, phát triển thế hệ các nhà khoa học trẻ, khuyến khích các giảng viên đi học nghiên cứu sinh, nghiên cứu sau tiến sĩ ở các nước phát triển. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế có nhiều khởi sắc, Trường tổ chức được nhiều đoàn ra và đón nhiều đoàn vào, góp phần huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển của Trường trong thời gian tới. Công tác tư vấn pháp luật, đào tạo ngắn hạn và thực hành nghề luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu mặc dù chưa có sự thay đổi mang tính đột phá. Nhất là trong năm 2022, công tác tổ chức cán bộ đạt nhiều kết quả tích cực khi có 01 nhà giáo được phong học hàm Phó Giáo sư; tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, thu hút được một số tiến sĩ về công tác tại trường; tiếp tục ký hợp đồng thỉnh giảng với một số trường hợp, công tác rà soát bổ sung quy hoạch và xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý được đặc biệt quan tâm.

Các lĩnh vực công tác khác như: công tác thư viện, công nghệ thông tin phục vụ tương đối tốt cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Công tác tài chính đã có những chuyển biến tích cực với việc thực hiện quy chế chỉ tiêu nội bộ mới.

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

Ngày 30 tháng 9 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Mục tiêu của Đề án là tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam.

Trường Đại học Luật Hà Nội hiện đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Cụ thể, về đào tạo, Trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội; mở rộng quy mô nhưng kiểm soát tốt về chất lượng; tiếp tục khẳng định thế mạnh đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật, phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ, các chương trình đào tạo chất lượng cao; phát triển đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.

Trên cơ sở của Đề án, quy mô đào tạo của Trường được mở rộng đến năm 2030 đạt khoảng 25.000 sinh viên, chú trọng tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% quy mô tuyển sinh trong năm. Bên cạnh đó, Trường tiếp tục khẳng định thế mạnh đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật; phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ. Về nhân lực và tổ chức bộ máy, Trường có khoảng 600 giảng viên, trong đó 40 - 45% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 25 - 30% giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, ít nhất 50% giảng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ; tăng cường trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo luật ngoài nước.

Về nghiên cứu khoa học, Trường có chính sách thu hút, phát huy trí tuệ, hàm lượng chất xám của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành; phát triển quan hệ hợp tác sâu, rộng về khoa học công nghệ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh xuất bản sách chuyên khảo, kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế có chỉ số ISBN, xuất bản các công bố quốc tế trên Tạp chí ISI, bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Phát triển quan hệ hợp tác sâu, rộng về khoa học và công nghệ với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để tăng cường các nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao của Trường; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện các đề tài, đề án, công trình, dự án nghiên cứu lớn, có công bố quốc tế...

Về phát triển nguồn nhân lực, Trường chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ về số lượng và mạnh về chất lượng; thu hút các giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên được đào tạo chất lượng ở nước ngoài về làm việc; ký hợp đồng lao động đối với giảng viên là người nước ngoài; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên; khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên tham gia hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, hoạt động tư vấn và thực hành nghề luật; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi giảng viên với các cơ sở đào tạo nước ngoài…

Về hợp tác trong nước và quốc tế, Trường đẩy mạnh thiết lập, phát triển quan hệ hợp tác ổn định, có chiều sâu với các cơ sở đào tạo luật có uy tín trên thế giới tại các nước phát triển và tại khu vực Đông Nam Á và châu Á; tăng cường đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với các trường đào tạo luật có uy tín trong nước; tăng cường các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên mỗi năm với các cơ sở đào tạo nước ngoài; tăng cường các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế…

Trong suốt chặng đường phát triển, Trường đã không ngừng vươn xa và vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì và Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba; nhiều năm được nhận cờ thi đua của Chính phủ và ngành Tư pháp cùng các danh hiệu thi đua khác.

Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan đơn vị, sự đồng lòng đoàn kết của các viên chức, người lao động và sự gắn bó của các thế hệ thầy cô giáo, sinh viên, học viên, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ sớm thực hiện được mục tiêu theo Quyết định 1156 của Thủ tướng Chính phủ xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và sứ mệnh của Trường kể từ khi thành lập đến nay.

Đọc thêm