“Đồng hành” bất đắc dĩ
Theo quan sát của phóng viên, khoảng cách từ điểm Trường Mầm non Thành Công xã Nà Bó và điểm Trường Tiểu học Nà Bó chỉ cách vỏn vẹn ống khói xả thải của nhà máy xi măng không quá 200m. Mỗi khi nhà máy hoạt động, ống khói hình trụ cao vút lại nhả khói đen kịt một vùng, kèm theo đó là những đợt “mưa bụi” đúng nghĩa đen. Việc bụi từ nhà máy xi măng được xếp vào dạng bụi hóa học theo quy định của ngành Y tế có thể gây ra các bệnh về mắt, liên quan tới hệ hô hấp, hệ tiêu hóa… Thế nhưng bất chấp những nguy hiểm về sức khỏe, các cháu nhỏ vẫn ngày ngày phải tiếp xúc và “làm quen” với chúng như những người đồng hành của mình.
Anh L.V.H, một người dân sống ở khu vực và có con theo học tại điểm trường tiểu học trên cho biết: “Mỗi khi nhà máy hoạt động, lò quay, máy nghiền đá của nhà máy kêu to đến choáng váng, không hiểu các cháu học bị ồn như vậy có tập trung vào lời cô giáo giảng được không?”. Cũng có con nhỏ theo học tại điểm Trường Mầm non Thành Công xã Nà Bó, chị Đ.T.Q ưu phiền nói: “Hàng ngày, nếu trời nắng ráo, đèo con đến lớp bụi từ các đoàn xe tải chở nguyên vật liệu, cũng như xi măng ra vào nhà máy đã khiến tôi không chịu nổi, huống chi các cháu nhỏ. Chưa kể lớp học của các cháu chỉ cách ống xả khói của nhà máy vài bước chân, cứ đà này chẳng mấy chốc phổi các cháu hỏng hết”.
Ngoài các mối nguy hiểm từ môi trường, vấn đề an toàn giao thông cho các cháu nhỏ khi đi đến trường cũng là vấn đề nhức nhối, việc đặt trường học ngay sát nhà máy xi măng, một trong những đơn vị có lượng xe tải vận chuyển hàng hóa với trọng tải lớn luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm có liên quan tới việc các cháu tan học cũng như khi đến trường, chỉ một phút bất cẩn, tai họa ập tới là khó có thể lường trước. Theo quan sát của phóng viên, tại thời điểm các cháu tan học, vẫn có một lượng lớn xe tải ra vào nhà máy, việc các cháu nô đùa, chạy nhảy sau giờ tan trường trên đường bên những chiếc xe trọng tải lớn lao vun vút, khiến ai nhìn thấy cũng phải thót tim.
Tuy biết việc các cháu học tại ngôi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe nhưng cha mẹ các em cũng đành chấp nhận, vì sự thuận tiện về địa điểm của 2 ngôi trường này. Một vài phụ huynh của các em là công nhân trong nhà máy, và hầu hết các bậc cha mẹ khác đều là người dân trong khu dân cư gần đó.
|
Ống xả khói của nhà máy xi măng nhuộm đen nền trời khi nhà máy hoạt động (trái) và Cây trước trường học phủ đầy bụi từ nhà máy. |
Người dân chưa kiện nên không xử lý?
Để tìm hiểu cụ thể hơn về sự việc này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Thuân - Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bó về việc các điểm trường được thành lập trước hay Nhà máy Xi măng Mai Sơn được xây dựng trước và được biết: điểm Trường Thành Công - Tiểu học Nà Bó được hình thành từ trường tiểu học của nông trường trong năm 1996 với 3 lớp. Sau đó, mỗi năm trường tự xây dựng, tu sửa cho tới nay. Còn về điểm Trường Mầm non Thành Công – xã Nà Bó được xây dựng từ năm 2010 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Khi được hỏi về sức khỏe của các em khi phải học dưới chân nhà máy xi măng và gần tuyến đường tỉnh lộ ĐT 110 đầy khói và bụi xi măng. Ông Thuân cho biết: “Việc các cháu học cạnh nhà máy cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của các cháu. Nhưng tới nay chưa có gì bộc phát ra bên ngoài, cũng như không có khiếu kiện nên chính quyền không xử lý (?!)”. Cùng với thắc mắc về vấn đề trên, phóng viên có buổi làm việc với ông Khanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn để trao đổi. Ông Khanh cho biết, hiện nay, Phòng chưa nhận được thông tin phản ánh gì từ cơ sở là trường tiểu học và mầm non. Nếu có sự việc như báo chí nêu thì các hiệu trưởng phải biết và báo cáo lên Phòng”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án xi măng lò quay Mai Sơn chính thức khởi công xây dựng quý II/2005. Đây là dự án công nghiệp có quy mô lớn với công suất 2.500 tấn clinker/ngày (1 triệu tấn xi măng/năm).
Theo quy định tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 10 tháng 10 năm 2002 về 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động chỉ rõ tiêu chuẩn về khoảng cách bảo vệ vệ sinh tính từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư đối với vật liệu xây dựng là sản xuất xi măng từ 500 - 1000m tùy công suất của nhà máy.
Cũng như căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Luật Xây dựng 2014 về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng thì việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà máy sản xuất xi măng đến các công trình công cộng, khu dân cư thì khoảng cách tối thiểu mà áp dụng cho Nhà máy Xi măng Mai Sơn ít nhất là 1000m.
Chiếu theo các quy định hiện hành, việc Nhà máy Xi măng Mai Sơn được cấp phép xây dựng và hoạt động mà không có phương án di dời trường học trong phạm vi không đảm bảo an toàn (hoặc có nhưng chưa thực hiện) đã là việc cần chính quyền nơi đây giải thích thấu đáo, nay UBND huyện Mai Sơn lại xây dựng trường mầm non ngay cạnh nhà máy này phải chăng là sự coi thường các quy định của pháp luật?