U60 hiến máu lần thứ 17
Tham gia các đợt hiến máu đa phần là thanh niên, duy chỉ có mình ông Như lớn tuổi nhất. Hiến máu đến lần thứ 5, thứ 6 thì ông Như đã trở thành cái tên quen thuộc được các thành viên Hội Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu Hà Nội, cho đến các bác sĩ tại viện Huyết Học truyền máu Trung Ương biết tới.
Khi ông điền vào bảng thông tin hiến máu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên xen lẫn ngưỡng mộ khi tính đến thời điểm này ông đã hiến máu đến lần thứ 17. Điều đáng ngạc nhiên hơn, mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng nhìn ông Như khỏe mạnh và trẻ trung hơn nhiều so với tuổi vốn có.
Được biết, 6 năm nay ông Như ăn chay trường và tu theo đạo Phật từ năm 28 tuổi. Đối với ông, việc ông hiến máu cứu người cũng xuất phát từ tâm niệm “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Ông Như tâm sự: “Gia đình tôi là gia đình Phật tử. Tôi được nghe các sư thầy giảng đạo rất nhiều. Các thầy khuyên con người nên làm điều phúc đức, cúng dường, giúp ích cho thiên hạ. Tôi không có tiền bạc nhưng có sức khỏe, có thể hiến máu nên đi thôi, chứ chẳng có lý do gì to tát cả”.
Được biết, ông hiến máu lần đầu tiên năm 2008, tại cơ sở hiến ở địa phương. “Lần đầu tiên hiến máu tôi đã 47 tuổi, khi ấy tôi cũng hồi hộp và run lắm, bởi nhiều người dọa đi hiến máu xong sẽ bị ngất xỉu, nên tôi cũng lo lắng”, ông Như kể lại. Duy nhất lần đầu hiến máu ông Như chỉ dám hiến 250ml máu, nhưng những lần sau ông đều hiến 350ml máu.
|
Mỗi dịp đi hiến máu, được nghe tuyên truyền về lợi ích của việc làm nghĩa cử này, hiểu hơn, ông càng nhiệt tình hơn. Cứ 3 tháng, nghe trên đài có thông báo địa điểm hiến máu, ông lại tự đi xe máy đến. Hầu hết các điểm hiến máu nhân đạo tại Hà Nội đều có dấu chân ông Như.
Ông Như chia sẻ, ngần ấy thời gian hiến máu tình nguyện cứu người là ngần ấy niềm vui, niềm hạnh phúc không tả xiết của ông. Những giọt máu nghĩa tình ấy không thể đong đếm một cách định lượng mà hơn hết là niềm vui và sự thoải mái về mặt tinh thần khi giúp người, giúp đời.
“Tôi hiểu biết là máu không sản xuất được, chỉ cho và hiến tặng thôi. Máu là vô giá. Nhưng những lần đứng trước sự sống và cái chết của người bệnh đang cần máu để truyền, để giành lại sự sống thì bản thân tôi hiến máu thấy rất đáng quý. Mỗi lần hiến máu như vậy tôi không nghĩ người ta trả ơn, tôi chỉ nghĩ làm sao có thể cứu người ta qua cơn bệnh hoạn, vậy với tôi là đủ rồi”, ông Như cho biết.
Vận động cả xã tham gia hiến máu
Không chỉ nhiều lần hiến máu tình nguyện, ông Như còn tự coi mình là “chuột bạch” thí nghiệm cho mọi người đi hiến máu theo. Bởi lẽ, trong gia đình không chỉ có ông Như, mà những người đủ điều kiện sức khỏe trong gia đình ông cũng đều tham gia hiến máu.
Ở độ tuổi của ông Như mà nhiều lần đi hiến máu như vậy, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn và thắc mắc là phía gia đình ông có ai ý kiến hay ngăn cản ông không.
Nhắc tới đây, ông Như chỉ cười xòa: “Nói các cô không tin, chứ cả gia đình nhà tôi tham gia hiến máu. Tôi hiến nhiều nhất 17 lần, vợ tôi hiến 6 lần, con trai tôi cũng đã hiến 9 lần, ngoài ra con dâu, con rể… mọi người đều vui vẻ tham gia hiến máu và cảm thấy rất hạnh phúc”.
Ông Như cho biết, mỗi ngày một chút, trong bữa cơm, trong mỗi lần gặp gỡ anh em, bạn bè, ông lại nói về lợi ích của việc hiến máu. “Mưa dầm thấm lâu”, vợ ông, các con trai, con gái và con rể đều theo ông đi hiến máu.
“Thường thì cả hai vợ chồng tôi cùng đi hiến máu với nhau. Huyết áp của bà nhà tôi không ổn lắm nên có hôm hai vợ chồng đèo nhau đi thì chỉ tôi đủ điều kiện hiến, còn bà ấy thì đành phải ngồi đợi”.
8 năm qua, là Trưởng thôn Thống Nhất (La Phù) ông Ngô Văn Như không chỉ động viên vợ con, anh em họ hàng, người thân, mà ông còn vận động được dân làng theo ông đi hiến máu. Mỗi lần có cơ hội, ông lại truyền đạt thông điệp, thuyết phục mọi người tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo.
Ông Như cho biết: “Ban đầu, người ta thấy tôi đi hiến máu, nhiều người khuyên can và phản đối ghê gớm lắm. Họ vẫn nghĩ “một giọt máu bằng 6 bát cơm” sao làm tội mình, rồi thì đi hiến máu hay đi bán máu, người sợ bệnh tật… nhưng nhiều lần thấy tôi đi hiến máu vẫn khỏe mạnh,nên nhiều người thay đổi được suy nghĩ tiêu cực về việc đi hiến máu tình nguyện”.
Theo lời ông Như, ông hiến máu và thấy sức khỏe mình rất tốt. “Ngày trước, khi tôi chưa đi hiến máu, cứ trái gió trở trời là tôi lại đau nhức khắp người, đau đầu mệt mỏi, nhưng từ ngày đi hiến máu, cũng có thể do thay máu mới lên tôi dứt hoàn toàn không còn đau đầu, mình mẩy nữa”.
|
Nói về ông Ngô Văn Như, một người dân xã La Phù cho biết: “Ông Như rất nhiệt tình, tích cực với các hoạt động của thôn, của xã. Ông ấy cũng thường xuyên động viên, kêu gọi chúng tôi tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Nhờ có ông ấy, chúng tôi cũng hiểu rằng hiến máu không chỉ giúp ích cho người khác mà cũng tốt cho bản thân mình nữa”.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã La Phù nhận xét: “Ông Như tham gia hiến máu từ khi tôi còn chưa làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông rất nhiệt tình trong hoạt động hiến máu tình nguyện, tích cực kêu gọi bà con trong xã tham gia. Ông cũng là người rất chân thành, hiền hậu”.
Hôm chúng tôi gặp ông Như, ông bảo vừa thôi chức trưởng thôn được một thời gian. Mong muốn của ông là được đến những điểm cần máu khẩn cấp để hiến, nhưng vì còn bận công việc ở địa phương nên chưa thực hiện được. “Việc thôn, việc xã nhiều, cứ quấn lấy suốt ngày. Bây giờ nghỉ làm trưởng thôn rồi, tôi hy vọng sẽ có thể đóng góp cho hoạt động hiến máu nhân đạo nhiều hơn nữa”.
Biết ông Như có tâm nguyện được hiến máu theo định kỳ, vậy nên bất cứ có chương trình hiến máu tình nguyện nào, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đều liên lạc, gửi thông tin cho ông. Trước việc làm ý nghĩa và những cống hiến cao cả vì cộng đồng, mới đây, ông Như đã được vinh danh trong“Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2016”.
Tuy nhiên, khi nhắc đến việc được tôn vinh, hay nhận giải thưởng, ông Như lại tỏ ra rất e dè, ngại ngùng. Bởi lẽ theo ông, những điều ông đóng góp cho xã hội còn quá nhỏ bé, chưa là gì để đáng được tôn vinh. “Tôi vẫn tâm niệm theo lời phật dạy, “Làm công đức tay phải, tay trái không biết” có nghĩa là đã làm công đức thì không cần ca tụng, không cần ai biết cả”, ông Như giải thích.
Ông Như là một trong những tấm gương điển hình tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, lần đầu đi hiến máu còn căng thẳng, rụt rè và lo sợ, nhưng nhìn thấy ông Như đi hiến máu, thì họ như được tiếp thêm can đảm.
“Ông Như cũng là một trong những người khiến chúng tôi nảy ra ý tưởng sẽ thành lập câu lạc bộ 18+, câu lạc bộ những người cam kết sẽ hiến máu tối thiểu 18 lần trong cuộc đời.
Với những người đã có tuổi như ông Như còn có thể làm được điều đó, thì những thanh niên khỏe mạnh và nhiệt huyết như chúng tôi sao lại không làm được”, anh Khuất Thanh Sơn, Hội trưởng Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, chi hội 6/1 cho biết.