Truyền thuyết thác Pongour
Nằm cách TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) gần 50km về phía nam, thác Pongour (thuộc xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Trước đây, người dân phải vượt qua khu rừng, bám rễ cây men theo dòng suối mới có thể đến được thác.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, thác Pongour đã mở lối đón du khách bằng một con đường nhựa dài khoảng 7km. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, vùng đất bazan màu mỡ này do một nữ tù trưởng người K’ho xinh đẹp tên Kanai cai quản. Tuy là phận nữ nhi nhưng nàng không giống những phụ nữa trong buôn, nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích cho dân làng.
Trong đó, nàng đã thuần dưỡng được 4 con tê giác to lớn khác thường. Những con tê giác này luôn tuân lệnh và cùng Kanai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa; đồng thời sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng ngày càng sung túc, thanh bình. Vào một ngày đầu xuân trăm hoa đua nở đúng ngày rằm tháng giêng, nàng Kanai nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.
Cận cảnh thác Pongour - gắn với truyền thuyết về nàng Kanai đã thuần dưỡng được 4 con tê giác to lớn, bảo vệ buôn làng |
Ngạc nhiên thay, 4 con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết. Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững hiện ra ngọn thác đẹp tuyệt trần giữa thiên nhiên. Dân làng cho rằng, suối tóc nàng Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá; còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ, chính là các cặp sừng của 4 con tê giác hóa thạch.
Người dân cho rằng đó là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la. Từ đó, hình ảnh nữ tù trưởng Kanai luôn sống mãi trong tim mỗi người K’ho. Dựa theo truyền thuyết, nhiều người cho rằng, Pongour vốn bắt nguồn từ tiếng của người K’ho bản địa mang nghĩa là “4 sừng tê giác”.
Lý giải khác lại nghĩ rằng, cái tên này ra đời để ghi nhớ phát hiện địa chất của người Pháp về cao lanh có trên vùng đất Đức Trọng với ý nghĩa “ông chủ vùng đất sét” hoặc “ông vua xứ Kaolin”. Để tưởng nhớ công lao của nàng Kanai, trong những năm 60 của thế kỷ trước, người dân K’ho của buôn làng nơi đây đã lấy ngày trăng tròn đầu tiên của năm và cũng là ngày mất của nàng để tổ chức lễ hội thác Pongour. Đây là thác nước duy nhất tại Việt Nam có ngày lễ hội.
Từ đó đến nay, cứ rằm tháng giêng hàng năm, lễ hội thác Pongour được tổ chức (năm nay ngưng tổ chức để phòng, chống dịch bệnh Covid-19), thu hút hàng ngàn người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước tham dự. Đến với lễ hội thác Pongour, du khách được hòa mình vào không khí sôi động của đời sống sinh hoạt cũng như những phong tục, tập quán hết sức đặc trưng của đồng bào nơi đây. Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, múa sạp, thi nấu cơm lam, tổ chức leo núi và nhiều trò chơi dân gian khác.
Trong dịp này, nam thanh nữ tú khắp nơi rộn rã du xuân, hồ hởi vượt qua 7 tầng thác Pongour, mong vào được chốn thiên thai. Họ cùng trao đổi tâm tình, tìm hiểu và yêu nhau bên thác Pongour. Cũng vào dịp lễ hội này, những đôi trài tài gái sắc thường cùng nhau cầm hoa đăng quỳ dưới chân thác Pongour cầu nguyện nàng Kanai để mong có được một tình yêu chân thành, thủy chung và viên mãn.
Ngoài giá trị văn hóa, tinh thần quan trọng, lễ hội thác Pongour còn góp phần gắn bó tình đoàn kết dân tộc, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Được biết, năm 2000, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận thác Pongour là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đến ngọn thác này săn ảnh “cháy máy”, nhiều người cũng không phủ nhận đây là một trong những dòng thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên.
“Nam thiên đệ nhất thác”
Trong vài tài liệu ghi chép về tỉnh Lâm Đồng, người Pháp từng cho rằng thác Pongour là “thác nước đẹp nhất Đông Dương”. Chính nhờ vẻ hùng vĩ vốn có, vua Bảo Đại khi đến nơi đây đã nói rằng đây là “Nam thiên đệ nhất thác”, nghĩa là thác nước hùng vĩ nhất trời Nam. Ngoài tên gọi Pongour, ngọn thác còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: thác bảy tầng, thác thiên thai…
Sở dĩ được gọi là thác bảy tầng vì ngọn thác có độ cao gần 40m, trải rộng hơn 100m, với hệ thống đá bậc thang 7 tầng thác đổ. Bao bọc xung quanh thác Pongour là rừng nguyên sinh, với thảm thực vật và hệ động vật khá phong phú. Vẻ đẹp của thác nằm ở những tầng đá xếp lại với nhau, không theo một trật tự nào. Những tầng đá này đã “xé” dòng nước từ trên cao đổ xuống thành hàng trăm dòng nhỏ, trắng xóa, bắn tung tóe.
Những dòng nước chảy như một mái tóc lướt qua những tảng đá trải đầy rêu. Thậm chí, có những mỏm đá nhấp nhô phía dưới giữa những dòng nước, nhìn từ xa cứ ngỡ như lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”. Rồi, hàng trăm dòng nước nhỏ dội xuống tạo thành một hồ nước rộng, trong vắt. Đứng chênh vênh trên đỉnh thác, cảm giác thích thú như càng dâng lên khi ví dưới chân mình là những sừng tê giác khổng lồ.
Ở đó, cách đây hàng ngàn năm có một sức mạnh nào đó cầm con dao khổng lồ giơ lên thấu trời, rồi băm một nhát thật mạnh, quả núi toác ra làm đôi để dòng nước theo đó mà chảy. Dọc hai bờ vách chỉ vài mảng được cây rừng phủ gần kín, còn lại thẳng đứng như hai bức tường bao bọc lòng thác rộng khoảng 2ha chỉ toàn đá và đá. Men theo vách thác bên phải xuống hạ lưu 500m, có cảm giác như đi giữa vườn kiểng thiên nhiên, bởi những cây cổ thụ và cây rừng cứ như mọc ra từ đá.
Qua vách bên trái, trở lên thượng lưu là những đoạn vách đá với đầy hình thù và rêu rong như những bức tường thành cổ đã bị con người bỏ quên hàng ngàn năm. Đến tham quan thác Pongour, du khách còn được thưởng thức ẩm thực với những món ăn mang đậm bản sắc Tây Nguyên, được chế biến và nấu trực tiếp ngay cạnh thác như cơm lam chắt lọc vị ngọt của dòng suối mát và hương thơm của rừng tre nứa xanh ngút đầu non. Hay món gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.
Nước chấm được làm từ hèm rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị… rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị khác nhau, vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm. Ngoài ra, còn những món ăn đặc sản khác như: lẩu lá rừng, măng le, cà đắng… Thưởng thức các món ăn bên cạnh thác Pongour cùng rượu cần ngây ngất với những điệu múa của các thiếu nữ bản thượng thì còn gì tuyệt vời hơn.