Truyền thuyết về ngôi chùa biết bay được xây dựng theo phác thảo trong mơ

(PLVN) - Ngôi chùa kỳ lạ đó là chùa Giấy (Thiên Đại tự) tọa lạc tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tương truyền, chùa xưa vốn ở nội thành nhưng bị một thầy pháp phù phép "bay" sang an ngự đất ngoại thành Đa Tốn. Kỳ lạ hơn, sau này chùa được xây dựng lại theo những hướng dẫn từ giấc mơ của vị sư trụ trì. 

Chùa Giấy có tên chữ là Thiên Đại tự, nằm cách mặt đường lớn xuôi về khu đô thị Ecopack khoảng 100m. Không ai biết lịch sử của chùa Giấy có từ thời nào vì các văn bia, chứng tích về chùa hiện đã thất lạc do chiến tranh. 

Tương truyền, chùa Giấy gắn với huyền thoại về một thầy phù thủy cao tay sống ở thời của Cao Biền (khoảng năm 887). Thầy phù thủy này đã vận nội công phù phép đưa một ngôi chùa ở nội thành Hà Nội bay về tọa lạc tại đất Đa Tốn theo hình thức một ngôi chùa giấy biết bay. Một sớm tỉnh dậy, người dân kinh ngạc phát hiện ra ngôi chùa làng mình biến mất không dấu vết.

Cổng chính chùa Giấy  

Khi người dân kêu mất chùa, đi khắp nơi tìm nhưng không thấy. Lần theo những chỉ dẫn mơ hồ của giấc mơ, họ tìm về đến xã Đa Tốn thì thấy có một ngôi chùa y hệt chùa làng mình. Người dân tin chắc rằng đây chính là chùa làng mình bay đến đây an ngự. Cái tên chùa Giấy được hình thành và lưu truyền từ đó. Như vậy theo dân gian, chùa Giấy là một cổ tự có lịch sử hàng ngàn năm nay. 

Sư trụ trì Thích Đàm Trí (sinh năm 1959, quê Nam Định) cho biết: Ni sư về tu tập tại chùa Giấy từ năm 1984. Lúc đó, chùa chỉ nhỏ như một chiếc am đơn sơ thanh tịnh, do hai sư bà Thích Đàm Hòe (quê Nam Định) và Thích Đàm Thuyết (quê Đông Anh, Hà Nội) trông nom.

Làng quê Đa Tốn hồi đó còn nghèo, chưa đô thị hóa mạnh như bây giờ. Hồi đó các ni sư cũng làm ruộng làm vườn như những người nông dân, cuộc sống rất thanh bần. Nhà chùa cũng không nghĩ đến việc sẽ trùng tu, tôn tạo ngôi chùa khang trang, to đẹp.

Tiền đường thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh  

Cho đến mùa xuân năm 2001, sau chuyến hành hương chùa Thiên Trù, chùa Hương về thì ni sư Thích Đàm Trí thường xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, nữ sư trụ trì chùa Giấy được các Ngài hướng dẫn cách trùng tu, xây dựng lại chùa với tầm vóc khang trang, đẹp đẽ hơn. Và từ đó đến nay đã gần chục năm, các công trình dần được hoàn thiện và bài trí theo giấc mơ đó” – ni sư Thích Đàm Trí cho biết.

 Khu nhà thờ Tổ trang nghiêm, thanh tịnh

Theo đó, không gian xây dựng tại đây được chia làm 3 nhánh, với trục chính chạy thẳng từ cổng Tam Quan vào đến Tiền đường, Trung điện và Thượng điện, nằm song song với nhau theo bố cục hình chữ Tam (三). Nhánh bên phải gồm gian thờ Bồ-tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, nhà thờ Tổ. Bên trái là gian thờ Bồ-tát Địa Tạng và nhà mẫu.

Khu mộ tháp trong khuôn viên vườn chùa  

Theo quan sát, không gian chùa Giấy hiện nay rộng rãi, khang trang. Nhà Tiền đường được xây bằng gạch đỏ, lợp ngói mũi hài ba gian hai dĩ là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung điện gồm 3 gian 2 tầng và 2 hàng lang thờ tượng các vị La Hán chạy dài hai bên. Khu gian nhà thờ Tổ trang nghiêm, thanh tịnh.

Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, cây ăn trái như nhãn, xoài, mít, nhiều loại hoa cảnh bốn mùa đua nhau khoe sắc cùng hàng cau thẳng tắp thoảng mùi hương hoa cau thanh khiết. Mùa này hoa nhãn, hoa xoài đang rộ hoa, hương thơm thanh mát cả không gian. Trong vườn chùa còn có khu vườn mộ trong đó có các mộ tháp của các vị sư quá cố.

Người dân, du khách muốn tìm cho mình một không gian thiền tự, chốn tĩnh tâm cho tâm hồn sau những bon chen, trần tục thì không gian chùa Giấy chính là một lựa chọn tin cậy. 

Đọc thêm