Ngôi đền thiêng có một không hai ở miền đất Cảng, nằm bên dòng sông Giá thơ mộng hiền hòa đã gợi về biết bao kí ức, về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta.
Linh thiêng đền Chợ Giá
Chúng tôi đã nhiều lần tới đền Chợ Giá, nơi đây cũng là một phần hạ lưu của dòng sông Bạch Đằng oai hùng năm nào - nơi thờ bà Phổ Thị Huyền, người có công âm phù giúp vua Lý đánh giặc. Người dân ở đây kể nhiều về những thần tích, và sự linh thiêng về ba chị em nữ nhân họ Phổ.
Theo thần phả làng Mỹ Giang có lược ghi: đền Chợ Giá - Nghè Mỹ Giang có từ đầu thế kỉ XI, năm 1102 (di bút của Hàn Lâm Viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính). Vào năm Nhâm Ngọ Long Phù thứ 2, đất nước đang trong cảnh lầm than loạn lạc, khi ấy 30 vạn quân giặc Tống do tên tướng Nguyễn Ngao cầm đầu đang lăm le xâm lấn địa giới giang đầu. Bọn chúng cho đóng đồn tại Bạch Đằng giang và An Lâm Thị.
Thế giặc mạnh, triều đình lo lắng nhà Vua đích thân cầm quân đánh giặc. Đến Mỹ Giang Trang thuộc huyện Thủy Đường thời đó. Lúc này trời đã tối, đại quân của Vua đóng ở chùa Mỹ Cụ. Đêm nằm ngủ trong chùa, nhà vua nằm mộng thấy có người con gái dung nhan yểu điệu, mi thanh mục tú xưng danh là Phổ Thị Huyền muốn tiến cử hai người em là Phổ Hộ và Phổ Hóa đến giúp vua diệt giặc.
|
Tượng "long chầu mặt nguyệt" trong đền Chợ Giá. |
Tỉnh dậy, nhà vua liền sai triệu tập các bô lão và dân chúng quanh vùng An Lâm Thị hỏi về gia đình họ Phổ và tìm gặp anh em sinh đôi nhà này là Phổ Hóa, Phổ Hộ, có một chị gái là Phổ Thị Huyền đã mất từ năm 16 tuổi. Hỏi về kế sách đánh giặc, cả hai trả lời rất lưu loát và nguyện xin được tòng quân giúp nước. Nhà vua vui mừng giao cho hai ông cầm quân bộ tả hữu tiên phong cùng cánh quân thủy của tướng Ðoàn Thượng tiến quân đánh giặc và giành đại thắng.
Trận chiến năm ấy quân ta toàn thắng, tướng giặc Nguyễn Ngao bị bắt sống. Trong tiệc khao dân làng Vua còn đọc bài thơ: “Nhất triều tụ hội hoán tinh thần/ Trẫm thị lương quân ngộ nghĩa thần/ Trinh nữ nhất tiêu hồn báo mộng/ Mỹ Giang hương hỏa ức niên xuân”.
Thắng xong giặc dữ, nhà vua ban thưởng dân làng ba trăm quan tiền để xây Đền thờ bà Phổ Thị Huyền và truyền cho người dân trong vùng đời đời hương hỏa. Sau đó, hai ông Phổ Hóa và Phổ Hộ được phong là Hộ Công Vi Tả Bật Nguyên soái và Hữu Bật Nguyên soái Ðại tướng quân và được xây đền thờ (chính là đền Mỹ Giang, xã Kênh Giang ngày nay).
Chuyện rằng, sau ba năm đất nước thanh bình, hai ông cáo quan về quê vinh quy bái tổ. Lưu truyền, hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa cùng đi trên một chiếc thuyền để về dự lễ báo công, nhưng không may thuyền bị đắm và xác hai ông được nước hồ Oa đưa về Mỹ Giang.
|
Cổng vào ngôi đền thiêng. |
Ngày ấy, nơi đây còn là khu rừng rậm, núi cao, sau ba ngày nơi này có hai đống mối xông rất to, hai ông đã báo mộng cho dân làng biết. Dân trong làng đã cùng nhau xây dựng Đền trên nền hai gò mối để tưởng nhớ công lao của hai ông.
Nơi đây đã trở thành chốn linh thiêng của người dân Kênh Giang. Đây là ngôi đền thờ “nhân thần” có thật. Bởi vậy, người dân trong làng có câu: “Cây có gốc mới nở cành, xanh lá/ Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau mới có mình”…
Ðến triều Nguyễn, bà Phổ Thị Huyền được truy phong là Bản Cảnh Thành Hoàng - Huệ Ðức Trinh Linh, Phổ Thị Huyền Càn Quý Lương Phạm Ðình Quân Công chúa.
Và “đất lành chim đậu”
Nếu như Đền Mỹ Giang chạy dài, nằm tựa lưng vào núi, “long phục, hổ chầu”, chứa nhiều yếu tố tâm linh. Gian chính của Đền thờ hai ông Phổ Hộ và Phổ Hóa mới được trùng tu cùng khuôn viên hồ Oa và tháp cao án ngữ đã tạo nên vẻ huyền bí cho vùng đất này.
Còn đền Chợ Giá, quanh năm rợp bóng mát dưới tán lá của 05 cây di sản trăm tuổi bên dòng sông: trong đó một cây đa 330 tuổi, ba cây bồ đề cùng hơn 300 tuổi, một cây thị hơn 200 tuổi. Năm cây cổ thụ, tán lá xum xuê quây quần che chở xóm làng như linh khí đất trời tụ lại, càng tạo thêm vẻ linh thiêng. Hiện ngôi đền vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử vô giá, trong đó đặc biệt phải kể đến bảy sắc phong của triều Nguyễn.
Xưa chợ Giá là nơi sầm uất, giao thương buôn bán, với khung cảnh trên bến dưới thuyền qua lại tấp nập… Nao lòng trước khung cảnh nên thơ ấy, xưa Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khi đi ngang qua nơi này đã phải thốt lên rằng: “Đàn cò trắng đậu trong mơ/ Xa xa dãy núi nhấp nhô trập trùng/ Cửa đền soi bóng con sông/ Dòng sông mang nặng ánh hồng phù sa”.
|
Trong khuôn viên đền có nhiều cây di sản hàng trăm năm tuổi quanh năm bóng mát. |
Hiện nơi đây người dân đã dựng lại khu chợ xưa làm nơi buôn bán vật phẩm, sản vật để tái hiện lại cảnh tượng buôn bán khi xưa. Bên cạnh đó, người dân cũng không ngừng phục dựng lại cảnh quan của khu chợ để hợp thành một quần thể di tích đa dạng và thống nhất. Tương truyền không chỉ là nơi tôn thờ đức thánh nữ một lòng “âm phù yêu nước”, đền Chợ Giá còn là nơi “đất lành chim đậu”.
Ðó là hai câu đối khắc ghi ngay cổng vào: “Tiêu thánh khuông phù dân sở tại/ Nữ thần tế độ khách vãng lai”. Hàm ý, làng Mỹ Giang là đất lành của cả người dân bản địa và những người ở nơi xa đến đây sinh sống, làm ăn.
Từ đó đến nay, ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh của dân làng, đền Chợ Giá cùng đền Mỹ Giang không chỉ thờ vị thành hoàng là nhân thần mà còn là nơi ghi nhớ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý của dân tộc Việt. Và dân gian cũng lưu truyền câu ca dao: “Nhất cao là núi U Bò/ Nhất đông chợ Giá, nhất to sông Rừng”.
|
Trải qua hơn 900 năm với bao thời gian mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc giã đã làm cho ngôi Đền chỉ còn phế tích. Từ năm 2001, nhân dân xã Kênh Giang cùng tín khách thập phương đã tổ chức tôn tạo, xây dựng lại quy mô tương xứng với giá trị tâm linh, giá trị lịch sử - văn hóa quý giá.
Ðặc biệt, lần trùng tu thứ ba, từ năm 2015 đến nay, những nét kiến trúc cũ được phục dựng, những công trình mới xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên phong thủy hữu tình. Và ngôi Đền linh thiêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca - nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng một người con của quê hương Kênh Giang cho biết: “ Ngôi đền thờ người con gái có công giúp Vua đánh giặc đã được phục dựng lên nhờ vào công lao đóng góp của rất nhiều người trong đó có nhiều người con của quê hương, có du khách thập phương.
Ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh thì đây còn là nơi bảo tồn về giá trị văn hóa của người phương Đông. Những giá trị truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam - thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý của dân tộc. Vì vậy việc bảo tồn các di tích là trách nhiệm chung của mọi người”.
Cụ Nguyễn Văn Quý, cao niên trong làng cũng bày tỏ: Trước đây cuộc sống người dân còn khó khăn, ăn không no, di tích xuống cấp, đường đi lối lại khó khăn, trường học của con em thì dột nát. Ngày nay nhờ sự chung sức, chung lòng của bà con làng xóm, của những người con xa quê có tâm đóng góp đã giúp cho Kênh Giang thay đổi.
Trường học được xây mới, đường xá đạt chuẩn nông thôn mới, di tích được nâng cấp. Chúng tôi những người của lớp cũ vô cùng tự hào và mong muốn đây cũng là nơi tâm linh để con cháu đời sau còn ghi nhớ…
Ngày nay, nhiều câu chuyện thực hư tại đền Nghè (nơi thờ hai ông Phổ Hóa, Phổ Hộ) cũng được dân làng truyền tai nhau. Đó là, khi phục dựng lại đền Nghè, tại nơi hai ông hóa gò mối, không hoàn toàn là thần tích, khi người dân đã thấy cốt trong đó và vội để lại nguyên trạng rồi đúc tượng. Trong những lần trùng tu, đền Nghè đã được mở rộng.
Chính tại nơi hồ Oa, trước có một gia đình sinh sống, sau khi nhận tiền bán đất một thời gian, đã tự nguyện làm lễ trả lại. Cũng giống như trước kia, nhiều người dân làng chứng kiến, hễ ai có ý định chặt cây quanh đền, đều tự gây thương tích cho mình…
Những câu chuyện thực hư ấy, được người làng kể lại, dù có thật hay huyền tích thì tất cả đã trở thành chốn linh thiêng của người dân Kênh Giang. Mỗi con người lớn lên mang theo những ký ức huyền diệu và đẹp đẽ về nơi chôn rau cắt rốn, nơi ấy là những vị thành hoàng làng, là những ngôi đền không chỉ trong ký ức mà còn hiện hữu với thời gian…